Cho lao động nghỉ việc dài ngày, cần hài hòa lợi ích các bên

(Tieudung.vn) - Do khó khăn bởi tình trạng đơn hàng bị cắt giảm trong nhiều tháng qua, không ít công ty tại tỉnh Đồng Nai đã lên kế hoạch cho công nhân lao động tạm nghỉ việc dài ngày vào dịp Tết 2023. Làm gì để

Cho lao động nghỉ việc dài ngày, cần hài hòa lợi ích các bên

Cho lao động nghỉ việc dài ngày, cần hài hòa lợi ích các bên
Do khó khăn bởi tình trạng đơn hàng bị cắt giảm trong nhiều tháng qua, không ít công ty tại tỉnh Đồng Nai đã lên kế hoạch cho công nhân lao động tạm nghỉ việc dài ngày vào dịp Tết 2023. Làm gì để đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người lao động?

Giảm đơn hàng, người lao động giảm thu nhập

Ông Cao Duy Thái - Trưởng Phòng Chính sách lao động (Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai) cho biết: Từ đầu đăm 2022 mặc dù dịch bệnh được kiểm soát, tuy vậy nhiều doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng để sản xuất, tình hình chung doanh nghiệp và người lao động gặp nhiều khó khăn. 

Công ty TNHH Ngũ Lâm Việt (TP Biên Hòa) hiện hơn một nửa công nhân nghỉ việc do đơn hàng sản xuất đồ gỗ bị cắt giảm (ảnh: tháng 11/2022).
Công ty TNHH Ngũ Lâm Việt (TP Biên Hòa) hiện hơn một nửa công nhân nghỉ việc do đơn hàng sản xuất đồ gỗ bị cắt giảm (ảnh: tháng 11/2022).

Công ty TNHH Sản xuất Thương mại xuất nhập khẩu Ngũ Lâm Việt (đóng tại phường Phước Tân, TP Biên Hòa) có khoảng 500 lao động. Hiện tại đã có hơn nửa số lao động phải tạm nghỉ việc vì thiếu đơn hàng sản xuất, số lao động còn lại cũng không được bố trí làm tăng ca nên giảm thu nhập so với trước đây.

Ông Tống Văn Vinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Ngũ Lâm Việt cho biết, tình trạng thiếu đơn hàng đã kéo dài từ đầu năm 2022 đến nay. Hiện công nhân chỉ làm một tuần 4-5 buổi, các giờ làm tăng ca đã giảm, kéo theo thu nhập của công nhân giảm xuống. Tuy vậy, tại công ty, người lao động được tạo mọi điều kiện về chỗ ở để giảm thiểu những chi phí.

“Chúng tôi giảm thời gian làm việc và giảm tăng ca. Còn mức lương trên thời gian làm thời vụ thì không giảm. Chúng tôi không bắt ép công nhân, vì thời gian Tết gần đến sợ ảnh hưởng đến cuộc sống người lao động. Như vậy ai thấy làm được thì làm, ai muốn nghỉ thì chúng tôi cho nghỉ thôi. Chúng tôi cố cầm cự, chứ các công ty khác bây giờ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Tống Văn Vinh nói.

Tương tự, các công ty có số lao động lớn tại Đồng Nai cũng trong tình cảnh gặp nhiều khó khăn về đơn hàng và lên kế hoạch giảm công nhân lao động, giảm giờ làm việc tăng ca. Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina (đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) với hơn 35.000 lao động, dự kiến sẽ cho công nhân nghỉ Tết âm lịch 2023 ít nhất 10 ngày.

Công ty TNHH Dona Pacific Việt Nam (đóng tại huyện Trảng Bom) với gần 10.000 công nhân đang trong tình trạng giảm 30% đơn hàng sản xuất trong những tháng gần đây. Công ty tổ chức cho công nhân tăng ca 3 giờ/tuần và đang lên phương án cho công nhân nghỉ phép năm vào ngày thứ bảy hằng tuần. Bà Đặng Thị Thơm - Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, sắp tới tình hình sản xuất hàng hóa của công ty sẽ khó khăn hơn.

Một công ty đóng tại khu công nghiệp Suối Tre (TP Long Khánh) chuyên sản xuất hàng nông sản xuất khẩu cố gắng duy trì số lượng lao động làm việc trong điều kiện khó khăn về đơn hàng.
Một công ty đóng tại khu công nghiệp Suối Tre (TP Long Khánh) chuyên sản xuất hàng nông sản xuất khẩu cố gắng duy trì số lượng lao động làm việc trong điều kiện khó khăn về đơn hàng.

