Không để trên nóng, dưới lạnh trong hoàn thuế VAT
Thông tin xung quanh việc doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn khi hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) được nêu ra tại Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/7 vừa qua đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Giảm 2% thuế VAT từ ngày 1/7/2023: Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì?
Nóng: Tiếp tục giảm thuế VAT xuống 8% đến hết năm 2023 để kích cầu tiêu dùng
Xem xét giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu
Theo ghi nhận chung qua phản ánh từ nhiều DN thời gian qua cho thấy, việc hoàn tiền thuế giá trị gia tăng hiện nay rất chậm.
Bất cập chính sách hoàn thuế VAT
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Vũ Chí Hùng cho biết, theo Luật Thuế và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, hồ sơ hoàn thuế VAT được phân làm hai trường hợp: Hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau và hồ sơ hoàn thuế trước kiểm tra sau.
Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau, nếu đáp ứng đủ điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định thì cơ quan thuế hoàn toàn kịp thời, đúng quy định. Các hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau thì cần phải kiểm tra để có cơ sở giải quyết, xử lý hoàn thuế theo quy định.
Cũng theo quy định hiện hành, thời gian hoàn thuế VAT cho DN không quá 40 ngày kể từ khi cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ của DN. Tuy nhiên, theo phản ánh, tại nhiều DN tình trạng trạng chậm hoàn VAT xảy ra từ 2 năm trong hầu hết các lĩnh vực, nhất là các ngành cao su, gỗ, cơ khí…
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều DN phản ánh việc hoàn thuế VAT tăng hiện nay rất chậm. Điển hình như Công ty CP An Phát, theo phản ánh, gần 6 tháng kể từ khi cơ quan công an kết luận “không có dấu hiệu vi phạm hoàn thuế VAT”, Công ty này vẫn chưa được hoàn thuế.
Ông Thanh cho biết, sức khỏe của DN bị bào mòn đã mấy năm, tiếp cận vốn rất khó khăn. Riêng Công ty CP An Phát, cơ quan công an đã xác minh đủ điều kiện nhưng cơ quan thuế cứ vòng vo.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam (VICAAS) Nghiêm Minh Tiến, thông tin cập nhật chưa đầy đủ của các DN hội viên, tiền thuế VAT mà DN chưa được hoàn hiện lên đến 700 tỷ đồng.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) lý giải nguyên nhân gây ách tắc trong việc hoàn thuế VAT là do các công văn hướng dẫn của Tổng cục Thuế khi coi gỗ và các mặt hàng được làm từ gỗ rừng trồng trong nước là mặt hàng có độ rủi ro cao về thuế. Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xác minh nguồn gốc gỗ.
"Mỗi ngày, 2 cán bộ công an đi xác minh được 4 hộ gia đình trồng rừng. Trong khi đó, DN mua gỗ ở nhiều địa bàn với rất nhiều hộ và cơ sở kinh doanh khác nhau, thậm chí có đến hàng ngàn chủ rừng.
Chống gian lận, chống sai sót nhưng không phải vì thế mà làm trì hoãn việc hoàn thuế của DN. Nhất là trong bối cảnh DN tiếp cận vốn rất khó khăn mà tiền của DN lại không hoàn, kéo dài vài năm. Nếu đặt mình vào vị trí của DN thì có thể sống được không? Đây là vấn đề rất bức xúc đã được báo chí, cử tri nói nhiều, Quốc hội cũng đã có nghị quyết. Đề nghị cơ quan thuế phải hoàn thuế ngay cho DN vì quỹ để hoàn thuế năm nào Quốc hội cũng bố trí. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ |
Nếu đi xác minh đầy đủ có thể phải mất 5 năm!" - lãnh đạo công ty này nêu thực tế. "Việc kiểm tra, giám sát DN như hiện nay không những làm ách tắc hoạt động sản xuất - kinh doanh mà còn tạo ra tâm lý lo ngại trong cộng đồng DN" - đại diện Hiệp hội này nhìn nhận.
Theo nhiều DN, việc chậm hoàn VAT khiến các DN cho rằng như vậy là không công bằng. Nếu DN chậm đóng thuế thì bị tính lãi chậm nộp, thậm chí cấm xuất cảnh, nhưng còn tiền của DN đang nằm ở cơ quan thuế thì không có ai chịu trách nhiệm. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay, sớm hoàn thuế cho DN chính là tiếp sức, góp phần phục hồi nền kinh tế.
