Một doanh nghiệp cầu cứu vì bị đối tác nợ "khó đòi" hơn 72 tỷ đồng
Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh An Giang phán quyết Andesco không bị mất khả năng thanh toán, tuy nhiên Công ty TL cho rằng Andesco đã sử dụng chiêu trò trả nợ “nhỏ giọt” để né việc phá sản, khiến doanh nghiệp này không được bảo vệ quyền về tài sản của chủ nợ theo đúng mục tiêu của Luật Phá sản.
Doanh nghiệp cầu cứu UBND TP Hồ Chí Minh vì bị di dời ảnh hưởng đến hàng ngàn công nhân
Tranh chấp với chủ đầu tư, cư dân Saigonhomes căng băng rôn cầu cứu Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh
Khánh Hòa: Doanh nghiệp du lịch "cầu cứu" vì nhiều tàu du lịch biển hủy đến Nha Trang
Thiếu nợ hơn 72 tỷ đồng, hơn 3 năm chây ì không trả
Mới đây, trong đơn cầu cứu gửi đến báo Kinh tế & Đô Thị, bà Trần Thị Tri - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Đầu tư xây dựng TL (Công ty TL; có trụ sở chính tại 568 đường số 27, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) trình bày về việc, từ năm 2019 – 2021, doanh nghiệp này đã tiến hành ký kết với Công ty Cổ phần phát triển du lịch An Giang (Andesco) 12 hợp đồng thi công công trình.
Một hợp đồng thi công công trình mà Andesco ký kết với Công ty TL từ năm 2019
“Là nhà thầu thi công công trình cho Andesco, sau khi bàn giao, nghiệm thu xóa bảo hành, đưa vào sử dụng, và các bên đã đối chiếu công nợ từ năm 2020. Trong quá trình này, chúng tôi đã gửi 12 văn bản yêu cầu Andesco trả nợ nhưng Andesco không phản hồi. Thậm chí, Ban lãnh đạo Công ty TL đã mời Thừa phát lại đi cùng đến trụ sở Andesco để đòi nợ nhưng đại diện Andesco vẫn né tránh, không tiếp và cũng không trả nợ” – bà Trần Thị Tri nói và nhấn mạnh, vì hết cách, Công ty TL đã phải làm Đơn yêu cầu Mở thủ tục phá sản đối với Andesco và đã được TAND TP Long Xuyên, tỉnh An Giang tiếp nhận.
Ngày 23/5, TAND TP Long Xuyên mời đại diện Công ty TL và Andesco đến làm việc. Tại buổi làm việc này, phía Andesco thừa nhận có nợ chưa thanh toán cho Công ty TL số tiền gốc 73.772.414.000 đồng. Vì dịch bệnh, làm ăn thua lỗ liên tục, nên xin được thanh toán bằng cách trích 20% lợi nhuận hằng năm (nếu có), hoặc kêu gọi vốn đầu tư từ bên ngoài để trả nợ cho Công ty TL.
“Phương án trả nợ mà Andesco đưa ra là không khả thi, đã đang và sẽ tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho công ty chúng tôi. Hiện Công ty TL cũng phải gồng mình trả lãi vay ngân hàng đã quá hạn, đang nợ các thầu phụ, bên cung cấp vật tư…Chưa kể, ngày 27/5 vừa qua, Andesco ban hành Công văn số 36/CV-TL-2023 có nội dung: “Theo số liệu Báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán thì Công ty đang có tổng nợ 560 tỷ đồng (làm tròn)”. Với số nợ khổng lồ nêu trên, chúng tôi cho rằng Andesco đã thực sự mất khả năng thanh toán” - bà Trần Thị Tri nói thêm.
Xét thấy Andesco có trụ sở tại TP Long Xuyên, có tài sản và hoạt động kinh doanh chính tại huyện Tịnh Biên, nên Công ty TL đã yêu cầu TAND TP Long Xuyên chuyển vụ việc về TAND tỉnh An Giang để giải quyết theo thẩm quyền.
Ngày 7/8, TAND tỉnh An Giang ban hành Thông báo số 03/2023/TB-TLPS thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Andesco.
Ngày 5/9, Thẩm phán phụ trách vụ việc thông báo triệu tập các bên liên quan để xem xét về khả năng thanh toán của Andesco. Tại phiên họp này, đại diện Andesco một lần nữa xác nhận khoản nợ từ năm 2020 đến nay chưa thanh toán nhưng không đưa ra được phương án trả nợ. Vì vậy, Công ty TL đề nghị Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Andesco.
