Yên Bái: Công khai Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà
(Xây dựng) - Sở Xây dựng Yên Bái vừa thông báo công bố, công khai Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.
Hồ Thác Bà là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch tỉnh Yên Bái. |
Theo đó, căn cứ Điều 40 Luật Xây dựng năm 2014 sửa đổi tại khoản 13 Điều 28 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018; Thực hiện Quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 10/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Văn bản số 1659/QĐ-UBND ngày 17/5/2024 của UBND tỉnh về việc thực hiện công bố, công khai Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040, Sở Xây dựng thông báo công bố, công khai Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.
Nội dung công bố, công khai là Quyết định số 396/QĐ-TTg ngày 10/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ và nội dung Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.
Hình thức là niêm yết công khai tại trụ sở UBND huyện Yên Bình; trụ sở UBND huyện Lục Yên và đăng tải rộng rãi (dưới định dạng file PDF, JPEG) trên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam; Cổng thông tin điện tử tỉnh Yên Bái; Cổng thông tin các huyện Yên Bình, Lục Yên; Cổng thông tin điện tử Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái.
UBND các huyện: Yên Bình, Lục Yên tổ chức niêm yết công khai Quyết định phê duyệt và Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 và đăng tải rộng rãi (dưới định dạng file PDF, JPEG) trên Cổng thông tin điện tử của địa phương.
Theo phê duyệt, phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích mặt nước hồ Thác Bà và vùng phụ cận thuộc địa giới hành chính huyện Yên Bình và huyện Lục Yên với quy mô diện tích khoảng 53.000ha. Trong đó, khoảng 42.977ha thuộc địa phận huyện Yên Bình, bao gồm toàn bộ thị trấn Thác Bà và 03 xã Phúc Ninh, Mông Sơn, Mỹ Gia; một phần của thị trấn Yên Bình và 15 xã Ngọc Chấn, Cảm Nhân, Yên Thành, Phúc An, Vũ Linh, Vĩnh Kiên, Đại Đồng, Tân Hương, Thịnh Hưng, Hán Đà, Xuân Long, Tân Nguyên, Bảo Ái, Cảm Ân và Xuân Lai. Diện tích còn lại khoảng 10.023ha thuộc địa phận huyện Lục Yên, bao gồm một phần của 06 xã Mường Lai, Liễu Đô, Vĩnh Lạc, Minh Tiến, An Phú và Phan Thanh.
Tại Quyết định, một trong các mục tiêu được đưa ra là xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Phấn đấu đến năm 2040, toàn Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa có thương hiệu với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà có tính chất là khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng trung du và miền núi Bắc bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với giá trị văn hóa dân tộc và hệ sinh thái hồ Thác Bà. Là một trong những khu du lịch quốc gia có thương hiệu, gắn với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu.
Là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia. Là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; vùng bảo đảm an ninh năng lượng, cấp nước, thủy lợi cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Mục tiêu đặt ra cho quy mô khách du lịch đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 1,5 triệu lượt khách và đến năm 2040, đạt khoảng 4,5 triệu lượt khách. Cùng với đó, định hướng cấu trúc không gian Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà gồm 2 cửa ngõ, 2 hành lang, 4 vùng phát triển, 8 trọng điểm.
Mai Thu
Theo