Ngành đường sắt đang “đổi mới” hay chỉ là…“đổi thay”?
Đến giờ, ngành đường sắt đã làm được 2 trong 3 chỉ đạo tại Văn bản số 303/TTG-ĐMDN ngày 7/4/2022 của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về chủ trương cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Liệu đây có phải là “đổi mới” hay chỉ là “đổi thay” mô hình hoạt động của VNR?
VNR sáp nhập các chi nhánh sức kéo: Một quyết định vội vàng…?
“Chấn động” nhà vệ sinh 168 tỷ trên tàu nguy cơ “vứt sọt rác”
[Đường sắt-ngổn ngang trăm mối tơ vò] Bài 4: Gỡ nút thắt để phục hồi, phát triển
Liên quan đến Đề án cơ cấu lại VNR giai đoạn 2021 – 2025, VNR hiện đang bổ sung theo yêu cầu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự kiến trình dự thảo hoàn thiện trong quý I/2023. Trước đó, VNR giải thể và về sáp nhập nguyên trạng Xí nghiệp đầu máy Yên Viên vào Xí nghiệp đầu máy Hà Nội; Xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng vào Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn, sáp nhập nguyên trạng Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đường sắt khu vực 2 và Ban QLDA Đường sắt khu vực 3 vào Ban QLDA Đường sắt khu vực 1.
Nếu không tính toán theo khoa học quản lý thì mọi sự giải thể, sáp nhập của đường sắt chỉ là “đổi thay” chứ không phải đổi mới. Ảnh TT
Sáp nhập chỉ là đổi tên...
Như vậy, theo Văn bản số 303/TTG-ĐMDN thì VNR còn phải sáp nhập 2 công ty cổ phần vận tải đường sắt. Theo Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020: “Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số công ty có thể sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập”. Nhưng với việc vốn chủ sở hữu Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội chỉ còn 449/800 tỷ đồng và Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn chỉ còn 150/503 tỷ đồng (tính tròn, đến hết quý III/2022) thì khó lòng sáp nhập theo luật định.
Nhưng điều khiến nhiều người và các chuyên gia vận tải theo dõi là, sau sáp nhập các chi nhánh đầu máy và các ban quản lý dự án, chưa thấy sự thay đổi đáng kể nào ngoài thay biển tên đơn vị và chức danh quản lý. Thay vì tên gọi Chi nhánh Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng nay người ta lắp biển mới Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn - cơ sở Đà Nẵng, tương tự với Đầu máy Yên viên. Ban QLDA Đường sắt khu vực 2, 3 được đổi thành Ban QLDA Đường sắt khu vực 1 - Văn phòng Đà Nẵng và thành Ban QLDA Đường sắt khu vực 1 - Văn phòng TP Hồ Chí Minh. Như vậy, VNR không hề chia thành 3 khu vực nhưng vẫn tồn tại cái tên không giống ai…là Ban QLDA Đường sắt khu vực 1, mà không hề có khu vực 2 và 3.
Tại các đơn vị sau sáp nhập, không hề có điều chuyển nhân sự, tài sản, mọi việc vẫn y như cũ, thậm chí nếu không tinh ý không ai biết biết vừa có một “cuộc cách mạng về tổ chức”. Vậy rốt cuộc vấn đề xáo trộn tổ chức, giải thể, sáp nhập các đơn vị như thế để làm gì…vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp? Chính điều này khiến cho từ 2003 đến nay, ngành đường sắt hết “xoay dọc” rồi lại “xoay ngang” mà chưa thấy sự hợp lý, tích cực vì hàm lượng khoa học không cao, đơn thuần là sự chủ quan và duy ý chí của lãnh đạo.
Điều khá lạ, đáng ra có thể nhập những đơn vị cần thiết hơn như Điều độ Sài Gòn, Điều độ Đà Nẵng về một mối để tập trung chỉ huy chạy tàu hay bỏ đi mô hình 3 cấp khá rối rắm Tổng công ty- Chi nhánh khai thác đường sắt - ga (làm mất vai trò của ga) để trở thành 2 cấp, thì các nhà tổ chức lại không sốt sắng. 20 công ty quản lý hạ tầng sử dụng vốn ngân sách lại để y nguyên gần 2 thập kỷ nay, dù thông tin đường sắt đã quá lạc hậu, giá thành cao, để tới 15 đơn vị cầu đường như hiện nay là điều không cần thiết.
Nếu đường sắt giải thể, sát nhập các đơn vị chỉ đơn thuần là đổi tên thì sẽ thất bại. Ảnh TT
... đổi tên chỉ là đổi con dấu
Hiện nay, các công ty vận tải đường sắt chủ yếu còn 3 khoản chi: sửa chữa toa xe; chi phí quản lý và tiền lương; chi phí phục vụ hành khách trên tàu. Nhưng với việc giải thể, sáp nhập Chi nhánh Toa xe Hà Nội về Chi nhánh Toa xe hàng để thành “siêu chi nhánh” với gần 1.000 lao động thì vẫn để một đoàn tàu Thống Nhất có tới 2 giám đốc (3 phân đoàn, trạm trưởng) cùng quản lý. Trong đó, Trạm Tiếp viên Hà Nội (gần 500 lao động) thuộc Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội lo việc phục vụ hành khách; Phân đoạn Vận dụng, khám chữa chỉnh bị (140 người) lo việc chỉnh bị toa xe và sửa chữa nhỏ hư hỏng toa xe và Phân đoạn Cơ-Điện - Lạnh lo phần điện - điều hòa và máy phát (bao gồm cả nhiên liệu) khoảng 140 người.
