Cổ phiếu loạt ''ông lớn'' NVL, HPX, HBC,… bị đưa vào diện cảnh báo
Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) vừa quyết định đưa một loạt cổ phiếu vào diện cảnh báo trong đó có nhiều cái tên “đình đám” như NVL, HPX, HBC, IBC, POM, LDG từ ngày 25/4.
Mức giá khởi điểm trên 47,5 nghìn đồng/CP BPS có hấp dẫn?
Chính thức hủy niêm yết cổ phiếu FLC
Giao dịch "chui", Chứng khoán APS bị phạt 250 triệu đồng
Nguyên nhân cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo là do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Các cổ phiếu kể trên đều đã bị HoSE đưa vào danh sách cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ (margin) trước đó. Theo quy định, nhà đầu tư sẽ không được sử dụng margin do công ty chứng khoán môi giới cấp để mua các cổ phiếu bị trong danh sách này.
Đến thời điểm hiện tại, trong số các cổ phiếu mới bị đưa vào diện cảnh báo, mới chỉ có Novaland công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Cụ thể, Novaland ghi nhận Tổng doanh thu hợp nhất gần 11.151 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đạt hơn 30% mục tiêu đề ra và gần 2.182 tỷ đồng Lợi nhuận sau thuế hợp nhất, giảm 36,85% so với cùng kỳ năm 2021 và chỉ đạt hơn 33% mục tiêu đề ra. Tổng Doanh thu hợp nhất bao gồm doanh thu từ bán hàng và thu phí cung cấp dịch vụ.
So với báo cáo tự lập, doanh thu không thay đổi nhiều, lợi nhuận sau thuế giảm 111 tỷ đồng.
Hiện tại, Công ty đang tập trung xây dựng các Dự án trọng điểm, bàn giao nhà theo từng giai đoạn cho khách hàng, đồng thời cũng điều chỉnh kế hoạch triển khai các dự án mới cho phù hợp với tình hình hiện tại; song song đó phối hợp với các địa phương tháo gỡ, hoàn thiện pháp lý các Dự án trong thời gian sớm nhất.
Tính đến thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản NVL ghi nhận đạt 257.735 tỷ đồng, tăng so với đầu kỳ. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm một nửa còn 8.600 tỷ đồng, ngược lại khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh lên 52.345,5 tỷ đồng. Hàng tồn tại thời điểm cuối năm gần 134.956 tỷ đồng.
Về nợ, nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2022 tăng mạnh lên 212.917 tỷ đồng, chiếm 83% tổng tài sản, trong đó nợ vay là 64.869 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong phần ý kiến kiểm toán, PWC không đưa ra ý kiến ngoại trừ, nhưng nhấn mạnh ảnh hưởng đáng kể của thị trường bất động sản và thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp đến tình hình hoạt động kinh doanh của Novaland, và Novaland đã vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu.