Doanh nghiệp cần làm gì để thích ứng với Thỏa thuận Xanh châu Âu?
Thị trường Liên minh châu Âu đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, đòi hỏi cấp bách các doanh nghiệp cần chủ động theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh châu Âu để duy trì xuất khẩu bền vững.
Doanh nghiệp bật khóc ngay tại hội nghị vì 13 năm vẫn chưa được công nhận là chủ đầu tư dự án
Cây xăng xuất hóa đơn điện tử: Cần lộ trình nhưng tránh trì hoãn, “câu giờ”
SCG tăng tốc triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Tiêu chuẩn ngày càng khắt khe
Thị trường Liên minh châu Âu (EU) là một trong các điểm đến quan trọng hàng đầu của xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, EU cũng là khu vực đi đầu thế giới trong các nỗ lực chuyển dịch xanh và trung hòa phát thải, đặc biệt là trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) – gói các sáng kiến chính sách xanh bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế của EU, với các tác động trực tiếp tới hàng hóa nhập khẩu vào EU.
Những quy định gần đây của EU về cấm nhập khẩu một số loại nông sản từ đất phá rừng (EUDR), về yêu cầu khai báo và nộp thuế phát thải carbon đối với sắt thép nhập khẩu (CBAM), về giảm hạn mức dư lượng kháng sinh, chất tồn dư tối đa trong thực phẩm nhập khẩu… chỉ là một số trong nhiều hành động của EU triển khai Thỏa thuận Xanh. Theo kế hoạch, EU đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe khác đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam. Quan trọng hơn, nhiều thị trường xuất khẩu khác cũng đang có dự kiến thực hiện các chính sách tương tự EU.
Chế biến cá tra xuất khẩu (Ảnh minh họa).
Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), mặc dù EDG là chính sách áp dụng trong nội bộ EU nhưng lại có tác động tới các nước xuất khẩu vào EU, trong đó có Việt Nam. Thoả thuận Xanh EU ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam theo các cách thức khác nhau, phổ biến nhất là làm gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu. Nhóm tiếp theo là các quy định gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất cho các mục tiêu “xanh, bền vững” (dưới dạng các khoản phí bổ sung phải nộp, các loại chứng chỉ trung hòa carbon phải mua…).
Và cuối cùng là các đòi hỏi tăng thêm về thủ tục khai báo thông tin, về trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu (ví dụ về nguồn gốc xuất xứ đất trồng, về lượng carbon phát sinh trong quá trình sản xuất trên đơn vị sản phẩm…). Ngoài ra, EDG cũng yêu cầu cung cấp thông tin về các khía cạnh “xanh, bền vững” của sản phẩm cho người tiêu dùng (ví dụ về ghi nhãn, về hộ chiếu số cho sản phẩm…).
Trong khi đó, một Khảo sát nhanh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện 8/2023 cho thấy, có tới 88-93% số doanh nghiệp được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới Thỏa thuận Xanh hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp biết rõ về Thỏa thuận Xanh EU chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia khảo sát khác.
Doanh nghiệp cần nhận diện kịp thời
Theo kế hoạch, EU đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe khác đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam. Quan trọng hơn, nhiều thị trường xuất khẩu khác cũng đang có dự kiến thực hiện các chính sách tương tự EU.
Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho biết, việc tìm hiểu kỹ, theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU liên quan tới sản phẩm của mình là đòi hỏi cấp bách đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam. Việc này sẽ duy trì và phát triển xuất khẩu bền vững ở thị trường EU nói riêng và nhiều thị trường khác cũng đang có những hành động chuyển đổi xanh theo hướng tương tự.
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Tiến Đạt Nguyễn Văn Tuyên chia sẻ, với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp mới xuất khẩu, thách thức lớn nhất là về chi phí. Doanh nghiệp sẽ cần đầu tư nhiều chi phí cho công nghệ, nguyên liệu, sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Do đó, ông Tuyên hy vọng, trong quá trình chuyển đổi có thể nhận được hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, đặc biệt trong việc cung cấp thông tin sớm và kịp thời về các chính sách mới tới doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể làm việc, trao đổi và tham vấn với các cơ quan có thẩm quyền EU để tìm ra giải pháp thuận lợi và hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thích ứng với những yêu cầu của EU.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần nhận diện được những khó khăn, thách thức về sản phẩm của mình đối với những quy định từ Thỏa thuận Xanh EU. Trên cơ sở đó, Nhà nước và Chính phủ mới có thể hiểu doanh nghiệp cần hỗ trợ ở những khía cạnh nào để đồng hành.
Về chiến lược lâu dài, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp phát triển công nghiệp xanh, chính sách để thu hút đầu tư cũng như là định hướng phát triển những thương vụ công nghiệp thân thiện với môi trường. Ngoài ra, Nhà nước cũng thực hiện hàng loạt hỗ trợ ngắn hạn giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn xanh. Trước hết, thông tin liên quan đến các quy định mới của EU cũng như của các nước liên quan đến xuất khẩu hàng hóa được cập nhật rất thường xuyên qua nhiều hình thức khác nhau. Việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cần sự chung tay của tất cả các bộ, ngành liên quan.