Định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu
Nói về Hội nghị Điều Quốc tế lần thứ 13, ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, đây là dịp các bên cùng tìm giải pháp định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu năm 2024 và những năm tiếp theo.
Hiệp hội điều đưa ra cảnh báo về chất lượng từ các bạn hàng lớn
Thủ tướng chỉ đạo khẩn vụ doanh nghiệp xuất khẩu điều có nguy cơ mất hàng trăm triệu USD
Ngành điều Việt Nam tiếp tục đứng đầu thế giới về xuất khẩu
Ngày 27/2 tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã tổ chức Hội nghị Điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 13. Hội nghị có sự tham gia của đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và nhiều tổ chức quốc tế cũng như nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đến từ hơn 40 nước và vùng lãnh thổ trong chuỗi cung ứng hạt Điều toàn cầu.
Hội nghị Điều Quốc tế lần thứ 13 được tổ chức tại Quảng Bình nhằm định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu
Vòng lẩn quẩn của chuỗi cung ứng
Chuỗi cung ứng ngành hàng điều dù đã trở lại nhưng vẫn còn chệch choạc, trong khi giá nhân điều thế giới giảm liên tiếp và giảm nhanh hơn đà giảm của giá điều thô do hậu quả của đại dịch Covid-19 và các biến động về địa - chính trị trên thế giới. Theo ông Vũ Thái Sơn - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Long Sơn, từ năm 2018 đến cuối năm 2023, giá xuất khẩu nhân điều nhân giảm từ 9USD/kg xuống còn 5,8USD/kg. Tuy nhiên, giá điều thô cũng giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn giá thành nhân điều chế biến. Doanh nghiệp càng chế biến, xuất khẩu càng lỗ. Điều này do nhiều doanh nghiệp mua lượng lớn điều thô từ đầu năm để chế biến với giá 1.100USD/tấn đến 1.200USD/tấn, nhưng khi xuất bán, giá điều nhân lại thấp hơn giá thành chế biến. Cùng lúc đó, giá điều thô còn 900USD/tấn. Có doanh nghiệp nhập điều thô đã ký hợp đồng từ trước, chấp nhận “bỏ cọc” để cắt lỗ. Nhưng điều thô từ Châu Phi vẫn được vận chuyển đến cảng Việt Nam, buộc doanh nghiệp bên bán phải thuê kho ngoại quan để trữ hàng, chờ bán cho doanh nghiệp khác, làm chi phí tăng...
Với doanh nghiệp đã mua điều thô từ đầu vụ giá cao, không thể không chế biến dù giá nhân điều bán ra thấp hơn giá thành, vì điều thô tồn kho để lâu chất lượng giảm. Khi đã chế biến nhân điều, buộc phải bán để trang trải chi phí, trả nợ ngân hàng khoản vay mua điều thô. Nhà nhập khẩu, chiên rang không vội mua nếu không giảm giá. Cứ thế, đà giảm giá nhân điều tụt dần. Vòng lẩn quẩn đó tiếp tục trong mấy năm qua. Đến đầu năm 2024, nhiều nhà máy đã phải chấp nhận bán nhân điều WW 320 với giá 2,3 USD/Lb (pound).
Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đến từ hơn 40 nước và vùng lãnh thổ trong chuỗi cung ứng hạt Điều toàn cầu tham dự Hội nghị Điều Quốc tế Việt Nam lần thứ 13.
Nguy cơ “vỡ trận” chuỗi cung ứng
Việt Nam là quốc gia nhập khẩu điều thô nhiều nhất, đồng thời cũng là nước chế biến và xuất khẩu điều nhân lớn nhất. Có thời điểm chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu của thế giới và nhập khẩu gần 65% sản lượng điều thô của thế giới. Dù việc chế biến điều nhân đã được các nước Châu Phi khuyến khích và đẩy mạnh, nhưng còn chiếm tỷ lệ nhỏ.
