Hà Nội: Số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh trong tháng 8/2023
Trong tháng 8/2023, TP Hà Nội có 2.716 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022; vốn đăng ký mới đạt 31,2 nghìn tỷ đồng, tăng 41%.
Doanh nghiệp Việt tìm cách khai thác thị trường Halal
Đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững đem lại lợi thế cạnh tranh
Ngân hàng rao bán các khoản nợ của doanh nghiệp liên quan đến Tân Hoàng Minh
Doanh nghiệp Hà Nội giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2022
Sở KH&ĐT Hà Nội thông tin thêm, trong tháng 8/2023, Thành phố có 294 doanh nghiệp giải thể, tăng 5%; 1.116 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 12%; 588 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 9%.
Cộng dồn 8 tháng năm 2023, Hà Nội có 21,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 208,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7% về số doanh nghiệp nhưng giảm 6% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 2,4 nghìn doanh nghiệp giải thể, giảm 1%; 15,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 21%; 6,3 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, giảm 17%.
Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), tháng 8/2023 có 14.047 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 135.298 tỷ đồng. Con số này tăng 17,9% về số doanh nghiệp và tăng 3,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.
Cộng dồn 8 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới là 103.658. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, đây là mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay. Tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018 - 2022 (89.899 doanh nghiệp).
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, hiện số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố đang hoạt động chiếm trên 98% trong tổng số các doanh nghiệp trên địa bàn. Qua thực tế tìm hiểu tại các doanh nghiệp thành viên, Hiệp hội nhận thấy phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập.
Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế lại đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại cũng như các khoản nợ đến hạn.
Nguyên nhân lớn nhất khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn về tín dụng là do thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm.
Thời gian qua, Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã triển khai hệ thống chính sách đồng bộ thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nguồn lực để phát triển.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, khác. Song, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế bị suy giảm, dẫn tới việc các ngân hàng khó giải ngân tín dụng… nên Thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất về vốn-tín dụng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.