Giải cơn “khát vốn” cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ

(Tieudung.vn) - Với trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và gần 800.000 doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang gặp khó khăn về vốn, việc đổi mới các quy định để khích lệ các loại hình mới cung ứng dịch vụ tài chính như Fi

Giải cơn “khát vốn” cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ

Giải cơn “khát vốn” cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ
Với trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và gần 800.000 doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang gặp khó khăn về vốn, việc đổi mới các quy định để khích lệ các loại hình mới cung ứng dịch vụ tài chính như Fintech là một giải pháp cấp bách.

“Khát vốn” – căn bệnh kinh niên của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ

15 năm trong ngành xây dựng nhưng doanh nghiệp của anh Nguyễn Văn Thông (ngụ tại TP Thủ Đức) vẫn rất khó khăn trong tiếp cận vốn vay từ ngân hàng để phát triển các hợp đồng xây dựng cho đối tác. “Thủ tục vay vốn của các ngân hàng truyền thống rất phức tạp, phải có tài sản, nhà đất đầy đủ “sổ đỏ” để thế chấp, phải chứng minh được khả năng trả nợ, chứng minh dòng tài chính minh bạch... Đôi khi vay rất ít vốn thôi nhưng để chờ xong thủ tục vay được ngân hàng thì cơ hội triển khai hợp đồng với đối tác cũng không còn”, anh Thông nói.

Giải cơn “khát vốn” cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Tại Tọa đàm khoa học “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia - Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh mới đây, Thạc sỹ Đoàn Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng của Viện Nghiên cứu phát triển (IDS) cho hay, nghiên cứu của Hội đồng Khoa học Viện IDS với đề tài “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia - góc nhìn từ doanh nghiệp fintec và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ” chỉ ra,  trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và khoảng gần 800.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiện đang rất khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, tiếp cận vốn tín dụng. Hầu hết doanh nghiệp đi vay phải có tài sản bảo đảm đúng quy định pháp luật, trong khi điều này gần như là “không tưởng” đối với các cơ sở làm ăn nhỏ.

Đồng quan điểm, PGS Đặng Ngọc Đức, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng Đại học Đại Nam : “Các ngân hàng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng. Nhiều ngân hàng không thể thực hiện các giải pháp “hạ chuẩn” điều kiện cấp tín dụng. Trong khi doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lại thiếu dữ liệu lịch sử hoạt động, khó thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ, thiếu tài sản thế chấp dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn”.

Trước thực tế đó, theo TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính Ngân sách của Quốc Hội, Viện trưởng Viện IDS thì các doanh nghiệp fintech hàng đầu của Việt Nam như Momo, ZaloPay, Finviet…đang tích cực số hóa các kênh phân phối hiện đại nhằm mở rộng phạm vi cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính với chi phí thấp. Đây được xem là một “con đường mới” giải “cơn khát vốn” cho các tầng lớp dân cư, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ thông qua các ứng dụng trên di động rất nhanh gọn, tiện lợi.

Việc xây dựng các chính sách, giải pháp, công cụ để thực hiện mục tiêu đảm bảo công bằng trong phân bổ, tiếp cận, sử dụng các nguồn lực tài chính giữa các vùng miền, các tầng lớp dân cư, các thành phần kinh tế là rất quan trọng. Đó cũng chính là mục tiêu của “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020.

Chiến lược đã xác định tài chính toàn diện là người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng. Chiến lược cũng yêu cầu sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, nhấn mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo là thành tố quan trọng để đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện ở Việt Nam.

“Tuy nhiên, đã hơn 4 năm, từ khi có quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, thực sự là có khá ít thông tin về quá trình thực hiện chiến lược này, nhìn nhận và đánh giá hiệu quả của quá trình thực hiện, tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tầng lớp dân cư, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ”, TS Trần Văn chia sẻ.

TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, phát biểu tại Tọa đàm

TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, phát biểu tại Tọa đàm

Sớm ứng dụng sản phẩm tài chính công nghệ

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện IDS, từ đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ, việc hình thành tài chính toàn diện để đảm bảo sự công bằng cho mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý, thuận tiện là xu thế trong thập niên thứ 2 và thứ 3 của thế kỷ 21. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng của thế giới khi Chính phủ đã sớm hợp tác với Ngân hàng thế giới để xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.

“Không thể phủ nhận rằng, thời gian qua các tổ chức tín dụng truyền thống đã đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số để phổ cập dịch vụ tài chính hiện đại. Nhưng các tổ chức tài chính, tín dụng truyền thống vẫn chưa bao phủ nhanh đến tất cả các nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ, đặc biệt là người thu nhập thấp, người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vì việc cân đối giữa lợi nhuận và chi phí vận hành một chi nhánh ngân hàng ở vùng sâu, vùng xa là bài toán khó. Đã có một số ngân hàng thử nghiệm hệ thống đại lý nhưng hiệu quả kinh tế không như kỳ vọng. Đó là chưa kể đa phần khách hàng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa thường không đủ tiêu chuẩn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng do nguồn thông tin để “chấm điểm” khách hàng thiếu hụt, thu nhập thấp, không thường xuyên, không ổn định. Vì vậy, việc sử dụng hai công cụ là tổ chức tài chính vi mô và các công ty Fintech chính là giải pháp tốt”, TS Nguyễn Đức Kiên phân tích.

Tuy nhiên, cũng theo TS Nguyễn Đức Kiên, hành lang pháp lý để khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính chậm được rà soát, sửa đổi bổ sung, nhất là đối với các doanh nghiệp Fintech vốn đang hoạt động theo giấy phép thử nghiệm với nhiều hạn chế.

Cùng quan điểm, TS Dương Quốc Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, phó Viện trưởng Viện IDS nhận xét, việc thiếu vắng các quy định của pháp luật do chậm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung đang tạo ra khá nhiều rủi ro pháp lý và làm cản trở bước phát triển của doanh nghiệp Fintech, nhất là khi tiến bộ của khoa học công nghệ diễn ra với cấp số nhân, tạo ra vô vàn cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ.

“Để thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ tài chính nghiên cứu, sáng tạo, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, để sớm chung tay giải “cơn khát” vốn cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, và hỗ trợ vốn đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, rất cần có sự quan tâm, hỗ trợ thích đáng về mặt thể chế của Nhà nước. Tôi đề nghị trong chiến lược phát triển cần thúc đẩy nhanh việc xây dựng khuôn khổ pháp lý riêng biệt cho các công ty Fintech, để các công ty tài chính công nghệ mới có cơ sở và động lực sớm ứng dụng sản phẩm tài chính công nghệ tiến tiến, nhanh bao phủ nhu cầu vay vốn đầu tư, sản xuất đến mọi đối tượng đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ đang rất yếu thế hiện nay”, TS Dương Quốc Anh chia sẻ.