Nhiều doanh nghiệp thủy sản không được hỗ trợ tiền điện
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ trưởng Bộ Công Thương, báo cáo và kiến nghị việc doanh nghiệp (DN) thủy sản tại nhiều tỉnh không được hỗ trợ tiền điện đợt 5 theo Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 28/8/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện đợt 5 (gọi tắt là NQ97).
Xuất khẩu cá tra Việt Nam 9 tháng đầu năm 2021 tăng 3,2%
Xuất khẩu thuỷ sản giảm hơn 40% vì Covid-19
Thủy sản Việt Nam có nguy cơ mất thị trường EU nếu ngành khai thác hải sản bị EC phạt thẻ đỏ
Theo VASEP, NQ97 (được Bộ Công Thương quy định, hướng dẫn chi tiết tại văn bản số 5411/BCT-ĐTĐL ngày 6/9/2021) là một trong những nội dung quan trọng được các DN thủy sản cảm kích và hoan nghênh.
Theo đó, DN chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phầm từ thủy sản là nhóm đối tượng được Chính phủ hỗ trợ giảm tiền điện (đợt 5), thuộc “khách hàng sử dụng điện là các nhà máy hoặc cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội (GCXH) theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại thời điểm ngày 25/8/2021”.
Tuy nhiên, trong 3-4 tuần vừa qua, nhiều DN thủy sản tại một số tỉnh (An Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bình Thuận…) bày tỏ sự thất vọng do không được địa phương hỗ trợ giảm tiền điện đợt 5 theo NQ97 và văn bản 5411/BCT-ĐTĐL kể trên.
Lý do được hầu hết ngành điện tại các tỉnh đưa ra là “tỉnh không thực hiện GCXH toàn tỉnh theo Chỉ thị 16 tại thời điểm ngày 25/8/2021”. Ví dụ như, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lý do là vì “huyện Côn Đảo” không thực hiện Chỉ thị 16, trong khi toàn bộ các khu vực còn lại của tỉnh đều thực hiện…
Chế biến thủy sản tại doanh nghiệp (Ảnh: Giang Lam). |
VASEP cho rằng, trước tháng 10/2021, các tỉnh trong cả nước áp dụng phòng chống dịch Covid-19 theo tiếp cận “zero Covid” và thực hiện đánh giá mức độ nguy cơ theo Quyết định 2686/QĐ- BCĐQG ngày 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc ban hành “quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19”.
Theo đó, có những tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 toàn tỉnh (Bình Dương, TP.HCM, Bến Tre…), những tỉnh khác thì thực hiện Chỉ thị 16 tại một số huyện/xã và Chỉ thị 15 tại một số huyện/xã khác (Tiền Giang, Sóc trăng, Bà Rịa – Vũng Tàu…)…
Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp nhất (từ cuối tháng 7 – tháng 9/2021), tại các tỉnh tập trung của ngành thủy sản (dù tỉnh áp dụng Chỉ thị 16, Chỉ thị 15 hay cả hai) thì điểm chung thứ nhất là lưu thông trong tỉnh và giữa các tỉnh đều tắc nghẽn hoặc hạn chế.
Điểm chung thứ hai là hầu hết các DN thủy sản (sử dụng nhiều lao động) đều phải thực hiện phương án sản xuất cầm chừng “3 tại chỗ”, nếu không đáp ứng thì phải ngừng sản xuất. Không có sự khác nhau về khó khăn của DN tại các tỉnh kể trên.
Việc lưu thông tắc nghẽn và hai trạng thái cầm chừng “3 tại chỗ” hay “ngừng sản xuất” của nhà máy đã khiến ngành thủy sản chịu tác động khó khăn vô cùng lớn. Đây chính là mấu chốt khiến ngành thủy sản trong giai đoạn tháng 7-9/2021 giảm 60-70% công suất, gần 70% người lao động không được đi làm, nông - ngư dân không thể tiêu thụ được nguyên liệu và phải ngừng đi biển, ngừng thả giống và kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2021 giảm 27%, tháng 9/2021 giảm 24%, tháng 10 (dự kiến) giảm trên 20%. Hệ lụy chắc chắn còn kéo dài tới năm sau và quá trình phục hồi còn khó khăn.
Theo VASEP, tại Điều 1 của NQ97 hay văn bản 5411/BCT-ĐTĐL đã nêu rõ đối tượng được hỗ trợ là các khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, cụ thể là các nhà máy, cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố thực hiện GCXH theo Chỉ thị 16. Trong hai văn bản này, không có chữ “toàn tỉnh” trong phạm vi điều chỉnh, mà tập trung theo tinh thần “đúng đối tượng” bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Việc một số cơ quan/công ty ngành điện hướng dẫn thêm về phạm vi/đối tượng được hưởng hỗ trợ tiền điện (đợt 5) của Chính phủ đã khiến không ít DN thủy sản tại nhiều tỉnh không được hỗ trợ, dù rất nhiều DN vẫn nằm tại các khu vực (huyện/xã) phải GCXH theo Chỉ thị 16 và đều phải thực hiện “3 tại chỗ” hoặc ngừng sản xuất. Điều này là hoàn toàn chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại NQ97 và văn bản 5411/BCT-ĐTĐL.
"Các hỗ trợ và 'tiếp sức' của Chính phủ cho DN vào lúc này là vô vùng có ý nghĩa, không chỉ về tinh thần mà đặc biệt cho các nỗ lực phục hồi sản xuất của cả ngành hàng. VASEP đề nghị Phó Thủ tướng và Bộ trưởng xem xét chỉ đạo để các DN thủy sản được hưởng hỗ trợ theo chính sách giảm tiền điện tại công văn 5411/BCT-ĐTĐL cho tất cả các nhà máy, cơ sở sản xuất đặt tại các khu vực có thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, không bắt buộc là nằm trong tỉnh thành có giãn cách toàn tỉnh như thông tin bổ sung của các cơ quan/công ty ngành điện" - VASEP kiến nghị.