Sản xuất, kinh doanh khốn đốn vì thiếu điện

(Tieudung.vn) - Tình trạng cắt điện luân phiên tại các địa phương đang khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đảo lộn, ngưng trệ, chi phí đội lên cao... Để đảm bảo duy trì sản xuất, doanh nghiệp m

Sản xuất, kinh doanh khốn đốn vì thiếu điện

Sản xuất, kinh doanh khốn đốn vì thiếu điện
Tình trạng cắt điện luân phiên tại các địa phương đang khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đảo lộn, ngưng trệ, chi phí đội lên cao... Để đảm bảo duy trì sản xuất, doanh nghiệp mong muốn ngành điện có phương án cân đối nguồn điện ưu tiên cho những ngành đặc thù.

Sản xuất ngưng trệ, đội chi phí

Những ngày này, anh Nguyễn Văn Chữ - Chủ tịch chuỗi sạch Organic Green như ngồi trên đống lửa khi nhìn vào lịch cắt điện luân phiên dày đặc. Bởi doanh nghiệp của anh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm sạch, vì vậy nguồn điện rất cần cho các kho bảo quản thực phẩm tươi sống.

Anh Chữ , mặc dù cơ sở đã trang bị máy phát điện nhưng chỉ đủ duy trì một số hoạt động cơ bản và khu văn phòng, không đảm bảo được hệ thống cấp đông, bảo quản sản phẩm. Nếu mất điện lâu, doanh nghiệp có thiệt hại tới hàng chục tỷ đồng. Bởi mặt hàng thực phẩm tươi sống cần được bảo quản trong nhiệt độ thấp, nếu không được bảo quản sẽ bị giã đông và ảnh hưởng chất lượng.

Sản xuất, kinh doanh khốn đốn vì thiếu điện

Kho bảo quản thực phẩm tại chuỗi thực phẩm Organic Green

Ngoài ra, cũng vì mất điện, nên nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp này cũng phải tạm dừng hoạt động. Ngừng hoạt động khiến công ty không đủ hàng giao cho các đại lý. “Lịch cắt điện không phải chỉ luân phiên 1-2 tiếng, mà cắt cả ngày cả đêm, nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty” – anh Chữ bức xúc.

Cũng đứng ngồi không yên vì lịch cắt điện luân phiên dày đặc, trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng của Đào Quang Vĩ ở thôn Quế Sơn, xã Tân Ước, Thanh Oai hiện đang bị đội chi phí thêm 2 triệu mỗi ngày vì tiền dầu chạy máy phát điện. Anh Đào Quang Vĩ cho hay, trang trại của gia đình anh hiện đang chăn 20.000 con gà đẻ. Đối với việc chăn nuôi gà đẻ, nhiệt độ chuồng nuôi rất quan trọng, luôn luôn phải duy trì nhiệt độ từ 28 – 30 độ. Nếu chỉ cần mất điện quá nửa tiếng là cả đàn gà không sống nổi. Tuy nhiên, từ đầu mùa nóng đến nay, tại địa phương của anh liên tục cắt điện luân phiên, cách 1 ngày sẽ cắt điện. Để không ảnh hưởng đến sản xuất, gia đình anh phải đầu tư mua 2 dàn máy phát điện có giá gần 200 triệu đồng. “Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá trứng rẻ, lại thêm giá dầu chạy máy phát… trung bình mỗi ngày trang trại của tôi phải bù lỗ gần 10 triệu đồng. Với đà này, tôi không chắc sẽ duy trì trang trại được lâu” – anh Vĩ chán nản nói.

Việc cắt điện, thiếu điện cũng khiến các làng nghề lao đao. Tại làng nghề miến dong xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai hiện có hơn 60 hộ sản xuất làm miến, nhưng từ đầu mùa nóng tới nay, công việc sản xuất của làng nghề liên tục bị gián đoạn do không có điện.

Anh Dương Đình Khôi – chủ cơ sở sản xuất miến dong Dương Kiên chia sẻ, cơ sở của anh hiện có hơn 30 lao động, tuy nhiên do nguồn điện không ổ định nên anh buộc tạm dừng sản xuất gần 1 tuần nay. “Nguồn điện với làng nghề rất quan trọng, bởi sản xuất hiện nay chủ yếu bằng máy móc, dây chuyền. Tuy nhiên, nhiều hôm bên điện lực cắt điện nhưng không báo trước, khiến cơ sở trở tay không kịp. Chúng tôi có trang bị máy phát điện, nhưng chi phí mỗi ngày phải mất thêm 500 – 700 ngàn đồng/ngày. Hơn nữa, nguồn điện của máy phát không ổn định và tiếng ồn lớn, nên ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất” – anh Khôi bức xúc chia sẻ.

Cân đối, tính toán nguồn điện ưu tiên

Lý giải về lý do cắt điện hiện nay, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như EVN giải thích do lượng điện tăng vọt vì . Lượng tiêu thụ điện bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh một ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4. Riêng ngày 19/5 lượng tiêu thụ gần 924 triệu kWh, mức co nhất từ đầu năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ. Công suất tiêu thụ cực đại cũng đạt đỉnh ở 44.600 MW và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất, kinh doanh khốn đốn vì thiếu điện

Trang trại chăn nuôi gà đẻ Hà Vĩ (Thanh Oai)

Chúng tôi chia sẻ với khó khăn của ngành điện và hưởng ứng tinh thần chung cần tiết kiệm điện bằng cách có các giải pháp tình thế chuyển sản xuất vào giờ cao điểm sang thấp điểm, hoặc dùng máy phát điện. Song, đây chỉ là giải pháp tính thế, bởi nếu kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp thêm gánh nặng chi phí, gián đoạn sản xuất trong lúc kinh tế khó khăn hiện nay. Ngành điện nên có tính toán nguồn điện ưu tiên cho sản xuất. Chủ tịch Chuỗi thực phẩm Organic Green Nguyễn Văn Chữ kiến nghị

Chia sẻ với khó khăn của ngành điện hiện nay, song các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho rằng kế hoạch và phương án cắt giảm điện cần được tính toán để ưu tiên cao cho sản xuất. Việc thiếu điện này chỉ là tạm thời, nếu kéo dài, doanh nghiệp sẽ gặp khó với bài toán chi phí.

Anh Nguyễn Văn Chữ - Chủ tịch chuỗi thực phẳm Organic Green cho rằng, thực hành sản xuất tiết kiệm điện luôn được công ty chấp hành nghiêm. Tuy nhiên, ngành điện lực cũng cần tính toán nguồn điện ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, nhất là nơi có số lượng khu công nghiệp, khu chế xuất lớn.

Trên thực tế, tại một số đia phương đã lên phương cân đối lịch cắt điện trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể, như tại Bắc Giang, từ ngày 6/6, địa phương này áp dụng phương án ưu tiên cấp điện cho sản xuất bào ban ngày (7 giờ 45 – 17 giờ), còn điện sinh hoạt, dân sinh vào ban đêm. Các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp có đơn hàng gấp thì đăng ký với Ban quản lý các khu công nghiệp, ngành điện và sản xuất 0-5 giờ sáng.

Doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp sử dụng chung đường điện dân sinh, điện lực sẽ khảo sát cụ thể, giải quyết cho từng doanh nghiệp theo khả năng phù hợp. Phương án cấp điện này trước mắt áp dụng trong 20 ngày, sau đó tùy tình hình sẽ tiếp tục điều chỉnh.

Tương tự, tại Quảng Ninh cũng tính toán ưu tiên cấp điện cho các đơn vị, hộ kinh doanh du lịch, khách sạn.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chiến lược huy động trong thời gian này vẫn duy trì vận hành tối đa nguồn than, dầu khí và năng lượng tái tạo để giữ mực nước các hồ thủy điện và nâng dần mực nước các hồ lớn phía Bắc. Ngoài tiết kiệm, ngành điện cũng vận động khách hàng điều chỉnh thời gian sử dụng vào các giờ cao điểm nắng nóng và tham gia chương trình giảm phụ tải. Hiện có khoảng 11.000 khách hàng là doanh nghiệp tham gia chương trình này, ước tính lượng điện tiết kiệm mỗi ngày khoảng 20 triệu kWh, tương đương 2,5% điện năng tiêu thụ.

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, hệ thống điện được đánh giá đang trong tình trạng “cực kỳ khẩn cấp”. Báo cáo gần đây nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam gửi Chính phủ về tình hình cung ứng điện cho hay, nguồn cung ứng điện ở miền Bắc có thể thiếu hụt 8.000MW. Đây là mức cao hơn nhiều so với trước đó là 5.000MW và cao hơn cả tháng 3/2022 khi công suất thiếu hụt chỉ là 1.300MW.