[Phục hồi sản xuất ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ] Bài 1: Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó
Ngay từ cuối tháng 9/2021, khi dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát thì 2 tỉnh “đầu đàn” trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ là Đồng Nai và Bình Dương đã “mở cửa”. Chỉ chưa đầy một tháng, trên 90% doanh nghiệp ở 2 tỉnh này hoạt động trở lại. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động, lỗ lực… để phục hồi phát triển sản xuất.
TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19 nhanh đáng kinh ngạc
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: Hà Nội cam kết luôn đồng hành, sát cánh cùng các doanh nghiệp
TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp không phải dừng hoạt động khi phát hiện ca mắc Covid-19
Chủ động phòng chống dịch để sản xuất
Tháng 9/2021, thời điểm dịch Covid-19 ở Bình Dương diễn biến rất phức tạp, Công ty cổ phần May Bình Dương vẫn mạnh dạn tuyển chọn những lao động có tay nghề, tâm lý ổn định vào ở hẳn trong công ty để thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”.
Ông Phan Thành Đức - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Bình Dương cho biết, công ty dựa vào các điều kiện sẵn có như ký túc xá với trên 100 phòng dành cho người lao động. Khu vực nhà máy sản xuất rộng lớn, cách biệt bên ngoài bao bọc bằng hệ thống tường rào kiên cố. Đội ngũ y tế có nhiều kinh nghiệm, được tập huấn kỹ về phòng chống, xử lý khi phát sinh ca nhiễm Covid-19.
Lao động ngành may mặc, một trong những ngành chủ lực của tỉnh Bình Dương hiện đang tăng năng xuất để kịp các đơn hàng trong dịp Tết 2022. |
Cũng theo ông Phan Thành Đức, khi tỉnh Bình Dương trở lại trạng thái “bình thường mới”, 1.600/1.750 lao động (tỷ lệ 90%) của công ty trở lại làm việc sau khi đã được kiểm tra, sàng lọc Covid-19. Công ty đã kết hợp tập huấn kỹ năng sản xuất mới cho công nhân, cộng với phương pháp tự phòng chống Covid-19 cho bản thân gia đình của công nhân và nơi làm việc.
Dù đã thực hiện sàng lọc, loại trừ Covid-19 theo phương châm “sản xuất phải an toàn - an toàn mới sản xuất”, nhưng lãnh đạo Công ty cổ phần May Bình Dương vẫn chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp ứng phó, xử lý khi bất ngờ phát sinh sinh dịch trong nhà máy, xí nghiệp. Cụ thể, đội ngũ y tế thực hiện test nhanh 2 lần/tuần vào thứ 3 và thứ 6 cho tất cả người lao động, chủ động phát hiện sớm, từ xa, không để Covid-19 có cơ hội bùng phát.
Trường hợp test nhanh phát hiện ca nhiễm Covid-19 thì cô lập, xử lý khu vực xung quanh để tránh lây lan và phục hồi hoạt động sớm, không để đứt gãy sản xuất. Còn các ca F0, F1 nếu được phát hiện sẽ được đưa vào khu vực cách ly, điều trị tại chỗ. Sau đó công ty sẽ liên hệ với y tế, địa phương để đưa F0, F1 đi cách ly, điều trị theo quy định của tỉnh.
Tại tỉnh Đồng Nai, ngày 26/9, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quy định điều kiện sản xuất kinh doanh đảm bảo công tác phòng, chống Covid-19, từng bước phục hồi kinh tế - xã hội.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai giao cho doanh nghiệp quyền chủ động thực hiện phương án bảo đảm an toàn sản xuất. Việc này đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp bắt tay khôi phục và nâng cao năng lực sản xuất trong những tháng cuối năm 2021.
Theo đó, hàng loạt công ty có đông công nhân lao động như Công ty TeaKwang Vina (đóng tại khu công nghiệp Biên Hòa 2), Công ty Chang Shin Việt Nam (đóng tại khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), Công ty Pou Chen Việt Nam (đóng tại phường Hóa An, TP Biên Hòa)… lên kế hoạch phối hợp cùng ngành chức năng đón người lao động quay trở lại làm việc.
Điều kiện để đi làm là người lao động phải ở “vùng xanh” và đã tiêm vaccine phòng Covid-19 ít nhất 1 mũi sau 14 ngày, hoặc là F0 đã khỏi bệnh trong vòng 180 ngày. Những người lao động được Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai xét duyệt danh sách đi làm phải được test nhanh có kết quả âm tính với Covid-19 trước khi vào xưởng làm việc.
Lao động tại các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết hiện đang được doanh nghiệp khuyến khích ưu đãi về thu nhập và hỗ trợ sinh hoạt. |
Ngay khi tỉnh Đồng Nai có chính sách trở lại trạng thái “bình thường mới”, Công ty TNHH sản phẩm máy tính Fujitsu Việt Nam (có gần 1.500 người công nhân, đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) quyết định đưa công nhân trở lại nhà máy để sản xuất đảm bảo cho các đơn hàng. Công ty cũng đăng ký cho các lao động ở “vùng xanh” đi và về hằng ngày, đồng thời cố gắng kiểm soát thật tốt dịch bệnh.