Tại biên bản phiên họp ngày 5/9/2023 do TAND tỉnh An Giang lập, thể hiện ý kiến của đại diện Andesco có nội dung nguyên văn như sau: “Andesco thống nhất số nợ gốc đối với Công ty TL là 73.772.414.000 đồng theo biên bản đối chiếu công nợ ngày 22/2/2023. Số nợ này phát sinh theo 12 hợp đồng như Công ty TL trình bày. Trong quá trình TAND TP Long Xuyên thụ lý giải quyết thì Andesco có thanh toán cho Công ty TL 2 lần vào ngày 27/6/2023 và ngày 6/7/2023, mỗi lần 500.000.000 đồng. Như vậy, Andesco còn nợ vốn gốc của Công ty TL là 72.772.414.000 đồng”.
Cũng tại phiên họp này, đại diện Andesco không đưa ra phương án trả nợ cho Công ty TL, do đó Công ty TL vẫn giữ nguyên yêu cầu Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Andesco
Đủ cơ sở để yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Andesco?
Tuy nhiên, đến ngày 13/9, Công ty TL bất ngờ nhận được Quyết định số 01/2023/QĐ-KMTTPS của TAND tỉnh An Giang về việc không mở thủ tục phá sản đối với Andesco.
“Andesco đã không thanh toán nợ cho Công ty TL suốt mấy năm nay thể hiện công ty này đã mất khả năng thanh toán. Như vậy, hoàn toàn đủ cơ sở để tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Andesco. Vì vậy, chúng tôi đã có đơn đề nghị TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xem xét lại quyết định không mở thủ tục phá sản đối với Andesco của TAND tỉnh An Giang” - bà Trần Thị Tri bức xúc.
Cũng theo Giám đốc Công ty TL, tính đến nay Andesco còn nợ, chiếm dụng vốn của Công ty TL tổng số tiền gốc hơn 72 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh. Trong đó bao gồm tiền công của người lao động, của các nhà thầu phụ, của các nhà cung cấp vật tư và nợ vay ngân hàng: “Chúng tôi đã đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền của vào thi công công trình cho Andesco. Chúng tôi đã bàn giao và họ đã đưa công trình vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra doanh thu và lợi nhuận suốt mấy năm nay. Nhưng đáp lại, Andesco vẫn chây ì, chiếm dụng vốn, không chịu trả nợ cho chúng tôi. Để trang trải và gồng gánh số nợ mà Andesco đã cố tình không trả trong hơn 3 năm qua, nhiều người đã phải đi vay nóng bên ngoài của tín dụng đen, người đã phải bán nhà, bán tài sản, thậm chí có gia đình đã ly tán vì vợ chồng cãi vả dẫn đến ly hôn…” - bà Trần Thị Tri chua xót cho hay.
Ngày 27/10, trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo Andesco xác nhận, đúng là Andesco đang nợ Công ty TL số tiền gốc hơn 72 tỷ đồng trong nhiều năm, hiện vẫn chưa thanh toán.
“Về việc này các bên đã thưa nhau ra tòa, tòa cũng đã xử xong rồi. Tuy nhiên, về phương án sắp tới trả nợ như thế nào thì tôi không được quyền phát ngôn” - vị lãnh đạo này nói.
Biên bản đối chiếu công nợ (lập ngày 19/4/2023) giữa Andesco và Công ty TL cho thấy, số tiền mà Andesco và chưa thanh toán cho Công ty TL là hơn 73 tỷ đồng
Liên quan vụ việc nói trên, cùng ngày 27/10, PV Báo Kinh tế & Đô thị có đặt câu hỏi cho luật sư Lê Thu Thảo – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh về việc: “Pháp luật quy định thế nào là một doanh nghiệp bị xem mất khả năng thanh toán?”.
Theo đó, luật sư Thảo cho biết, Khoản 1 Điều 4 Luật phá sản năm 2014 quy định rõ: “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Ngoài ra, tại Mục 24 Văn bản số 199/TANDTC-PC ngày 18/12/2020 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: “…mặc dù doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tốt, có lợi nhuận nhưng có khoản nợ đến hạn trong thời gian 03 tháng mà không trả nợ (mất khả năng thanh toán) thì Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 42 Luật Phá sản.”
“Công ty TL và Andesco đã chốt công nợ tại các Biên bản đối chiếu công nợ năm 2020 và gần nhất là năm 2023. Đến nay, khoản nợ này đã kéo dài hơn 3 năm chưa thanh toán xong. Như vậy, việc Công ty TL đề nghị Tòa án ra Quyết định mở thủ tục phá sản đối với Andesco là phù hợp với quy định của Luật Phá sản năm 2014” – luật sư Thảo phân tích.
Đặc biệt, luật sư Thảo nhấn mạnh, bên cạnh căn cứ pháp luật, các toà cũng có thể tham khảo tinh thần của Tòa án nhân dân tối cao để xét xử, và phán quyết vụ việc, nhằm bảo vệ quyền về tài sản của chủ nợ theo đúng mục tiêu của Luật Phá sản.
Tieudung.kinhtedothi.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.