Bên cạnh đó, một số nước Châu Phi quy định giá tối thiểu với điều thô bán ra, Tanzania bán qua đấu thầu... Nước nào cũng áp thuế xuất khẩu cao và nhiều loại phí thay vì 0% như trước. Các nước còn “trải thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư nước ngoài đến xây dựng nhà máy chế biến với mong muốn nâng cao giá trị hạt điều, giảm dần lượng điều thô xuất khẩu; góp phần giải quyết việc làm và các vấn đề kinh tế xã hội khác. Tuy nhiên, nhiều nhà máy hoạt động hiệu quả chưa cao. Theo nhận định, không chỉ là chuyện đầu tư thiết bị, công nghệ chế biến mà còn là tay nghề người lao động và kinh nghiệm quản lý trong quá trình vận hành... Thực tế cho thấy, có khoảng 30% điều nhân sơ chế tại các nhà máy ở Châu Phi chưa đủ chuẩn xuất khẩu, nhất là lỗi còn sót vỏ lụa. Phần lớn số sản phẩm lỗi này đang được xuất khẩu cho Việt Nam để “tái chế” lại, làm giảm chất lượng, uy tín của điều nhân Việt Nam.
Hậu quả của việc một số nước áp giá xuất khẩu tối thiểu và nhiều loại phí khi xuất khẩu điều thô là doanh nghiệp đã tìm cách xuất bán qua biên giới mới có thể giúp tiêu thụ phần nào điều thô tồn kho khi năng lực chế biến còn rất hạn chế. Từ đó góp phần đẩy giá điều thô ở mức cao.
Trong khi đó, không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ chế biến nhân điều của Việt Nam bị thua lỗ kéo dài dẫn đến khả năng ngưng hoạt động… dẫn đến làm đứt gãy chuỗi cung cầu điều thô và điều nhân toàn cầu là khó tránh khỏi. Nhà nhập khẩu không đủ hàng cung cấp cho nhà chiên rang, đóng gói; điều thô nguyên liệu từ các nước Châu Phi không thể tiêu thụ hết, do doanh nghiệp Việt Nam ngưng mua hoặc mua số lượng hạn chế. Điều này sẽ tác động rất lớn đến tâm lý người trồng điều, dẫn đến tình trạng không chăm sóc hoặc chặt bỏ cây điều để trồng cây khác thay thế cây điều...
Việt Nam đang là nước nhập khẩu điều thô và xuất khẩu nhân lớn nhất thế giới
Không thay đổi sẽ cùng phá sản
Theo đại diện của Starlink Global Nigeria Limited, Việt Nam là trung tâm chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu: từ nhập khẩu nguyên liệu thô (khu vực Châu Phi, Campuchia, Indonesia) để chế biến và xuất khẩu nhân điều sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, các nước EU...
Trước đại dịch Covid-19, khi chuỗi cung ứng điều hoạt động trơn tru, các bên đều có lãi, nhà máy chế biến tại Việt Nam tăng nóng cả về số lượng và công suất chế biến với gần 1.500 nhà máy, cơ sở chế biến lớn, nhỏ. Diện tích vùng trồng điều ở Châu Phi và các nước khác cũng tăng nhanh, làm sản lượng tăng mạnh. Chỉ riêng Bờ Biển Ngà, nước có diện tích và sản lượng điều thô dẫn đầu thế giới, từ 680.000 tấn/năm, lên 800.000 tấn/năm, nay 1,25 triệu tấn/năm; Campuchia từ 200.000 tấn/năm, lên 650.000 tấn/năm và đang nỗ lực để đạt sản lượng 1 triệu tấn điều thô trong vài năm tới. Theo dự báo của VINACAS, sản lượng điều thô sẽ còn tiếp tục tăng do diện tích trồng mới khá lớn ở các nước châu Phi và Campuchia những năm gần đây do cây điều trưởng thành cho thu hoạch…
Bài học từ cây công nghiệp khác cho thấy, tăng trưởng nóng dẫn đến sự mất cân đối cung cầu, khi xuất hiện thêm những bất ổn thì sự chênh vênh trong toàn chuỗi cung ứng càng rõ nét. Khó lường hết hậu quả khi trung tâm của chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu ở Việt Nam bị trục trặc.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS chia sẻ: Thông qua Hội nghị Điều Quốc tế lần thứ 13, VINACAS hy vọng đây là dịp để các bên cùng ngồi lại để phân tích những được, mất của các doanh nghiệp, quốc gia trồng điều và sản xuất, chế biến hạt điều. Nếu tiếp tục cách làm cũ (chỉ nghĩ đến lợi ích mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp) nguy cơ sẽ dẫn đến sự đổ vỡ cả chuỗi cung ứng điều toàn cầu. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần phải ngồi lại với nhau để điều chỉnh, định hình lại sự vận hành sao cho các bên trong chuỗi cùng họat động hiệu quả. Trong đó, quan trọng nhất là việc điều chỉnh thế nào để phân bổ hợp lý hơn Chuỗi Giá trị điều toàn cầu để các bên cùng phát triển.