Bày tỏ phấn khởi trước chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, đại diện các Hiệp hội chia sẻ: “Hoạt động điều hành của Quốc hội và Chính phủ thời gian qua được cộng đồng DN ghi nhận là rất quyết liệt. Vấn đề đặt ra ở đây là khâu triển khai chính sách, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ”.
Do đó, cần có cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới để nỗ lực của Chính phủ và hệ thống hành chính thực sự đem lại giá trị cho DN và nền kinh tế. Cộng đồng DN kỳ vọng việc hoàn thuế VAT sẽ không rơi vào tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Cần quy định rõ thời gian hoàn thuế, cắt giảm thủ tục
Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng, theo quy định hiện nay, các DN thuộc đối tượng được hoàn thuế bảo đảm 3 điều kiện: có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế VAT ở khâu nhập khẩu; có chứng từ thanh toán qua ngân hàng; có hợp đồng ký kết xuất khẩu hàng hóa và tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.
Trách nhiệm của ngành thuế sau khi nhận đủ hồ sơ của DN thì phải giải quyết trong vòng 6 ngày làm việc nếu thuộc trường hợp hoàn trước, kiểm sau; không quá 40 ngày đối với trường hợp kiểm trước, hoàn sau.
Nếu chứng minh được việc chậm trễ hoàn thuế là do lỗi từ cơ quan quản lý thuế, thì ngoài số tiền phải hoàn trả, cơ quan thuế còn phải trả lãi với mức 0,03%/ngày, tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn thuế.
“Trong thực tế, các vi phạm về hoàn thuế là có, nhưng không thể vì thế mà để những DN chấp hành tốt phải thiệt hại”- bà Cúc bày tỏ.
Chủ tịch VIFOREST Đỗ Xuân Lập kiến nghị, hiện nay quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản theo Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT rất phức tạp, không khả thi, mất rất nhiều thời gian và phát sinh nhiều chi phí, nếu tiến hành xác minh đầy đủ. Do đó, VIFOREST đề nghị cơ quan Thuế chỉ tập trung kiểm soát chặt các nhà cung cấp, DN có xuất hóa đơn thông qua hệ thống hóa đơn điện tử.
“Nếu tình trạng hoàn thuế giá trị gia tăng còn kéo dài và chưa có hướng xử lý, Hiệp hội đề nghị bỏ thuế 10% đối với mặt hàng này, nhằm tránh tình trạng lợi dụng việc hoàn thuế VAT để gian lận ngân sách Nhà nước. Hoặc đề nghị Nhà nước có cơ chế chính sách để DN đóng thuế hộ khâu chế biến gỗ trung gian với mức 1,5% và DN được phép hạch toán vào chi phí của DN…”.
Theo PGS - TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc hoàn thuế chậm, cơ quan quản lý thuế phải xem xét, thay đổi và quy định rõ nếu chậm thì được chậm bao lâu. Song song đó cũng cần quy định, dù đã được hoàn thuế nhưng sau này kiểm tra lại nếu phát hiện việc gian lận, DN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bị thu hồi tiền hoàn thuế và nộp phạt. Việc này nhằm nâng cao trách nhiệm của DN.
TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh công nghệ Hà Nội, cho rằng: "Muốn giải quyết nhanh tình trạng ách tắc trong hoàn thuế VAT thì Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần có những tháo gỡ vướng mắc, đồng thời giải tỏa tâm lý né tránh cũng như lợi dụng làm khó từ cán bộ thuế".
Theo thông báo 5427 của Bộ Tài chính gửi Tổng cục Thuế yêu cầu chỉ đạo ngay các đơn vị có hướng dẫn, thực hiện hoàn thuế VAT đối với các hồ sơ hoàn thuế nếu đủ điều kiện theo quy định. Đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT đã kiểm tra, xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thì khẩn trương ban hành quyết định hoàn thuế cho DN, bảo đảm đúng thời hạn quy định. Hồ sơ đang kiểm tra thì thông báo thời hạn giải quyết. |