Đề xuất đánh thuế tất cả hàng hóa nhập khẩu qua Shopee, Lazada, TikTok
Trình bày tờ trình dự án luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) tại Quốc hội ngày 17/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết dự án Luật Thuế VAT sửa đổi có nhiều chính sách mới.
Việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán... có thể bị phạt tới 100 triệu đồng
Bộ Tài chính: Đề xuất bổ sung 4 khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp
Một công ty của Shark Bình bị phạt và truy thu thuế tiền tỷ
Đáng chú ý, dự thảo luật bổ sung quy định: Quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không phải chịu thuế VAT.
Theo quy định hiện hành, hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, được miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT đầu vào. Còn quà biếu, quà tặng cũng được miễn thuế nhập khẩu theo Nghị định 134 hướng dẫn Luật Thuế xuất, nhập khẩu.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, dù không được quy định trong Luật song trên thực tế, việc miễn thuế giá trị gia tăng gắn với miễn thuế nhập khẩu hiện cũng được thực hiện đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh.
Với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua. Mỗi ngày, có trung bình 4 - 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok...
Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ nghiên cứu đánh thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng. Hiện, nhiều nước đã bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ định về chính sách thu (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) và chính sách quản lý thu đối với các nhà cung cấp nước ngoài vì nội dung dự thảo Luật là không phù hợp nếu được áp dụng cho các nhà cung cấp nước ngoài bán hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số.
Quy định này có thể tạo ra sự bất bình đẳng cho các nhà cung cấp trong nước, làm mất nguồn thu ngân sách. Nguyên nhân, dịch vụ xem phim trực tuyến của Netflix chịu mức thuế 5% còn do FPT cung cấp thì chịu mức thuế 10%.
Hơn nữa, quy định này có thể chưa phù hợp với thông lệ quốc tế về thuế giá trị gia tăng đối với các giao dịch số bởi các nước áp dụng một mức thuế suất bình đẳng giữa hàng hóa, dịch vụ cung cấp bởi các doanh nghiệp trong nước cũng như các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc kinh nghiệm các nước để áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng thông thường (10%) theo đúng nguyên tắc của Luật Thuế Giá trị gia tăng, không áp dụng phương pháp tính trực tiếp để bảo vệ nguồn thu và tránh việc đối xử bất lợi cho các nhà cung cấp trong nước.