Ông Lê Nhật Trường - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouSung VN cho biết, công ty là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai chấp thuận cho công nhân quay lại làm việc sau gần 3 tháng công ty tạm dừng sản xuất. Những công nhân có kết quả xét nghiệm âm tính công ty tiếp nhận ngay vào làm việc. Tuy vậy, số lao động thiếu hụt sau khi công ty trở lại sản xuất là rất lớn. Công ty buộc phải đào tạo, bố trí lại công nhân sản xuất cho hợp lý.
Trong khi đó, tại Khu công nghiệp Long Khánh (TP Long Khánh) các doanh nghiệp khi trở lại sản xuất sử dụng ngay số lao động tại địa phương đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19, hoặc tiêm mũi 1 được trên 14 ngày và ở trong “vùng xanh”. Các doanh nghiệp cũng đã kích hoạt lại các tổ Covid-19 để chủ động theo dõi sức khỏe của người lao động.
Xử lý F0, nơi chủ động chỗ còn lúng túng
Ông Bùi Minh Trí - Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, hiện tại tỉnh Bình Dương có 2.195 doanh nghiệp (chiếm 90,25%) với tổng số 406.768 lao động (chiếm 85%) đăng ký và hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “3 xanh” và “3 tại chỗ linh hoạt”.
“Để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động bình thường, ổn định trong điều kiện “sống chung với Covid-19”, tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ tiêm 155.637 liều vaccine (mũi 1), 109.786 liều (mũi 2) cho người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Đồng thời, đã thành lập 16 trạm y tế lưu động đi vào hoạt động với 202 giường bệnh, 193 y bác sĩ, nhân viên y tế sẵn sàng phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tiếp nhận, khám và điều trị bệnh nhân Covid-19 cho người lao động”, ông Bùi Minh Trí cho biết.
Ông Phan Thành Đức - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Bình Dương cho hay: “Thời điểm công ty thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, chi phí tăng thêm hơn 30% so với chi phí bình thường. Khi trở lại “sản xuất xanh”, tuy chi phí có giảm nhưng vẫn còn cao. Bù lại chúng tôi rút ra được nhiều bài học từ tự bảo vệ, phòng chống Covid-19 đến rút ngắn quy trình sản xuất, không để dây chuyền nào, máy nào ngừng hoạt động. Qua đó tay nghề, năng lực làm việc của người lao động đã thay đổi đáng kể”.
Ông Mai Thanh Tuyền - Chủ tịch Công đoàn Công ty Shanghun Cheng (đóng tại phường An Thanh, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, với trên 10.000 lao động) cho biết: “Lo lắng lớn nhất với công ty hiện nay là khi phát sinh ca nhiễm F0 trong công ty nhưng không được các cơ sở y tế sẵn sàng tiếp nhận. Dù công ty đã thành lập đủ các bộ phận sẵn sàng cho “sản xuất xanh” như hướng dẫn của tỉnh”.
Cũng theo ông Mai Thanh Tuyền, hiện tại nhiều ca F0 đã được các công ty phát hiện và bóc tách, lưu giữ mấy ngày tại công ty. Tuy nhiên, việc kêu gọi lực lượng y tế địa phương hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn. Hoặc khi có lực lượng y tế tiếp nhận F0 thì cũng rất chậm, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất chung.
“Giải quyết các vấn đề y tế là trách nhiệm chứ không phải nghiệp vụ chuyên môn của doanh nghiệp”, ông Mai Thanh Tuyền nhận xét.
Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Nai trong quá trình các doanh nghiệp trở lại sản xuất, có không ít doanh nghiệp lớn đã phát sinh các ổ dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Thuộc - Bí thư Huyện ủy Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai) cho biết, trong tháng 10/2021 số ca F0 liên quan đến các công ty trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu lên tới khoảng 1.000 trường hợp, tất cả xã, thị trấn đều phát sinh các ca F0. Cụ thể, tại Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam với gần 500 ca, Công ty TNHH Giày Việt Vinh với gần 100 ca. Một số công ty khác đóng trên địa bàn xã Hố Nai 3, thuộc khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom cũng phát sinh nhiều ca F0.
Ông Lê Văn Danh - Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, tính đến nay (ngày 10/11), toàn tỉnh có 1.661/1.713 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đã trở lại hoạt động với hơn 537.000 lao động/tổng số 615.000 lao động. Hiện còn 52 doanh nghiệp đang tạm ngưng hoạt động, tương ứng với hơn 2,2 ngàn người lao động.
Trong những ngày qua, Ban quản lý liên tục tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19 trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có lao động đi về hằng ngày. Qua kiểm tra cho thấy các doanh nghiệp đã triển khai tốt việc chia ca, kíp, luân phiên ăn giữa ca, phun khử khuẩn…
“Tuy nhiên, việc quét mã QR trong doanh nghiệp còn thấp. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, Ban quản lý các khu công nghiệp đang làm việc với 31 khu công nghiệp trong tỉnh để triển khai các trạm y tế lưu động. Đồng thời trao đổi với Sở Y tế để triển khai cách ly F0 của doanh nghiệp tại nhà sao cho hiệu quả” - ông Lê Văn Danh cho biết.
Trước tình hình đó, ngày 10/11, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ đạo Ban Quảng lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai phải thành lập ngay các trạm y tế lưu động để kịp thời xử lý khi có ca F0 trong doanh nghiệp.
(Còn nữa)