Doanh nhân Việt tự tin hội nhập kinh tế thế giới

(Tieudung.vn) - Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở và hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu thông qua chính sách ngoại giao, nhất là tham gia đa dạng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều

Doanh nhân Việt tự tin hội nhập kinh tế thế giới

Doanh nhân Việt tự tin hội nhập kinh tế thế giới
Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở và hội nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu thông qua chính sách ngoại giao, nhất là tham gia đa dạng Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Riêng các DN chủ lực Hà Nội, được sự hỗ trợ của TP đã và đang khẳng định năng lực cạnh tranh của mình.

Doanh nhân Việt tự tin hội nhập kinh tế thế giới

FPT Software và NCS (công ty thành viên của Singtel Group) ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển trung tâm công nghệ chiến lược (SDC) tại Việt Nam 1/8/2022. Ảnh: Hiền Minh

Thương hiệu Việt, từ quá khứ đến hiện tại

Người Việt xưa phát triển kinh tế hàng hoá rất sớm ngay từ hậu kỳ Đồ đá mới, sau đó là nền văn minh lúa nước rực rỡ. Đến thời nhà Nguyễn, các sĩ phu yêu nước như Nguyễn Trường Tộ và Bùi Viện là những doanh nhân đã chủ động kết nối và giao thương với châu Âu và châu Mỹ.

Hai ông là những người có tầm nhìn xa, tự tin và chủ động tham mưu chính sách thương mại cho quốc gia. Khi đó các thương cảng Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An… là địa chỉ quen thuộc ăn hàng cho các tàu buôn nước ngoài. Đặc biệt, chí sĩ Phan Châu Trinh là một trong những người khai mở dân trí, lấy doanh thương làm chủ đạo để thực hiện sứ mệnh chấn hưng dân tộc.

Nước mắm Liên Thành được thành lập năm 1906 để hưởng ứng lời kêu gọi Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh. Liên Thành Thương Quán, còn được đăng ký thương hiệu tiếng Pháp: Société de Lien Thanh, vẫn giữ gìn được hương vị tinh túy Việt trong từng giọt nước mắm khi xuất khẩu sang châu Âu.

Thời Pháp thuộc, chúng ta đã có các doanh nhân Việt tiêu biểu như ông Bạch Thái Bưởi và Trịnh Văn Bô ở miền Bắc. “Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng đã vươn lên trở thành một trong bốn người giàu có nhất Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX với slogan “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam”.

Vợ chồng doanh nhân Hà Nội Trịnh Văn Bô đã nhanh chóng phát triển hiệu buôn Phúc Lợi để từ những ngày khởi nghiệp chỉ có 30.000 đồng Đông Dương trở thành nhà tư sản lớn thời bấy giờ. Đến năm 1945, vợ chồng đại gia này đã ủng hộ 1 vạn đồng Đông Dương tương đương 25 cây vàng cho Mặt trận Việt Minh. Ngoài số vàng ủng hộ chính quyền cách mạng, ông bà còn hiến cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang, để làm Nhà lưu niệm, ghi dấu tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập.

Sau 1975, các doanh nhân Việt đã vượt qua nhiều khó khăn để tạo ra các thương hiệu nổi tiếng gạch Đồng Tâm của doanh nhân Võ Quốc Thắng, hãng sơn Bạch Tuyết do ông Bùi Duy Cận sáng lập. Đáng kể nhất là thương hiệu OPV bắt đầu từ một cửa hàng bán thuốc tây tại Huế (1950). Đến nay công ty chuyên sản xuất và đưa vào những thương hiệu dược phẩm của OPV, chuyên phát triển sản phẩm cho công ty phân phối thứ 3, và cung cấp dịch vụ sản xuất cho những công ty đa quốc gia.

Nhà máy của OPV đạt tiêu chuẩn WHO-GMP và hoạt động đạt chuẩn chất lượng quốc tế, trở thành đối tác chiến lược của các tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới như MSD, GSK; và trở thành đối tác cùng tập đoàn Nestle xây dựng nhà máy sữa dành cho trẻ em tại Việt Nam.

