Cơ hội kết nối và phát triển cho ngành chăn nuôi tại ILDEX Vietnam 2022
Triển lãm quốc tế lần thứ 8 về Chăn nuôi, Thú y, Sữa, Chế biến Thịt và Nuôi trồng Thủy sản tại Việt Nam (ILDEX Vietnam - 2022) đã khai mạc vào sáng nay (3/8) tại Trung tâm triển lãm Sài Gòn (SECC), TP Hồ Chí Minh.
Từ việc mì ăn liền bị cảnh báo tại EU: Doanh nghiệp phải giữ uy tín
Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Pháp giới thiệu công nghệ chăn nuôi tiên tiến tại triển lãm ILDEX Việt Nam 2022
Tham dự Lễ khai mạc đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn); Trung tâm khuyến nông quốc gia; Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương); Hội Chăn Nuôi Việt Nam; Hiệp hội Thức Ăn chăn nuôi; Hiệp hội chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam; Khoa Chăn nuôi thú Y (trường ĐH Nông Lâm); Các cán bộ ngoại giao đến từ Đại sứ quán, Lãnh sứ quán các nước; các doanh nghiệp và tổ chức trong ngành chăn nuôi từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ; và đặc biệt bà con nông dân từ các tỉnh thành lân cận TP Hồ Chí Minh cũng đã đăng ký đoàn đến tham quan triển lãm và dự lễ khai mạc.
Sáng nay (3/8) Triển lãm quốc tế lần thứ 8 về Chăn nuôi, Thú y, Sữa, Chế biến Thịt và Nuôi trồng Thủy sản tại Việt Nam (ILDEX Vietnam - 2022) đã khai mạc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Dương Tất Thắng- Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trong những năm qua, các công nghệ chăn nuôi tiên tiến, các giống vật nuôi năng suất cao đã được du nhập và ứng dụng tại Việt Nam. Do vậy, năng suất chăn nuôi tùy loại vật nuôi đã tăng lên 10-20% trong 10 năm qua. Trong giai đoạn 2010 - 2021, sản lượng thịt các loại tăng 1,7 lần (từ 4 triệu tấn lên 6.7 triệu tấn), trứng tăng 2,7 lần (từ gần 6,4 tỷ quả lên 17,5 tỷ quả), sữa tươi tăng 4 lần (từ 0,3 triệu tấn lên 1,2 triệu tấn), thức ăn chăn nuôi (TACN) công nghiệp tăng hơn 2 lần (từ 10,5 triệu tấn lên 21,5 triệu tấn).
Năm 2021, Việt Nam có tổng đàn lợn đạt 28,1 triệu con (đứng đầu khu vực Đông Nam Á, thứ 2 Châu Á và thứ 6 thế giới), đàn gia cầm 525 triệu con (đứng thứ 10 châu Á và thứ 31 thế giới), đàn trâu 2,3 triệu con, đàn bò 6,5 triệu con (trong đó, bò sữa 375 ngàn con), đàn dê cừu 2,8 triệu con.
Sản phẩm chăn nuôi Việt Nam không những đáp ứng cho 100 triệu dân mà có những sản phẩm được xuất khẩu như: thịt lợn choai, lợn sữa, thịt gia cầm, trứng muối, mật ong, tổ yến, tơ tằm, sữa và các sản phẩm từ sữa... đem lại giá trị lớn cho nền kinh tế.
Với chính sách mở cửa, Việt Nam đã tạo môi trường đầu tư và điều kiện thuận lợi cho nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới (từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc,...) đến đầu tư và phát triển kinh doanh chăn nuôi tại Việt Nam.
ILDEX Vietnam 2022 là triển lãm quốc tế ngành Chăn nuôi đầu tiên trở lại Việt nam sau đại dịch Covid-19.
“Chính phủ cũng đã giao Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng Nghị định Phát triển chăn nuôi bền vững. Hiện nay, Cục Chăn nuôi đang nghiên cứu để xây dựng một Nghị định đảm bảo 4 yếu tố: Thiết thực, khả thi, hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và PTNT nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng đang hoàn thiện khẩn trương hệ thống Quy chuẩn, TCVN. Đây là hệ thống văn bản quan trọng, là tiền đề, nền tảng có giá trị pháp lý để quản lý toàn diện, đồng bộ các hoạt động của ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm tạo điều kiện để chăn nuôi Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế.” Ông Thắng cho biết thêm.
ILDEX Vietnam được tổ chức bởi Công ty Triển lãm Minh Vi (VEAS) và Công ty Triển lãm VNU (Hà Lan-Thái Lan). Đây là sự kiện chuyên nghiệp và quy mô lớn được tổ chức hai năm một lần, thu hút sự quan tâm của các chuyên gia và đối tác trên khắp thế giới. ILDEX Vietnam 2022 là triển lãm quốc tế ngành Chăn nuôi đầu tiên trở lại Việt nam sau đại dịch Covid-19, sẽ là cơ hội lớn để kết nối và đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, kịp thời khôi phục và tăng cường các cơ hội sản xuất-kinh doanh, cập nhật thông tin thị trường, cập nhật kỹ thuật, công nghệ và sản phẩm mới sau gần 3 năm bị gián đoạn.
