Gam màu tối - sáng bức tranh kinh tế Việt Nam 2022

(Tieudung.vn) - Kế hoạch thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 là 1.411.700 tỷ đồng, còn số thu thực tế ước đạt 1.760.000 tỷ đồng, vượt 350.000 tỷ đồng (vượt 24,8% so với dự toán ban đầu) trong đó đã miễn, giảm

Gam màu tối - sáng bức tranh kinh tế Việt Nam 2022

Gam màu tối - sáng bức tranh kinh tế Việt Nam 2022
Kế hoạch thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022 là 1.411.700 tỷ đồng, còn số thu thực tế ước đạt 1.760.000 tỷ đồng, vượt 350.000 tỷ đồng (vượt 24,8% so với dự toán ban đầu) trong đó đã miễn, giảm, giãn nộp lên đến 193.400 tỷ đồng. Đó thực sự là những tín hiệu lạc quan của bức tranh kinh tế Việt Nam 2022, khi mà quý I vẫn đang “ngủ đông” do đại dịch.

Sau đại dịch Covid-19, để phục hồi và phát triển kinh tế, Quốc hội và Chính phủ đã có những quyết sách như giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% và giảm thuế XNK cho một số mặt hàng; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho một số nhóm doanh nghiệp; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường cho một số loại; giảm 50% lệ phí trước bạ cho ; giãn nợ thuế cho một số doanh nghiệp.

Gam màu tối - sáng bức tranh kinh tế Việt Nam 2022

Kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu cất cánh - Ảnh: Nguyễn Minh Tú

Dấu hiệu tích cực công tác quản lý nhà nước

Năm 2022, một trong những thành công của Bộ Tài chính là việc đã triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước, với gần 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Cơ quan thuế cũng đã triển khai ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động eTax – Mobile qua đó kết nối giữa các ngân hàng thương mại và hệ thống kho bạc nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

“Các chính sách cơ bản của Việt Nam, đặc biệt là các chính sách kinh tế thì tương đối rõ ràng, có cam kết rõ ràng về tự do thương mại. Việt Nam là đất nước có ngân sách quốc gia lành mạnh, tỷ lệ nợ trên GDP tương đối tốt khi giữ ở mức 43,7%. Môi trường kinh doanh thân thiện với các trong và ngoài nước”. Đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đám phán Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ.

“Đặc biệt, từ tháng 3/2022, cơ quan thuế đã triển khai Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Đây là bước tiến lớn của Việt Nam, được cộng đồng các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao”, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết. Theo Bộ Tài chính, hiện có 42 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai nộp thuế qua cổng thông tin này, với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỉ đồng. Trong đó, có nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới như: Google, Microsoft, Tiktok, Apple, Meta (Facebook), Netflix…

Với công cụ mới này, cơ quan thuế đã thực hiện công tác chống thất thu trong lĩnh vực chuyển nhượng , các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới. Các hoạt động trên đã góp phần giúp công tác thu NSNN về đích sớm ngay từ tháng 10/2022.

Gam màu tối - sáng bức tranh kinh tế Việt Nam 2022

Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ước đạt 457.500 tỷ đồng, vượt 18,35% so với dự toán, tăng 17,05% so cùng kỳ năm 2021 - Ảnh: Nguyễn Minh Tú

Những con số biết nói

Để các bạn dễ hình dung, chúng tôi đưa con số thu ngân sách vượt 350.000 tỷ đồng, thừa để xây toàn bộ sân bay Long Thành (với công suất 100 triệu hành khách năm) hoặc đủ để làm đường sắt tốc độ cao đoạn từ TP Hồ Chí Minh đi Nha Trang (chiều dài 370 km, tốc độ 250 km/h, khổ 1,435 m), đủ để làm thêm 8 tuyến Metro cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Đây là lần đầu tiên Hà Nội có số thu nội địa ngang với TP Hồ Chí Minh (cùng khoảng 307.500 tỷ đồng). Tổng số thu ngân sách trên địa bàn của TP Hồ Chí Minh cao hơn Hà Nội là nhờ các hoạt động xuất nhập khẩu, từ dầu thô và từ viện trợ (XNK thu nhiều hơn 120.000 tỷ đồng, dầu thô thu nhiều hơn 13.300 tỷ đồng).

Điểm đặc biệt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có số thu ngân sách trên đầu người cao nhất cả nước, cao gấp 1,83 lần TP Hồ Chí Minh (BR-VT 95,6 triệu đồng/người, TP Hồ Chí Minh 52,3 triệu đồng/người). Điều này giúp Bà Rịa - Vũng Tàu cùng Hải Phòng gia nhập nhóm tỉnh/thành phố có số thu ngân sách trên 100.000 tỷ đồng/năm (gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng).

Các tỉnh có số thu ngân sách vượt dự toán trên 50% theo thứ tự lần lượt là: Hưng Yên đứng đầu vượt 248%, Thừa Thiên Huế vượt 85,5%, Quảng Ngãi vượt 78,4%, Thanh Hoá vượt 73,5%, Quảng Bình vượt 60%, Bà Rịa - Vũng Tàu vượt 54,4%. Theo phân tích, Hưng Yên thu ngân sách gấp 3,5 lần kế hoạch chỉ nhờ tiền sử dụng đất của VOP2 (458ha của Tập đoàn Vingruop) sau thành công ở VOP1 từ cuối năm 2021.

