Nghị định 08 – bài cuối: Trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư nên "chọn mặt gửi vàng"
Thị trường trái phiếu Việt Nam bước vào năm 2023 đầy biến động, kéo theo sự sụp đổ niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó trái phiếu của các ngành nghề bán lẻ, tiêu dùng, năng lượng, logistics,… vẫn tạo ra điểm sáng từ việc minh bạch thông tin và thanh toán đúng hạn. Các chuyên gia cho rằng, dù đang trong giai đoạn khó khăn, Nghị định 08 được ban hành là cơ hội để thị trường "gạn đục, khơi trong" nhưng cần thời gian làm quen và sàng lọc...
Nghị định 08 – bài 2: Khôi phục niềm tin của nhà đầu tư là “đích đến”!
Nghị định 08 - bài 1: “Cửa sáng” kỳ vọng khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Xử lý nợ xấu bất động sản, bài học từ Trung Quốc?
Như Tieudung.kinhtedothi.vn đã thông tin ở các bài trước, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08, ngày 5/3/2023) sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế được Chính phủ ban hành đã bước đầu tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để xử lý một vài "điểm nghẽn" trên thị trường này. Tuy nhiên, làm thế nào để khôi phục lại thị trường trái phiếu vẫn sẽ là câu chuyện nóng nhất năm 2023.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, nhà đầu tư nênn "chọn mặt gửi vàng" để trái phiếu doanh nghiệp là kênh đầu tư hiệu quả dài hạn
Mua trái phiếu phải “chọn mặt gửi vàng”
Trái phiếu được đánh giá là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, đồng thời cũng là lựa chọn quen thuộc của nhiều nhà đầu tư nhờ lãi suất hấp dẫn. Tuy vậy, thời gian gần đây nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến hoạt động phát hành, sử dụng nguồn vốn trái phiếu ở một số doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường. Từ đó khiến các nhà đầu tư có xu hướng dè chừng đối với trái phiếu doanh nghiệp.
Ghi nhận cho thấy, sau cú sốc cổ phiếu Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, hiện làn sóng bán tháo trái phiếu đã chững lại, thanh khoản thị trường cũng dịu bớt. Mặc dù vậy, áp lực đáo hạn vẫn rất lớn, đồng nghĩa thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 tiếp tục ở trong chu kỳ khó khăn chưa từng thấy.
Trong tình cảnh nhiều đơn vị phải xin lùi thời hạn thanh toán cũng đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn.
Đơn cử là Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) đã hoàn tất thanh toán 3.000 tỷ đồng trái phiếu đúng hạn vào ngày 9/3 vừa qua. Đây là các trái phiếu phát hành năm 2020 và đáo hạn cùng ngày. Trước đó, vào ngày 12/12/2022, Masan cũng ra thông báo đã mua lại 1.700 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
“Đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo mang rủi ro rất lớn. Các nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nên chọn mặt gửi vàng. Các doanh nghiệp có báo cáo tài chính minh bạch, có kiểm toán độc lập thì nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư. Mặt khác, ông Hiếu cũng khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp không chỉ đặt mục tiêu lãi suất cao ở hiện tại mà phải tìm "lối thoát" cho những năm sắp tới. Đối với nhà quản lý giải pháp quan trọng để bảo vệ nhà đầu tư chính là việc xếp hạng tín nhiệm đồng thời phải sử dụng nó như một công cụ bắt buộc” – Chuyên gia tài chính - Tiến sĩ Ngô Trí Hiếu |
Được biết, ngoài công bố thông tin đại chúng theo luật định, tập đoàn này thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ về chiến lược kinh doanh với các nhà đầu tư. Đây là một trong những hoạt động quan trọng khi minh bạch thông tin, được coi là chìa khóa của mọi giải pháp thúc đẩy, lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh kênh trái phiếu phát hành trong nước, Masan cũng liên tục thu hút thành công các khoản vay từ các định chế tài chính quốc tế với lãi suất hấp dẫn. Tháng 11/2022, Masan được giải ngân khoản vay 600 triệu USD, khoảng 15.000 tỷ đồng. Đây là khoản huy động hợp vốn nước ngoài có kỳ hạn 5 năm và có giá trị lớn trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Tiếp đó, ngày 10/3 vừa qua, Masan tiếp tục công bố hoàn tất chuỗi sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư vào gói tín dụng hợp vốn lên đến 650 triệu USD.
Trong năm 2023, tập đoàn do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch ước tính sẽ đạt doanh thu thuần hợp nhất khoảng 90.000 - 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18 đến 31% so với năm trước.
Tương tự Masan, cuối tháng 2 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (mã: GEX) cũng công bố mua lại một phần của 2 lô trái phiếu phát hành năm 2020, tổng giá trị mua lại hơn 150 tỷ đồng.
Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Cá Tầm Việt Nam vừa mua lại gần 620 tỷ đồng trong số 718 tỷ đồng trái phiếu đang lưu hành của lô CTVCH2224001.
