Hà Nội: Khát vọng làm nông nghiệp hữu cơ của cô gái 9X

(Tieudung.vn) - Sau hơn 4 năm phát triển mô hình trồng nấm theo hướng hữu cơ, chị Chu Thị Thuỷ ở xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) bước đầu gặt hái được những kết quả tích cực.

Hà Nội: Khát vọng làm nông nghiệp hữu cơ của cô gái 9X

Hà Nội: Khát vọng làm nông nghiệp hữu cơ của cô gái 9X
Sau hơn 4 năm phát triển mô hình trồng nấm theo hướng hữu cơ, chị Chu Thị Thuỷ ở xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) bước đầu gặt hái được những kết quả tích cực.

Năm 2017, chị Chu Thị Thuỷ (sinh năm 1991) bắt tay vào trồng nấm. Ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, chị đã lựa chọn sản xuất hữu cơ là định hướng phát triển lâu dài, với mục tiêu tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, thân thiện với môi trường và an toàn cho cộng đồng. 

Hà Nội: Khát vọng làm nông nghiệp hữu cơ của cô gái 9X

Chị Chu Thị Thuỷ kiểm tra chất lượng nấm hữu cơ tại nông trại Tâm An. Ảnh: Trọng Tùng.

Mô hình canh tác “6 không” được chị Thuỷ áp dụng trên diện tích sản xuất nấm hữu cơ rộng gần 1.000m2. Theo đó, những cây nấm sinh trưởng ở nông trại Tâm An không canh tác trên vùng đất và nước ô nhiễm; không sử dụng thuốc diệt cỏ; không sử dụng thuốc trừ sâu hoá học; không sử dụng phân bón hoá học; không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng, và không sử dụng giống biến đổi gen.

Mô hình sản xuất của nông trại được Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cấp Giấy chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Quốc gia TCVN 11041-2:2017. Chất lượng nấm và mộc nhĩ được đánh giá cao. Đáng khích lệ, hai sản phẩm nấm sò nâu và nấm linh chi của nông trại đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt 4 sao; trong khi hai sản phẩm khác là nấm sò trắng và mộc nhĩ được chứng nhận 3 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). 

Cô chủ của nông trại Tâm An cho hay, với sự hỗ trợ của các sở ngành, UBND huyện Sóc Sơn, nấm hữu cơ của gia đình có sự chuẩn hoá về tiêu chuẩn chất lượng, bao bì, nhãn mác. Nhờ đó, năng lực tiếp cận cũng ngày một tốt hơn. Giai đoạn phát triển ổn định, nông trại có thể cung cấp cho thị trường 1,5 - 2 tấn nấm/tháng.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng tiêu thụ nấm ăn có phần sụt giảm. Nông trại Tâm An cũng phải sản xuất cầm chừng do thiếu nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên gần đây, nhu cầu và giá thu mua nấm ăn đã tăng trở lại. Sản xuất của nông trại Tâm An dần đi vào ổn định. Sản phẩm làm ra hiện không đủ cung ứng cho thị trường. “Sản phẩm nấm hữu cơ của nông trại hiện không lo đầu ra nhờ có liên kết với một số đơn vị phân phối hữu cơ tại Hà Nội, các tỉnh lân cận…” - cô chủ 9X của nông trại Tâm An cho biết.

Dù vậy, với kỳ vọng tiếp tục phát triển sản phẩm nấm hữu cơ thành thương hiệu mạnh trên thị trường Thủ đô, chị Thuỷ mong muốn được UBND TP, các sở ngành quan tâm, hỗ trợ vốn vay để đầu tư, mở rộng sản xuất. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện để cơ sở tham gia các hội chợ thương mại nhằm phát triển thị trường, mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, nông trại Tâm An là một trong những điểm sáng trong sản xuất theo phương thức hữu cơ trên địa bàn, được cơ quan chức năng công nhận. Đây cũng là định hướng sản xuất mà địa phương đang tập trung đẩy mạnh. 

“Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của TP; nghiên cứu, có cơ chế đặc thù nhằm nhân rộng các mô hình canh tác hữu cơ như tại nông trại Tâm An trên địa bàn...” - ông Hoàng Chí Dũng cho hay.