Doanh nhân Việt tự tin hội nhập kinh tế thế giới

Doanh nhân Đỗ Minh Phú

Ở Hà Nội, nói đến ý chí tự lực, tự cường tự tin hội nhập người ta không thể không nhắc gia đình họ Đỗ là đại gia nổi tiếng bốn đời làm doanh nhân. Có máu kinh doanh từ thời trẻ, cụ Đỗ Thế Sử vẫn quyết lập công ty may mặc Gamexco ở tuổi 73. Con thứ ba trong số 9 người là giáo sư tiến sĩ và doanh nhân con trai của cụ Sử là ông Đỗ Minh Phú, người gây dựng thương hiệu Diana và sau này đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng, đá quý với các thương hiệu Tienphong Bank và Tập đoàn DOJI.

Ông Đỗ Minh Phú có hai người con là Đỗ Vũ Phương Anh và Đỗ Minh Đức đều đã tham gia kinh doanh sau khi tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài.

Không thua sân nhà, sẵn sàng đấu sân khách

Nói về DN Việt đi đầu trong việc tự tin cạnh tranh với các sản phẩm của nước ngoài người ta phải nói đến FPT và doanh nhân Trương Gia Bình. Thành lập từ năm 1988, cho đến nay FPT đã trở thành Tập đoàn công nghệ tên tuổi hàng đầu thế giới. Năm 1999, FPT bước chân vào lĩnh vực xuất khẩu phần mềm. Bài toán khó đặt ra không chỉ là tiếp cận thị trường mà còn là vấn đề nhân lực.

Khi quyết định liên kết với Aptech, Tập đoàn Giáo dục và Đào tạo CNTT hàng đầu thế giới, thành lập 2 trung tâm Đào tạo Lập trình viên quốc tế FPT Aptech đầu tiên tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì FPT đã chinh phục hàng loạt cột mốc. FPT là công ty công nghệ duy nhất tại Việt Nam được vinh danh Giải thưởng Công ty nổi bật châu Á 2021 do Asia Money tổ chức.

Nhiều sản phẩm, giải pháp Made by FPT như: akaBot, akaChain, Cloud MSP được đưa vào danh sách sản phẩm công nghệ uy tín thế giới Gartner Peer Insights; akaBot được vinh danh Top 6 nền tảng tự động hóa quy trình DN (RPA) phổ biến trên thế giới. Tập đoàn đầu tiên ở Đông Nam Á trở thành đối tác chiến lược của Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới - Mila.

Doanh nhân Việt tự tin hội nhập kinh tế thế giới

Bamboo Airways kết hợp giữa hàng không truyền thống và hàng không cước phí hợp lý

Đối với lĩnh vực cạnh tranh gay gắt như hàng không thì Bamboo Airways tuy “sinh sau, đẻ muộn”, thành lập năm 2017 và chính thức đi vào khai thác trên thị trường hàng không Việt Nam vào đầu năm 2019 vẫn tự tin vào chiến lược phát triển của mình. Với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, sau 5 năm, hãng đã được tăng vốn lên 18.500 tỷ đồng tính đến tháng 9/2021. Riêng năm 2021, trong thời điểm còn dịch Covid-19, Bamboo Airways được bơm thêm 11.500 tỷ đồng. Khác với Vietjet – hàng không giá rẻ, Bamboo Airways lại đi theo mô hình hybrid, kết hợp giữa hàng không truyền thống và hàng không cước phí hợp lý.

Bamboo Airways đã định hướng không quá tập trung vào đường bay vàng mà khai thác các đường bay nối thẳng nhiều địa phương với nhau như Thanh Hóa – Quy Nhơn hay Quảng Bình – Quy Nhơn. Đặc biệt nhất, Bamboo Airways hướng đến đường bay thẳng đến TP Hồ Chí Minh đến LosAngeles (Mỹ) – đường bay mà đến hãng lớn như Vietnam Airlines còn cân nhắc.