Ngoài ra, các doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn giá trị đáng kể từ đầu năm 2023 đến nay còn có: Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (hơn 600 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An (175 tỷ đồng), Công ty Cổ phần xây dựng và quản lý dự án số 1 (300 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong (gần 370 tỷ đồng)...
Nhìn từ thực tế trên, các chuyên gia tài chính cho rằng, bất chấp khó khăn chung của thị trường trái phiếu, bằng cách “chọn mặt gửi vàng”, nhà đầu tư mua trái phiếu của Masan, GEX, Cá Tầm Việt Nam…vẫn được doanh nghiệp đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết, thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc.
Từ đó cho thấy, dù tồn tại những rủi ro nhất định, thị trường trái phiếu không thiếu các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Vấn đề đặt ra ở đây, là nhà đầu tư phải biết cách để chọn mua trái phiếu của các doanh nghiệp hàng đầu, có lịch sử phát triển trong nhiều năm, năng lực tài chính vững chắc được chứng minh qua uy tín hồ sơ tín dụng, khả năng tạo ra dòng tiền bền vững. Với lợi thế không phụ thuộc vào chu kỳ, dư địa tăng trưởng rộng, lựa chọn đầu tư vào các doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ được đánh giá khả quan trong thời điểm này, trường hợp của Tập đoàn Masan là minh chứng điển hình.
Với lợi thế không phụ thuộc vào chu kỳ, dư địa tăng trưởng rộng, lựa chọn đầu tư trái phiếu vào các doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ như Masan được đánh giá khá an toàn
Bản thân thị trường trái phiếu vô tội
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Lê Thu Thảo – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, bản chất trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng. Hàng năm hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế 1,4 - 1,5 triệu tỷ đồng, 45% trong đó là vốn trung và dài hạn. Như vậy, nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn. Ước tính giai đoạn 2022 - 2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội. Trong khi vốn nhà nước chỉ chiếm 25% - 26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài.
“Mặc dù đóng vai trò quan trọng trong việc cân đối hệ thống tài chính. Song, thị trường trái phiếu nước ta vẫn còn rất non trẻ, mới chỉ hơn 10 năm và chỉ phát triển tương đối nhanh, mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây, dư địa phát triển còn rất nhiều. Tuy nhiên, để thị trường này phát triển bền vững, bên cạnh Nghị định 65/2022 hay Nghị định 08/2023, Chính phủ cũng cần sớm giải quyết, xử lý những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua, để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành, kể cả doanh nghiệp. Xử lý càng nhanh càng tốt và nên công khai minh bạch kết quả” – luật sư Thảo kiến nghị.
Cũng theo luật sư Thảo, trên thực tế, thị trường trái phiếu không có lỗi, lỗi nằm ở một số doanh nghiệp chưa niêm yết nhưng phát hành số lượng lớn trái phiếu “3 không” không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm. Trong khi đó, vai trò đại diện pháp lý cho các trái chủ vẫn rất mờ nhạt và chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ.
“Tôi lo ngại rằng, trái phiếu “3 không” sẽ còn phát sinh thêm nhiều cái "không" nữa, như: không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn việc không có tài sản bảo đảm” – luật sư Thảo nói và nhấn mạnh, ở nhiều quốc gia, việc không cần báo cáo tài chính, chứng minh tài sản là bình tường nhưng với thị trường trái phiếu non trẻ như Việt Nam thì điều này chưa phù hợp.
“Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành “trái ngọt” cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư, tôi cho rằng cần sự hội tụ của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, đến từ cả cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư. Đừng để vài "con sâu làm rầu nồi canh" mà thắt chặt quá mức nhất là trong bối cảnh kinh tế cả nước đang phục hồi sau đại dịch Covid-19” – luật sư Thảo nói thêm.
Nếu như Nghị định 08, trong ngắn hạn giúp giải tỏa áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp phát hành, thì về dài hạn, doanh nghiệp phải tái cấu trúc lại mô hình kinh doanh, kéo dài thời gian thanh toán cho đối tác và rút ngắn thời gian vay đối với khách hàng.
Với các cơ quan quản lý Nhà nước cần giải quyết dứt điểm, nhanh chóng và nghiêm minh đối với những vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Đồng thời, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với thực tế thị trường để các doanh nghiệp và nhà đầu tư có cơ sở triển khai thực hiện.
Còn đối với nhà đầu tư, cần tìm hiểu kỹ lưỡng về quy định pháp luật, về thị trường vốn, thông tin về doanh nghiệp phát hành để nhận diện các rủi ro của thị trường, phòng ngừa và tránh các hệ lụy không mong muốn.
“Nhà đầu tư không nên bán trước hạn trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh tốt, đòn bẩy tài chính hợp lý, dòng tiền ổn định vì sẽ mất cơ hội kiếm lãi tốt trong tương lai” - luật sư Lê Thu Thảo – Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh |