SCG công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với đà phục hồi và sẵn sàng nắm bắt cơ hội
Kết quả hoạt động kinh doanh quý 2/2023 của SCG cho thấy dấu hiệu phục hồi nhờ việc nhanh chóng điều chỉnh các kế hoạch hoạt động kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc tăng trưởng chậm.
SCG công bố kết quả kinh doanh Quý 3/2022
Nhựa Bình Minh lọt vào Top 50 công ty niêm yết tốt nhất 2022
Lãnh đạo Tập đoàn SCG tiếp kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
SCG đã sẵn sàng nắm bắt các cơ hội từ sự phục hồi của thị trường toàn cầu, tập trung vào 4 chiến lược kinh doanh phù hợp với các đại xu hướng trên thế giới, cụ thể là: Sản xuất hạt nhựa chất lượng cao tại tổ hợp hóa dầu lớn nhất Việt Nam để cung cấp cho thị trường trong khu vực; sản xuất nhựa sinh học từ vụn gỗ bạch đàn có khả năng phân hủy sinh học; cung cấp phương tiện truyền nhiệt từ năng lượng sạch cho các ngành công nghiệp giảm thiểu carbon; và tập trung phát triển SCG Decor trở thành thương hiệu số một tại Đông Nam Á.
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SCG (bên trái) và Ông Thammasak Sethaudom, Phó Chủ tịch của SCG (bên phải)
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn SCG, cho biết: “Trước sự phục hồi chậm của nền kinh tế toàn cầu, Trung Quốc và khu vực ASEAN, SCG đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo hướng giảm chi phí, chuyển đổi sang năng lượng sạch và phát triển các sản phẩm và dịch vụ giá trị gia tăng cao (HVA) và các sản phẩm xanh. Cùng với nền kinh tế đang dần phục hồi của Thái Lan nhờ vào du lịch, thị trường vật liệu xây dựng cũng cải thiện tại các thành phố du lịch, tập đoàn đã có kết quả hoạt động khả quan hơn so với quý trước. Trong quý 2/2023, báo cáo doanh thu bán hàng đạt 85,7 nghìn tỷ đồng (3,7 tỷ đô la Mỹ), lợi nhuận trong kỳ đạt 5,6 nghìn tỷ đồng (238 triệu đô la Mỹ) và lợi nhuận loại trừ các khoản mục bất thường đạt 3,6 nghìn tỷ đồng (154 triệu đô la Mỹ), tăng 14% so với quý trước, chủ yếu là do khối lượng bán polyolefin từ SCGC tăng lên và giảm chi phí năng lượng. Tập đoàn SCG sẵn sàng nắm bắt cơ hội từ sự phục hồi của thị trường toàn cầu bằng cách tăng tốc 04 chiến lược kinh doanh bắt nhịp với 04 đại xu hướng trên thế giới, bao gồm: Tổ hợp hóa dầu lớn nhất Việt Nam được đưa vào hoạt động, là đơn vị sản xuất chiến lược giàu tiềm năng trong khu vực ASEAN. Dự án cung cấp đa dạng các sản phẩm hóa dầu từ thượng nguồn đến hạ nguồn phục vụ tệp khách hàng đã có sẵn trên thị trường toàn cầu; Hợp tác với các doanh nghiệp toàn cầu hàng đầu nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm bền vững để tăng cường các đổi mới xanh, phù hợp với nhu cầu thị trường toàn cầu và xu hướng ESG. Một trong các sáng kiến nổi bật là “Nhựa sinh học từ vụn gỗ bạch đàn”, sử dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất nguyên liệu thô cho nhựa phân huỷ sinh học Bio-PET; Đầu tư vào công nghệ cho phương tiện truyền nhiệt, giúp lưu trữ nhiệt từ năng lượng sạch và có thể hoạt động ở nhiệt độ trên 1.000 độ C. Đây là thành phần chính của pin nhiệt Rondo, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp xanh đang phát triển hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không (Net Zero); Chuẩn bị cho SCG Decor gia nhập thị trường chứng khoán với mục tiêu dẫn đầu thị trường ASEAN về vật liệu trang trí bề mặt và sứ vệ sinh. Nổi bật có thể kể đến là sáng kiến Phòng tắm thông minh (Smart Bathroom) được ước tính có giá trị thị trường ASEAN lên tới 1,6 nghìn tỷ đồng vào năm 2026.”