Tân CEO Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân, một chuyên gia hàng không, người đã từng tham gia set-up cho hãng hàng không Cánh Diều vẫn tự tin sẽ sớm đưa Bamboo Airways bay đúng quỹ đạo sau khi các công ty thuộc hệ sinh thái FLC đang có những chao đảo nhất định. Bamboo Airways quyết không để thua trên sân nhà trước sự xuất hiện của các hãng hàng không nước ngoài và sẽ hướng tới thị trường Mỹ.

Trong bối cảnh thế giới đang tiến hành chuyển đổi số, một lĩnh vực tưởng như là “lãnh địa” riêng của các công ty nước ngoài thì thương hiệu Việt 1Office đã đưa ra được giải pháp quản lý tổng thể DN 50.000 người dùng đến từ hơn 5.000 DN trong nước lựa chọn và tin dùng. Bộ công cụ mang tính cách mạng trong điều hành DN với những tính năng tiên tiến như: Form builder (tạo form tự động), ký số, tự động liên thông dữ liệu các bước trong quy trình nhân sự, hành chính, kế toán, tài sản, công việc…, đây chính là chìa khóa giúp DN giảm bớt gánh nặng về thời gian, chi phí, nâng cao hiệu suất, thúc đẩy truyền thông nội bộ.

Toàn cầu hóa kinh tế

Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ Nguyễn Đình Lương cho biết: “Trước Đại hội IX năm 2001, văn kiện của Đảng chỉ nói đến “quốc tế hóa”, chưa đề cập tới “toàn cầu hóa”. Nhưng gần đây nhất, Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh: “Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang phải đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc...”.

Như vậy, từ nhận thức về “quốc tế hóa” đã phát triển thành nhận thức về “toàn cầu hóa kinh tế” và đi đến nhận thức về “toàn cầu hóa”. Đảng và Nhà nước ta đưa ra nhiều chủ trương để các DN Việt “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”, “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác”. Thực tế, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết và tham gia hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Doanh nhân Việt tự tin hội nhập kinh tế thế giới

Dây chuyền sản xuất tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải  

Vai trò đầu tàu của doanh nghiệp Thủ Đô

Năm 2022, được xem là năm DN Hà Nội và cả nước bước vào giai đoạn phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh sau khoảng thời dịch Covid-19 bùng phát và gây ảnh hưởng nặng nề. Nhiều thương hiệu lớn của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đã trở lại với những chiến lược tăng trưởng bền vững và định hướng sản xuất kinh doanh theo hướng đáp ứng các yêu cầu của FTA.

Năm 2022, Hà Nội đặt kế hoạch phát triển 30 - 35 sản phẩm công nghiệp chủ lực được các chuyên gia kinh tế đánh giá cao. GS Hoàng Văn Châu - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương cho biết: “Xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu là điều không thể cưỡng được, nhưng thực sự trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chúng ta vẫn chưa đủ điều kiện cần thiết để tiến ra biển lớn.

Việc Hà Nội lựa chọn sản phẩm chủ lực để hỗ trợ các DN phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19 là bước đi chính xác, phù hợp”. Được biết TP sẽ tổ chức hỗ trợ 15 - 20 DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội đến một số nước có nền công nghiệp phát triển nhằm kết nối với các nhà sản xuất công nghệ thiết bị hiện đại để tìm hiểu, nghiên cứu và đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại theo chuẩn 4.0 vào sản xuất kinh doanh.

Đồng thời UBND TP Hà Nội sẽ liên kết mời 30 - 40 nhà sản xuất công nghệ, thiết bị của các nước có nền công nghiệp phát triển (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…) đến Thủ đô gặp gỡ, kết nối với các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội, tạo điều kiện cho DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội tiếp cận, tìm hiểu và đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại theo chuẩn 4.0.

Xu hướng hội nhập kinh toàn toàn cầu là điều không thể cưỡng được, nhưng thực sự trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực chúng ta vẫn chưa đủ điều kiện cần thiết để tiến ra biển lớn. Việc Hà Nội lựa chọn sản phẩm chủ lực để hỗ trợ các DN phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19 là bước đi chính xác, phù hợp.

GS Hoàng Văn Châu, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương