Những lưu ý phong thủy trong thiết kế nhà tắm, nhà vệ sinh
Việc bố trí khu nhà tắm và nhà vệ sinh trong cùng một không gian giúp tiết kiệm diện tích nhưng điều này cũng gây ảnh hưởng tới phong thủy chung của ngôi nhà.
Sắp xếp bàn làm việc đúng phong thủy mang lại may mắn
Những đại kỵ trong phong thủy nhà ở khiến tài lộc tiêu tán
Cửa chính hợp phong thủy mang lại tài lộc dồi dào cho gia chủ
Một vài chú ý khi thiết kế:
Khi thiết kế phòng tắm, phòng vệ sinh cho gia đình, chúng ta cần lưu ý một số nguyên tắc quan trọng sau:
Cần bố trí theo nguyên tắc “tọa hung hướng cát”, khu vệ sinh nên đặt vào các hướng xấu, nhìn về hướng tốt. Khu vực này là nơi có thủy khí rất nặng, nếu đặt nó ở hai phương vị thổ khí đương vượng là Tây Nam hoặc Đông Bắc thì sẽ sinh ra “Thổ khắc Thủy” gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mọi người trong gia đình. Hơn nữa, nếu đặt nhầm vào đường Quỷ Môn Quan thì cũng sẽ rất xấu. Không nên đặt ở phía Nam vì hướng này có hỏa khí nặng, sẽ xung khắc với nhà vệ sinh thủy khí nặng không tốt.
Phòng vệ sinh tuyệt đối không nên được xây ở giữa trung tâm của ngôi nhà vì sẽ khiến ngôi nhà bị uế khí, gây ảnh hưởng đến vận khí của gia đình. Trung tâm của ngôi nhà tức là ở chỗ giữa của nhà ở, giống như tim của con người, rất quan trọng. Nếu nhà vệ sinh đặt tại đó sẽ không phù hợp, mọi người trong nhà rất dễ mắc các bệnh liên quan đến thủy như bệnh phù, bệnh ngoài da, thận, tiết niệu, các tuyến nội, bài tiết … thậm chí còn dễ khiến mọi người trong gia đình gặp rủi ro, nhất là những người trong Bát tự kỵ thủy, ấy là còn chưa nói đến mỹ quan cũng như không phù hợp với phong thủy.
Khu vệ sinh nên đặt vào các hướng xấu, nhìn về hướng tốt.
Ngoài ra, nếu nhà vệ sinh đặt giữa nhà, hệ thống cấp thoát nước buộc phải chạy quá phía dưới các khu vực sinh hoạt khác của nhà ở, vừa không tiện vừa khó sửa chữa nếu có sự cố gì. Khi thiết kế phòng vệ sinh, đối với nhà cao tầng thì nên cùng nằm trên một trục đường thẳng để việc cấp thoát nước thuận tiện. Nếu cùng một tầng phải bố trí hai phòng vệ sinh, bạn nên thiết kế chúng “quay lưng” lại với nhau để thuận tiện cho việc lắp đặt hệ thống kỹ thuật.
Cửa phòng vệ sinh kỵ đối diện với cửa chính, cửa nhà bếp và phòng ngủ. Phạm vào điều kỵ này, tài vận gia đình sẽ bị đảo lộn. Đối với nhà bếp, không khí cần phải lưu chuyển mới tốt, vì vậy không nên để uế khí lẫn lộn vào.
Đối với giường ngủ, nếu hướng của bồn cầu trong phòng vệ sinh xung thẳng tới hướng đầu giường hoặc giữa giường ngủ của chủ nhà trong phòng ngủ đều là những trường hợp không tốt. Nếu đầu giường ngủ bị xung thì chủ nhân dễ mắc bệnh, suy giảm năng lực sinh tài.
Nhà vệ sinh phải đặt ở cuối hướng gió, vị trí phải kín đáo nhưng dễ tìm. Theo nguyên tắc phong thủy, phòng vệ sinh nên đặt ở hướng dữ, tránh đặt đè lên hướng lành. Nhà vệ sinh, nhà tắm là chỗ đại tiểu tiện, tắm rửa làm sạch mọi dơ bẩn trên người nên bản chất của nó không phải sạch sẽ, vì vậy không nên đặt nhà vệ sinh ở hướng lành, nếu không sẽ làm cho các sao lành bị bẩn, ảnh hưởng đến vận may của đất ở.
