Đánh thuế giá trị gia tăng dịch vụ xuất khẩu: Thuế chồng thuế
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đề xuất đánh thuế dịch vụ xuất khẩu ở mức 10% thay vì 0% như trước. Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.
Siết chặt công tác quản lý thuế với hoạt động mua bán, kinh doanh vàng bạc
Rút đề xuất mỗi người chỉ được bán, cho thuê tối đa 5 căn nhà/năm...là phù hợp!
Đề nghị nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế của hộ, cá nhân lên gấp đôi
Giảm năng lực cạnh tranh quốc gia
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Trong đó, khoản 1, Điều 9 của dự thảo Luật quy định theo hướng sẽ đánh thuế với hầu hết dịch vụ xuất khẩu thay vì cho phép hưởng thuế suất 0% như trước.
Cụ thể, các lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu vẫn được hưởng thuế suất 0% chỉ còn vận tải quốc tế, cho thuê phương tiện vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam và một số dịch vụ liên quan. Các lĩnh vực dịch vụ khác sẽ phải chịu thuế suất tương ứng, về cơ bản là mức 10%. Lý do sửa đổi là thời gian qua, cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phân biệt doanh thu nào đến từ dịch vụ được xuất khẩu, doanh thu nào đến từ dịch vụ được tiêu dùng trong nước.
Góp ý vào dự thảo Luật Thuế GTGT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc đánh thuế dịch vụ xuất khẩu 10% sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn trong cạnh tranh với đối thủ đến từ quốc gia khác.
Theo VCCI, các quốc gia khác đều áp thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu và cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế đầu vào. Hiện nay, xuất khẩu dịch vụ là lĩnh vực đang có tiềm năng phát triển rất lớn của Việt Nam.
Tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia khác, VCCI nhận thấy các nước thường áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Các thông tin này được thu thập, phân loại và quản lý theo rủi ro.
Bên cạnh đó, nếu mở doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp cho người dùng nước ngoài, sản phẩm sẽ phải chịu 2 lần thuế GTGT cho 2 quốc gia. Nhưng nếu mở doanh nghiệp tại nước ngoài để cung cấp cho người dùng tại Việt Nam thì chỉ phải chịu một lần thuế GTGT tại Việt Nam. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo vẫn duy trì quy định dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất 0%.
Cũng không đồng tình với đề xuất đánh thuế dịch vụ xuất khẩu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) chỉ ra, xuất khẩu là thành phần quan trọng đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Chính sách của Nhà nước ta nhiều năm qua đều chủ trương phát triển kinh tế định hướng xuất khẩu. Nhiều năm liền Việt Nam đều nằm trong nhóm các quốc gia xuất siêu và được hưởng nhiều lợi ích từ tự do hóa thương mại toàn cầu.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đề xuất đánh thuế GTGT dịch vụ xuất khẩu là không phù hợp với đường lối phát triển kinh tế của đất nước, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam so với các nước trên thế giới.
Việc thu thuế GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu sẽ dẫn đến thuế chồng thuế, qua đó làm cho dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam có giá đắt hơn vì bị đánh thuế GTGT hai lần (vừa chịu thuế GTGT tại Việt Nam, vừa chịu thuế GTGT tại nước nhập khẩu dịch vụ).
Cần ban hành tiêu chí xác định địa điểm tiêu dùng dịch vụ
Cơ sở để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất đánh thuế dịch vụ xuất khẩu bởi hiện nay việc áp dụng thuế suất GTGT 0% đối với dịch vụ xuất khẩu gặp vướng mắc vì nhiều trường hợp rất khó khăn trong việc xác định dịch vụ được tiêu dùng tại Việt Nam hay tại nước ngoài? Vì không có tiêu chí cụ thể nên một số trường hợp người nộp thuế bị truy thu thuế GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu do cơ quan thuế xác định lại dịch vụ không được áp dụng thuế suất 0%.
Trong quá trình thực hiện, nhiều doanh nghiệp đã xuất hóa đơn cung cấp dịch vụ cho khách hàng với thuế suất 0% (xác định là tiêu dùng ngoài Việt Nam) sau đó lại bị cơ quan kiểm toán, cơ quan thuế cho rằng đây là dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam và thực hiện truy thu thuế GTGT 10%. Mặt khác, hiện đang phát triển nhiều dịch vụ cung ứng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài gắn với hàng hóa được gia công, sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu. Nhưng thực tế không xác định được chính xác hàng hóa đó là tiêu dùng ở trong nước hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp dịch vụ, hoặc nếu xác định thì rất phức tạo, tăng chi phí quản lý như dịch vụ phân loại hàng hóa, giám sát chất lượng hàng hóa để xuất khẩu, kinh doanh tài sản số, dịch vụ số…
Trước thực tế này, PSG.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, điểm mấu chốt cần khắc phục là phải ban hành các tiêu chí để xác định địa điểm tiêu dùng dịch vụ. Vì từ trước đến nay, chưa có bất kỳ hướng dẫn chính thức và thống nhất nào về vấn đề này nên mới xảy ra vướng mắc trong thực hiện.
Còn theo VCCI, tại một số quốc gia trên thế giới áp dụng chính sách thuế GTGT 0% đối với dịch vụ xuất khẩu thường áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm, cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm. Để đảm bảo kê khai thuế chính xác, các quốc gia yêu cầu doanh nghiệp phải hạch toán riêng doanh thu từ người dùng trong nước và nước ngoài, sử dụng nhiều biện pháp kiểm tra như dữ liệu từ các nền tảng trung gian (Goole, Apple…), IP của người dùng và dữ liệu thanh toán ngân hàng. Các thông tin này được thu thập, phân loại và quản lý theo rủi ro. Về phía Bộ Tài chính phải hướng dẫn phương pháp phân loại dịch vụ xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước.
Việc áp dụng thuế suất GTGT đối với dịch vụ xuất khẩu tương đương với một biện pháp hạn chế xuất khẩu bằng thuế quan, làm cho dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam có giá cao hơn đối với khách hàng nước ngoài. Việc này làm giảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam và giảm xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam ra nước ngoài – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến. |