Kỹ sư bỏ phố về quê lập nghiệp từ... nuôi chim
Dù có công việc ổn định, thu nhập cao tại TP Hồ Chí Minh, thế nhưng khi thấy hai cặp chim trĩ nuôi làm kiểng đẻ khá nhiều trứng, anh quyết định bỏ việc ở TP để về quê nuôi chim lập nghiệp.
Quyết định "táo bạo" của chàng kỹ sư người Tày
Đó là anh Nghiệp Thế Vĩnh (SN 1993, dân tộc Tày, ngụ ấp Phước Tâm, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Anh Vĩnh kể, năm 2015 sau khi tốt nghiệp ngành thực phẩm Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Công Thương), anh ở lại TP Hồ Chí Minh làm việc được 5 năm. Quãng thời gian này, Vĩnh thấy một số người nuôi chim trĩ làm kiểng, nên anh mua 2 cặp (2 con trống, 2 con mái) nuôi chơi. Lúc nuôi, anh Vĩnh quan sát thấy chim mái đẻ từ 60-80 trứng/năm, nhưng khi ấp rất khó nở dẫn đến giá chim khá cao. Vì vậy, anh nghĩ tại sao không chuyển hướng từ nuôi chim kiểng sang thương phẩm?
Anh Nghiệp Thế Vĩnh trong trại chim trĩ của mình
Nghĩ là làm, cuối năm 2020 anh Vĩnh quyết định nghỉ việc ở TP Hồ Chí Minh trở về nhà ở Bình Phước khởi nghiệp bằng việc nuôi chim trĩ. Ban đầu do vốn ít, kinh nghiệm chưa nhiều nên anh chỉ nuôi 100 con (20 con trống, 80 con mái), thiết kế trong vườn nhà 20 chuồng với diện tích 2,5m2/chuồng (mỗi chuồng thả 1 con trống với 4 mái).
Tủ ấp trứng do anh Vĩnh tự lắp ráp có công suất 1.200 trứng/lứa
Năm đầu tiên, 80 con chim mái đẻ hơn 5.500 trứng, nhưng khi ấp theo phương pháp thủ công, số trứng nở rất ít vì chim trĩ là loài thích nghi với môi trường tự nhiên. Do đó, anh Vĩnh tìm hiểu thông tin từ nhiều ngồn và tự lắp ráp tủ ấp trứng tự động với công suất 600 trứng/1 lứa, nhưng trứng nở chỉ đạt khoảng 40%, và số chim con chết khá nhiều vì thiếu hơi ấm.
Sau khi trứng nở, chim trĩ non được sưởi ấm 21 ngày trong lồng
“Trước tình trạng trứng nở ít, chim con chết nhiều, tôi về những trại nuôi chim trĩ ở tỉnh Đồng Nai để học kinh nghiệm. Lúc đó mới biết do điều chỉnh nhiệt độ chưa chuẩn nên trứng nở ít, đồng thời khi chim nở phải cho vào lồng sưởi nuôi một thời gian đến khi chim con có sức đề kháng, mới thả ra đất thì chim sẽ lớn khỏe”, anh Vĩnh chia sẻ.
Theo anh Vĩnh, thời gian ấp khoảng 24 ngày trứng nở. Nếu ấp trứng số lượng lớn, mỗi giai đoạn chỉnh nhiệt độ khác nhau: từ khi cho trứng vào máy ấp từ 18-20 ngày, cài nhiệt độ ở mức 37.5 độ C. Từ ngày thứ 20 trở đi, điều chỉnh xuống còn 37.2 độ C. Sau khi trứng nở, đưa chim non nhốt riêng vào lồng diện tích 2m2 (chứa 100 con) để sưởi ấm khoảng 21 ngày đến khi chim đủ sức đề kháng thì đưa ra chuồng nền đất cho chim chạy nhảy, quen với môi trường sống. Đến khi chim được 2 tháng tuổi, lúc này trọng lượng khoảng 500-600gram/con, thì thả chim vào chuồng lớn hơn có diện tích khoảng 200m2/chuồng, với số lượng từ 150-200 con.
Chim… không phụ người
“Chim trĩ vốn quen sống trong tự nhiên, nếu chuồng nuôi chật quá, chim cắn nhau đến trụi lông. Thường thì loài này mổ đồng loại từ vùng hậu môn rồi đến lưng và đầu. Do đó, để hạn chế chim không cắn nhau, tôi mua những tấm khiên bằng nhựa mà trong nghề gọi là kính để đeo lên đầu chim nhằm hạn chế tầm nhìn của chúng. Những con được đeo kính nhựa là những con rất dữ, một khi nó mổ con đồng loại ở vùng hậu môn mà bị chảy máu, thì nó mổ lôi cả ruột ra để ăn”, anh Vĩnh cho biết.
Mỗi năm 1 chim mái đẻ từ 60-80 trứng
Về chu kỳ chim trĩ đẻ trứng, theo anh Vĩnh kéo dài 8 tháng, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 11 dương lịch mới kết thúc. Trong quãng thời gian này có một khoảng thời gian chim nghỉ đẻ. Còn thông thường cứ 2 ngày, con mái đẻ 1 quả nhưng cũng có con đẻ mỗi ngày 1 trứng; thời gian chim đẻ trứng từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Sau thời gian này người nuôi chỉ việc vào chuồng nhặt trứng, gom lại vài ngày khi đủ số lượng của tủ ấp trứng thì cho vào ấp.