Nếu như nhà vệ sinh nhìn thẳng ra cửa chính tạo thành một đường thẳng hay đập vào mắt người vào cửa sẽ mất mỹ quan và cũng không phù hợp phong thủy. Theo phong thủy, điều này sẽ dẫn đến bệnh tật, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người.
Nhà vệ sinh cũng cần được giữ gìn sạch sẽ, thoáng đãng.
Khi xây mới nhà ở, một số gia đình để tiết kiệm không gian đã lấy ra một gian vệ sinh làm thành phòng ngủ. Điều này không chỉ trái với phong thủy mà còn không hợp với vệ sinh. Theo quan niệm của phong thủy học, nhà vệ sinh là nơi không sạch sẽ, cần được đặt hướng dữ để trấn áp các sao dữ. Phòng ngủ đặt gần nhà vệ sinh là tối kỵ huống gì là cải tạo chúng thành phòng ngủ. Nên chăng chỉ cải tạo gian vệ sinh thành nơi để đồ đạc thì có thể chấp nhận được.
Nhà vệ sinh phải có cửa sổ, tốt nhất là đủ ánh sáng, không khí lưu thông. Nguyên nhân rất đơn giản, nhà vệ sinh là nơi thường xuyên ẩm thấp dễ gây nên ẩm mốc, đồng thời cũng là nơi chúng ta thường dùng để tẩy rửa tạp chất và xú uế. Do vậy nhà vệ sinh nhất thiết phải có cửa sổ hoặc cửa thông gió, đủ ánh sáng và không khí lưu không để cho mùi hôi bay đi, duy trì không khí trong sạch.
Cũng giống như bất kỳ không gian sống khác trong nhà, nhà vệ sinh cũng cần được giữ gìn sạch sẽ, thoáng đãng. Do đó, cửa thông gió hoặc cửa sổ cần thường xuyên mở để thoáng khí, luôn đón không khí trong lành.
Trang trí nhà vệ sinh
Nền nhà của phòng vệ sinh cần thiết kế có độ dốc, bảo đảm thoát nước tốt.
Theo xu hướng hiện đại thì nhà vệ sinh thường được thiết kế kết hợp cùng khu vực tắm và lavabo để tiết kiệm không gian sử dụng cũng như tiện lợi cho sinh hoạt khép kín từng phòng. Bạn có thể dùng vách kính, rãnh phân cấp nhỏ hoặc dùng rèm che, bình phong không thấm nước… để ngăn cách không gian tắm ẩm ướt với khu vệ sinh của gia đình.
Nền nhà của phòng vệ sinh cần thiết kế có độ dốc, bảo đảm thoát nước tốt; khi lát sàn nên lưu ý chọn loại vật liệu ít trơn trượt, dễ vệ sinh.
Bạn cũng có thể dùng tấm thảm cao su loại nhám để trải trong phòng vệ sinh. Nhược điểm của loại thảm này là giữ bụi bẩn nên cần vệ sinh thường xuyên cho sạch sẽ. Vì không khí của nhà vệ sinh ẩm ướt, sự thay đổi giữa nóng và lạnh là rất lớn nên khi muốn trang trí bằng cây xanh, bạn có thể dùng bonsai để trang trí. Nó vừa có tính thẩm mỹ cao lại vừa gọn gàng.
Về màu sắc khi trang trí, nhà vệ sinh là nơi thuộc Thủy, nên màu tốt nhất của nó là màu trắng thuộc Kim, màu lam thuộc Thủy. Các màu này mang lại sự thanh nhã vừa tạo cảm giác sạch sẽ, yên tĩnh. Tránh dùng màu sơn tường hay gạch lát màu đỏ tươi, màu vàng sẫm gây cảm giác nóng bức, chật chội cho không gian phòng. Hơn nữa các nhà vệ sinh dùng màu vàng, màu đỏ nhiều, người trong nhà thường hay mắc bệnh tật. Nhất là hệ thống tiêu hóa, dạ dày …
Những thông tin hữu ích trên đây quý vị nên lưu ý để thiết kế phòng tắm và nhà vệ sinh hợp phong thủy, hợp vệ sinh và đảm bảo vẻ đẹp thẩm mỹ cho ngôi nhà. Hy vọng bạn sẽ biết được những điều cần tránh và không nên để có được một không gian sống hoàn hảo.
*Lưu ý: Thông tin bài viết chỉ mang tính chất tham khảo!