Theo Ban tổ chức, ILDEX Vietnam 2022 thu hút trên 200 công ty tham gia trưng bày đến từ 31 quốc gia: Áo, Úc, Bỉ, Brazil, Canada, Trung Quốc, Cộng hòa Sec, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hồng Kông, Ấn Độ, Israel, Italy, Nhật Bản, Malaysia, Pakistan, Ba Lan, Serbia, Singapore, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy sĩ, Đài Loan, Thái Lan, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Việt Nam. Triển lãm có các khu gian hàng quốc gia nổi bật như: Pháp, Mỹ, Ý, Hàn Quốc, Brazil, Cộng Hòa Séc và nhiều thương hiệu lớn trong ngành chăn nuôi như: EVONIK, HUALI, BEHN MEYER, PEJA, LUCTA, MIAVIT,… Những con số này cho thấy sự quan tâm, sự kỳ vọng và tin tưởng vào tiềm năng đầu tư và phát triển tại thị trường Việt Nam ngay sau đại dịch.
ILDEX Vietnam 2022 dự kiến sẽ đón khoảng 10.000 lượt khách tham quan từ Việt Nam và các nước trong khu vực. Trong suốt 3 ngày triển lãm, rất nhiều hoạt động sẽ diễn ra đồng thời bao gồm: Các chuỗi hội thảo chuyên ngành được tổ chức bởi Cục Chăn nuôi (MARD); Trung tâm khuyến nông quốc gia NAEC (MARD); Khoa chăn nuôi Thú y (ĐH Nông Lâm); Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam; và các phiên hội thảo độc lập của các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành; Chương trình Kết nối doanh nghiệp - giúp các doanh nghiệp trưng bày và khách tham quan tìm đúng đối tượng hợp tác; Chương trình Khách mua tiềm năng (VIP Buyer) - tạo cơ hội tiếp cận trực tiếp với người mua tiềm năng và mở rộng mạng lưới kinh doanh; và nhiều hoạt động thiết thực khác.
ILDEX Vietnam 2022 thu hút trên 200 công ty tham gia trưng bày đến từ 31 quốc gia.
Ngành chăn nuôi đang chuyển dịch mạnh cơ cấu và quy mô, góp phần chuyển đổi đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, dư địa của ngành chăn nuôi vẫn đang còn rất lớn. Hệ sinh thái chăn nuôi bao gồm sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi (gồm trang trại và nông hộ), giết mổ, chế biến, thương mại sản phẩm đang hình thành và phát triển sang một giai đoạn mới.
Thông qua đổi mới và phát triển các hình thức liên kết, tổ chức sản xuất trong chăn nuôi, thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện. Ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam (TH, Masan, Dabaco, Hùng Nhơn, Trường Hải, Hòa Phát, Mavin...), nhiều doanh nghiệp nước ngoài (CP, Deheus, Jafa Comfeed, Cargill, CJ, Newhope ...), ... đã đầu tư phát triển chăn nuôi (sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống), chế biến sản phẩm chăn nuôi; Trong đó có nhiều doanh nghiệp định hướng theo mô hình chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, ngành chăn nuôi vẫn còn những tồn tại, khó khăn cần tháo gỡ, bao gồm: Tổ chức sản xuất thiếu tính liên kết giữa sản xuất với thị trường, quản trị trong sản xuất còn yếu: năng suất nhìn chung vấn khá thấp, đặc biệt là khu vực nông hộ và trang trại nhỏ. Tính đến 2021, cả nước mới chỉ có 1.100 liên kết chăn nuôi (tổ hợp tác, nhóm hộ và hợp tác xã chăn nuôi), trong đó, chỉ có 5% số chuỗi liên kết áp dụng các các giải pháp truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi còn lỏng lẻo, dễ đổ vỡ khi có biến động dịch bệnh, thị trường; Ngành chăn nuôi còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu đặc biệt là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (năm 2021 nhập khẩu trên 19 triệu tấn nguyên liệu TACN); cho đến nay, Việt Nam mới chủ động được một phần con giống, hàng năm vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn con giống từ nước ngoài; Mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ cũng như Hoạt động giết mổ thủ công còn rất phổ biến, chế biến sản phẩm chăn nuôi còn yếu, quản lý ATTP còn chưa tốt, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam thiếu sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; Chăn nuôi chưa đảm bảo ATSH vẫn khá phổ biến, công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường còn nhiều khó khăn nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ; Dịch bệnh vẫn liên tục đe dọa sự bền vững của nền sản xuất chăn nuôi.