Sau 3 năm “gầy dựng” 4 chuồng trong trại nuôi chim trĩ trên diện tích khoảng 800m2, mỗi năm anh Vĩnh xuất khoảng 1.000 con chim trĩ (thương phẩm) cho nhà hàng, quán ăn khu vực TP Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) và tỉnh Bình Dương. Với giá 180.000-200.000 đồng/kg, sau khi trừ tiền công, cám, thuốc ngừa bệnh cho chim…, anh Vĩnh còn lời từ 80.000-100.000 đồng/con chim trĩ.
Trứng chim trĩ chỉ to hơn trứng chim cút, giá 10.000 đồng/quả, ăn rất ngon
“Thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, là khá thấp so với công việc và mức sống ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng nếu so với mức sống ở vùng nông thôn thì đây là thu nhập khá, và mình được làm chủ bản thân. Hiện nay với số lượng trứng chim đẻ ngày càng nhiều, nhưng lượng chim thương phẩm vẫn chưa đủ cung cấp cho thị trường. Vì vậy tôi mới lắp thêm tủ ấp với công suất 1.200 trứng/lứa, và sẽ mở rộng thêm 4 chuồng mới với tổng diện tích khoảng 1.000m2 nhằm tăng thêm thu nhập”, anh Vĩnh nói.
Chuồng và đặc tính chim trĩ ra sao?
Theo anh Nghiệp Thế Vĩnh, chim trĩ là loài đa thê, 1 con trống có thể đạp 4-5 con mái. Cách nuôi hiệu quả là thiết kế từng chuồng diện tích 2,5m2 (thả 1 con trống, 4 con mái). Với kiểu chuồng này dễ kiểm soát được từng ô, con trống nào khỏe, đạp mái yếu hay mạnh, con mái nào đẻ tốt hay kém, trứng to hay nhỏ…, để từ đó điều chỉnh.
Loại chuồng “mở” được rào bằng lưới B40, chiều cao trên 2m, bên trên giăng lưới để chim trĩ không bay ra ngoài
Tuy nhiên, qua thực tế nuôi kiểu từng chuồng rất tốn thời gian chăm sóc (mở - đóng và cho ăn - uống từng chuồng). Vì vậy để đỡ mất thời gian, nuôi số lượng nhiều và chim trĩ có nhiều không gian chạy nhảy, thì nên nuôi trong chuồng “mở” có diện tích 200m2/chuồng. Vì khi thả chung hàng trăm con trống và mái chung chuồng lớn, người nuôi chỉ cần đem xô thức ăn, nước uống đổ ra chậu 1-2 lần/ngày, chim sẽ tự đến ăn uống.
Loại chuồng “mở” được rào bằng lưới B40, chiều cao trên 2m, phía bên trên giăng lưới để chim trĩ không thể bay ra ngoài; ở giữa chuồng dựng mái tôn che nắng mưa cho chim, bên dưới mái tôn buộc thêm nhiều cây sào để chim ngủ, tránh nước khi trời mưa to. Ngoài ra, người nuôi có thể làm giàn bằng sào trong chuồng để chim trĩ đậu phơi nắng hoặc tránh việc cắn nhau.
Thịt chim trĩ ngon và thơm nên được nhiều người mua về chế biến nhiều món
Về đặc tính của chim trĩ, theo anh Vĩnh để phân biệt chim trống và mái, khi nuôi chim từ 3 tháng trở lên, nếu là con trống sẽ mọc khoanh lông màu trắng trên cổ, đến tháng thứ 5 thì vòng tròn trắng khép đều quanh cổ chim. Lúc này chim trống có trọng lượng khoảng 1,3 - 1,5 kg/con, chim mái từ 1 - 1,2 kg/con.
Màu sắc của chim trĩ (con trống) có nhiều màu, nhưng chủ yếu là 3 màu: xanh, đỏ và nâu. Nếu có màu xanh óng ánh như lông chim công, giá sẽ đắt hơn 2 màu còn lại. Lý do chim trĩ xanh có giá đắt hơn vì phối giống kém, nên tốc độ nhân giống chậm mặt khác do màu lông xanh óng ánh rất đẹp nên nhiều người mua về để nuôi làm kiểng chứ không ăn thịt.
Thịt chim trĩ rất thơm “Từ khi trứng nở, mình nuôi đến trưởng thành mất khoảng 5 tháng thì bán chim thương phẩm. Còn nuôi đến 6 tháng để bán chim giống, giá dao động từ 500.000-600.000 đồng/cặp, tùy con đẹp hay xấu. Đối với trứng mua về ấp có giá 10.000 đồng/quả, mua để ăn mỗi quả 6.000 đồng. Còn thịt chim trĩ thường được các nhà hàng chế biến thành nhiều món (nấu lẩu, xào lăn, nướng). Để chế biến thịt chim trĩ cho thật thơm, gia vị buộc phải có là xả và ớt”, anh Nghiệp Thế Vĩnh chi sẻ. |