Như vậy, trên các đoàn tàu Thống Nhất hiện nay có 17 nhân viên phục vụ thuộc Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội, 2 nhân viên kỹ thuật điện thuộc Phân đoạn Cơ - Điện - Lạnh, 01 nhân viên kỹ thuật toa xe thuộc Phân đoạn Vận dụng, khám chữa chỉnh bị. Về lý thuyết, trưởng tàu chỉ huy chung 3 bộ phận nhưng đó chỉ trên sách vở, còn thực tế hơn ai hết lãnh đạo cấp chi nhánh, công ty và Tổng công ty biết những bấp cập đang xẩy ra. Chỉ nội việc khi hành khách phản ánh buồng vệ sinh trên tàu hôi, thì phân định trách nhiệm là do Phân đoạn Vận dụng, khám chữa chỉnh bị (thuộc Chi nhánh Toa xe hàng) lâu ngày không hút thùng phốt hay nhân viên Trạm Tiếp viên Hà Nội (thuộc Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội) lên ban lười cọ chùi cũng đã phức tạp, mất thời gian.
Trước đây, các bộ phận này đều trực thuộc Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội (tiền thân của Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội), mọi hư hỏng, vệ sinh mặt đất, vệ sinh trên tàu, sửa chữa hệ thống điện, điều hòa đều thuộc một mối thì mọi việc xử lý đơn giản hơn nhiều. Ngay khi phát hiện sự cố, đã được báo cáo về trực ban Trạm công tác trên tàu để lên phương án sửa chữa. Thì nay, với việc có đến 3 đầu mối thuộc 2 cấp chi nhánh, báo cáo chồng báo cáo nhưng những sự cố vẫn chậm được khắc phục, có khi vài vòng quanh mới có thiết bị, phụ tùng thay thế. Khi có sự cố, phản ánh của hành khách, cấp công ty và Tổng công ty cũng phải mất công điều tra mới biết trách nhiệm thuộc về ai.
Cần bố trí đội hình công tác trên các đoàn tàu theo hướng: tiếp viên phục vụ - kỹ thuật toa xe - kỹ thuật điện, điện lạnh về một mối
Lấy khách hàng làm trung tâm
Mới đây, nữ họa sĩ Đinh Hiền Lương đã chia sẻ bài viết trên mạng xã hội khi đi tàu Thống Nhất quá lạnh, nhưng nhân viên đường sắt không chịu điều chỉnh nhiệt độ, khiến cho cụ ông nhiều tuổi về nhà phát ốm. Lập tức, rất nhiều đồng nghiệp, trong đó có cả nhà báo phản ánh đó là “chuyện thường ngày nhà tàu”, đơn giản là nhân viên thợ điện và tiếp viên phục vụ không phải bao giờ cũng có tiếng nói chung.
“Đối với hành khách, khi bỏ tiền mua vé thì ngành đường sắt có trách nhiệm phục vụ đúng như cam kết, chúng tôi không quan tâm đến các nhân viên trên tàu thuộc đơn vị nào”, nữ họa sĩ này khẳng định khi người viết có ý định tìm hiểu sâu hơn vấn đề.
Với việc bố trí mô hình bất cập như vậy, nên có lần đêm ba mươi Tết, chính lãnh đạo VNR ra sân ga Hà Nội chúc Tết anh em đi tàu Thống Nhất cũng quên mất bộ phận kiểm tu, thợ điện vì không nhớ họ thuộc các đơn vị khác nhau.
Năm 2023, VNR đặt mục tiêu phấn đấu là hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Công ty mẹ bắt đầu có lãi, cố gắng thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu được giao; đảm bảo đủ việc làm, từng bước nâng cao đời sống người lao động. Tổng Giám đốc Đặng Sỹ Mạnh cho biết phương châm hành động, giải pháp của VNR năm 2023: “VNR luôn xác định mục tiêu số 1 là đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, lấy khách hàng làm trung tâm để tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, điều chỉnh linh hoạt cơ cấu, quy mô tổ chức sản xuất, tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và khai thác tối đa các nguồn lực, không ngừng cải thiện năng suất lao động”.
Đây là một định hướng đúng, sát với hình hình thực tế, dường như trong quá trình điều hành CEO Đặng Sỹ Mạnh đã phát hiện ra vấn đề bất cập nên sau mục tiêu “an toàn” đã đưa tiêu chí “lấy khách hàng làm trung tâm” lên vị trí số 2. Muốn vậy, phải cần tập trung chỉ huy, thống nhất lãnh đạo, bỏ đi các đầu mối trung gian không cần thiết. Đối với công tác kinh doanh vận tải hành khách, cần bố trí đội hình công tác trên tàu theo hướng: tiếp viên phục vụ - kỹ thuật toa xe - kỹ thuật điện, điện lạnh về một mối.
Phải vậy mới có thể quy trách nhiệm cho cá nhân người đứng đầu khi chất lượng công tác phục vụ hành khách có vấn đề. Thực ra, trước khi bài viết này lên khuôn, đã vài lần người ta nâng lên, hạ xuống câu chuyện bất cập này nhưng không hiểu sao đến nay lại chưa triển khai. Dù đến nay, ngành đường sắt đang là doanh nghiệp nhà nước có số lần thay đổi tổ chức nhiều nhất trong vòng 2 thập kỷ qua, nhưng nếu không tính toán theo khoa học quản lý thì mọi sự giải thể, sáp nhập chỉ là “đổi thay” chứ không phải đổi mới.