Các tỉnh bắc miền Trung đã có những chính sách thu hút đầu tư bước đầu khởi sắc: Ngoài Thanh Hoá, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi thu vượt dự toán trên 60%, còn có thêm Nghệ An thu vượt 35,7%, Đà Nẵng vượt 21,8%, Quảng Nam vượt 24,5%, Bình Định vượt 35,6%. Đến nay, phần lớn các tỉnh đồng bằng Bắc bộ tự cân đối được ngân sách. Nếu trước dịch chỉ có 16 tỉnh, thành tự cân đối được thu chi thì này đã có thêm 7 tỉnh/thành phố.

Gam màu tối - sáng bức tranh kinh tế Việt Nam 2022

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có số thu ngân sách trên đầu người cao nhất cả nước

Nhưng đáng nói đến chính là sự áp dụng thành công Chuyển đổi số, cơ quan thuế và Hải quan Việt Nam tăng cường quản lý thuế, xây dựng CSDL hoá đơn điện tử, dẫn đến giảm gian lận thuế, giảm trốn thuế và thất thu thuế. Việc hàng loạt đại gia bất động sản, chứng khoán bị bắt đã đưa giá mua bán bất động sản về sát giá , dẫn đến thu từ nhà đất và chuyển nhượng bất động sản vượt 36,1% (chiếm tỷ lệ 40% nguồn thu).

Gam màu tối

Nguồn vốn cho các dự án bất động sản thiếu sẽ khiến các ngành xây dựng, sắt thép, vật liệu xây dựng lao dốc. Nếu trong năm 2022 Chính phủ không tăng cường tăng đầu tư công làm đường, làm cầu, xây sân bay thì các công ty kinh doanh lĩnh vực này khó lòng trụ nổi. Theo tính toán, phải mất từ 3 đến 4 năm, kinh doanh bất động sản mới có thể phục hồi, đây là con số khiến nhiều CEO liên quan đến xây dựng phải e dè.

Du lịch và vận tải là những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch Covid-19, tuy đang phục hồi nhưng khá chậm. Tính chung cả năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so mục tiêu đặt ra 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, vượt hơn 23% so kế hoạch năm 2022 và bằng 66% so năm 2019.

Các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới: Vietjet Air đã mở thêm 22 đường bay quốc tế mới; Bamboo Airways tính đến thời điểm này đang khai thác 25 đường bay; Vietnam Airlines đã mở lại tất cả các đường bay quốc tế so thời điểm trước dịch trừ Moscow (Nga), Rangoon (Myanmar), mở thêm đường bay đi San Fransisco (Mỹ) và Ấn Độ. Các đường bay nội địa tới một số địa bàn du lịch trọng điểm như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... đều tăng cao, mỗi ngày có hàng chục chuyến. Năm 2022, Vietnam Airlines dự kiến vận chuyển 17 triệu khách cùng 271.200 tấn hàng hóa, mặc dù doanh thu tăng, công ty vẫn dự kiến lỗ ròng 9.335 tỷ đồng.

Năm 2021, Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) lỗ sau thuế 564 tỷ đồng, trước đó năm 2020 lỗ tới 1.327 tỷ đồng. Theo chỉ tiêu được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp duyệt, tổng doanh thu Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt 4.364 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế âm 550 tỷ đồng, thực tế tình hình có khá hơn.

Gam màu tối - sáng bức tranh kinh tế Việt Nam 2022

Năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ đột biến ước lỗ 31.000 tỷ đồng - Ảnh AT

Nhưng với việc những bất cập trong công tác quản lý, kinh doanh và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt như hiện nay, VNR khuyết nhân sự cấp cao (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty) gần 3 năm và lại đang hướng thuê, hợp tác đầu tư toa xe khách cao cấp (gấp đôi toa xe Made in Vietnam) chứ không phải đầu tư cho vận tải hàng hóa, cho thấy làm thế nào để tự cân đối, bảo toàn vốn đang là vấn đề lớn của đường sắt?

Ngoài Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thì Tổng Công ty cà phê Việt Nam cũng không hoàn thành kế hoạch doanh thu, không hoàn thành kế hoạch nộp NSNN. Tổng Công ty viễn thông Mobifone không hoàn thành kế hoạch doanh thu, không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế và không hoàn thành kế hoạch nộp NSNN. Tập đoàn Hoá chất Việt Nam không hoàn thành kế hoạch doanh thu.

Năm 2022, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 1,12 triệu tỷ đồng (bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021). Trong khi tổng lợi nhuận trước thuế của 18 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 39.219 tỷ đồng (bằng 173% kế hoạch và bằng 117% so với năm 2021) thì riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ đột biến ước lỗ 31.000 tỷ đồng do nguyên nhân khách quan…không được tăng giá điện (?!).

Kinh tế thế giới, trong đó có kinh tế Mỹ, Châu Âu dự kiến sẽ suy thoái ít nhất là năm 2023, thậm chí đến năm 2024. Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu khó khăn đang ở phía trước. Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước đã và đang là câu hỏi lớn mà Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang phải tìm câu trả lời trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới có nhiều biến động.  

Theo GS.TS Hoàng Văn Châu, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương phân tích: “Cuộc chiến Nga - Ukraine khiến giá dầu thế giới tăng, kéo theo khoản thu từ dầu thô tăng (vượt 144,6% so với dự toán). Xuất nhập khẩu tăng 11,8%, cao hơn tăng trưởng GDP nên 3 khoản thu từ thuế XNK, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT nhập khẩu tăng dẫn đến thu từ hoạt động XNK vượt 32,4% so với dự toán đầu năm. GDP năm 2022 dự kiến đạt 7,5-8%, cao hơn so với kế hoạch đề ra là 6-6,5% dẫn đến các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đều tăng (vượt 10,5% so với dự toán).”