Công ty TNHH Pousung Việt Nam (đóng tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) có khoảng 25.000 lao động, cũng đã lên kế hoạch nghỉ Tết 10 ngày. Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien (Khu công nghiệp Tam Phước, TP Biên Hòa) có khoảng 1.200 lao động cũng dự kiến cho công nhân nghỉ Tết kéo dài khoảng 1 tháng.

Theo nhận định của các chuyên gia tuyển dụng lao động, nếu tình hình đơn hàng tiếp tục bị ngưng trệ ở một số công ty như, thì khả năng sẽ có không ít doanh nghiệp phải thực hiện phương án cho công nhân nghỉ giãn việc dài ngày (ít nhất từ 10 ngày, nhiều nhất là nghỉ 1 tháng) trong dịp Tết 2023 này.

Cần thông cảm, trên cơ sở thỏa thuận

Thực tế nhiều doanh nghiệp hiện nay trong điều kiện thiếu đơn hàng và thu hẹp sản xuất, đồng thời phải cố gắng duy trì giữ chân người lao động, đảm bảo thu nhập cho người lao động. Chính vì vậy các doanh nghiệp cũng đã tính toán nhiều phương án để đảm bảo việc duy trì hoạt động sản xuất.

Thời gian gần đây, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cũng nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp cần được hướng dẫn cách giải quyết các khó khăn nói trên để không vi phạm Luật Lao động, đảm bảo được quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động.

Trao đổi vấn đề trên với Báo Kinh tế và Đô thị,  Vũ Ngọc Hà - Giám đốc Trung tâm pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai) cho biết: "Về nguyên tắc, một khi các bên đã thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động rồi thì phải thực hiện đúng các nghĩa vụ hợp đồng. Theo đó, đối với người sử dụng lao động thì phải đảm bảo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ cho người lao động. Còn đối với người lao động, có nghĩa vụ thực hiện theo thời giờ làm việc và nghỉ ngơi đó.

Cũng theo luật sư Hà, hiện nay Bộ luật Lao động có quy định liên quan đến lao động ngừng việc, nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải trả đủ lương cho người lao động, nếu lỗi do người lao động thì người lao động không được hưởng lương.

Theo khoản 3, Điều 99, Bộ luật Lao động năm 2019: “Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau: a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu; b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu”.

Nhiều công nhân đã nghỉ việc do cắt giảm đơn hàng, tại Công ty TNHH Ngũ Lâm Việt.
Nhiều công nhân đã nghỉ việc do cắt giảm đơn hàng, tại Công ty TNHH Ngũ Lâm Việt.

Tuy nhiên trong điều 99 Bộ Luật Lao động không có quy định cụ thể nếu trong trường hợp không có đơn hàng thì được thỏa thuận theo quy định tại khoản 3. Cho nên lưu ý, nếu trong trường hợp không có đơn hàng sản xuất mà các doanh nghiệp căn cứ vào khoản 3, Điều 99 của Bộ luật Lao động là chưa chuẩn xác.

“Chính vì vậy, trong trường hợp doanh nghiệp giảm đơn hàng thì các bên (công ty và người lao động) cần thông cảm với nhau để thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, hoặc thỏa thuận nghỉ việc không hưởng lương. Đó là quyền của các bên trong vấn đề thỏa thuận”, luật sư Vũ Ngọc Hà lưu ý.

Theo luật sư Hà, trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên, nhiều công ty hiện nay áp sử dụng phép năm để giải quyết cho người lao động. Còn nếu không còn phép năm thì người sử dụng lao động thực hiện ứng phép. Cách khác, một số cơ doanh nghiệp áp dụng cơ chế thỏa thuận, chẳng hạn tạm hoãn hợp đồng lao động (nửa tháng hoặc vài tháng). Nói chung làm gì thì làm cũng phải dựa trên tinh thần và cơ chế của sự thỏa thuận giữa hai bên.

"Hiện nay, các doanh nghiệp gặp khó khăn thiếu đơn hàng và cắt giảm lao động phải được cơ quan chức năng xem xét. Doanh nghiệp cần phải phương án cắt giảm lao động để xin ý kiến các cơ quan chức năng. Về việc trả lương cho công nhân những ngày nghỉ Tết kéo dài, doanh nghiệp nên chọn phương án hài hòa nhất, phương án nào mà đại đa số người lao động chấp nhận thì áp dụng", Trưởng Phòng Chính sách lao động (Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai) Cao Duy Thái cho biết.