Ban lãnh đạo cấp cao của SCG
Ông Thammasak Sethaudom, Phó Chủ tịch Tập đoàn SCG, cho biết: “SCG đã quản lý thành công chi phí năng lượng trong bối cảnh giá cả biến động. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất xi măng tại Thái Lan đã tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng thay thế một cách đáng kể, lên đến 40%. Ngoài ra, SCG Cleanergy, đơn vị cung cấp dịch vụ mua bán điện toàn diện cho khu vực công, doanh nghiệp và công nghiệp, tiếp tục phát triển, đạt công suất sản xuất 231 megawatt vào quý 2/2023. Hạng mục nổi bật của công ty là mạng lưới điện Smart Grid đã được đưa vào vận hành tại Saha-Union Group, Bangpakong, Thái Lan. Đồng thời, SCG đã đầu tư vào Rondo Energy, công ty khởi nghiệp về năng lượng sạch toàn cầu đến từ Hoa Kỳ, để cùng sản xuất phương tiện truyền nhiệt có khả năng lưu trữ nhiệt ở nhiệt độ cao hơn 1.000 độ C. Đây là thành phần quan trọng của pin nhiệt Rondo lưu trữ năng lượng mặt trời dưới dạng nhiệt để sử dụng trong các ngành công nghiệp trên toàn thế giới, nhằm đạt được Phát thải ròng bằng không (Net Zero), phù hợp với chiến lược ESG. Hơn nữa, SCG đã hợp tác cùng Thai Beverage (ThaiBev) và Frasers Property đã đầu tư vào NocNoc, nền tảng thương mại điện tử dành cho các sản phẩm và dịch vụ gia đình và nhà ở, để mở rộng kinh doanh tại Thái Lan và ASEAN, đặt mục tiêu tăng trưởng 101,4 tỷ đồng vào cuối năm 2023.”
SCG Cleanergy, nhà cung cấp các dịch vụ giải pháp năng lượng sạch toàn diện
Ông Tanawong Areeratchakul, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty TNHH SCG Chemicals, hay còn gọi là SCGC (ngành hóa dầu của tập đoàn SCG), cho biết: “Tổng doanh thu của SCGC đã cải thiện hơn so với quý trước nhờ sự tăng trưởng doanh số bán polyolefin và chênh lệch giá của một số sản phẩm hóa dầu tăng. Ngoài ra, tổ hợp hoá dầu LSP ở Việt Nam hiện đang thử nghiệm các hệ thống trongnhà máy để phục vụ cho công tác vận hành thương mại sau này. Đồng thời, chúng tôi đã hợp tác với hai công ty hàng đầu về nhựa xanh toàn cầu là Avantium N.V. từ Hà Lan và IHI từ Nhật Bản để xây dựng nhà máy thí điểm chuyển đổi khí CO2 thành các sản phẩm hóa dầu thân thiện với môi trường và phát triển thành các nguyên liệu thô thay thế khác dựa trên những nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn. Điều này sẽ góp phần giảm lượng khí thải CO2 vào khí quyển.”
Ông Nithi Patarachoke, Chủ tịch ngành xi măng - vật liệu xây dựng của SCG, cho biết: “Sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế khu vực ASEAN đã ảnh hưởng đến tổng doanh thu của các hoạt động kinh doanh cốt lõi, bên cạnh việc loại trừ doanh thu của SCG Logistics - do doanh nghiệp này sáp nhập với JWD trong quý 1/2023. Tuy nhiên, nhu cầu dự kiến sẽ tăng trở lại, đặc biệt đối với các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, đáp ứng nhu cầu về phong cách sống mới, ưu tiên hiệu quả về chi phí, tiện lợi, an toàn và thân thiện với môi trường. Tại thị trường ASEAN với dân số hơn 560 triệu người, SCG đang sẵn sàng nắm bắt cơ hội đưa SCG Decor gia nhập sàn chứng khoán với mục tiêu trở thành thương hiệu hàng đầu khu vực ASEAN. Sáng kiến Phòng tắm thông minh của SCG Decor ước tính có giá trị thị trường ASEAN lên tới 1,6 nghìn tỷ đồng vào năm 2026.
Sản xuất hạt nhựa chất lượng cao của Tổ hợp Hóa dầu LSP
Ông Wichan Jitpukdee, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bao bì SCG, hay còn gọi là SCGP, ngành bao bì của tập đoàn SCG, chia sẻ: "Kết quả hoạt động của quý 2/2023 cho thấy sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của doanh nghiệp, nhờ vào việc triển khai chiến lược quản lý chi phí hiệu quả. Đồng thời, SCGP đang đầu tư vào phát triển các sáng kiến và giải pháp mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện tại, chúng tôi đang phát triển nhựa sinh học từ vụn gỗ bạch đàn cùng với công ty Origin Materials - công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ. Kết quả thử nghiệm mới nhất đã thành công ở giai đoạn 1 - thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, và ở giai đoạn 2 - tối ưu hóa sản xuất. Chúng tôi đang tiến hành giai đoạn 3, bao gồm nhà máy thử nghiệm và lựa chọn đối tác để phát triển công nghệ tiếp theo. Ngoài ra, SCGP đang nghiên cứu và phát triển bao bì thực phẩm tự phân huỷ từ gỗ bạch đàn, phù hợp với xu hướng sử dụng bao bì thân thiện với môi trường trong ngành thực phẩm. Điều này làm tăng thêm giá trị của gỗ bạch đàn và lợi ích cho tất cả các bên liên quan, từ khâu trồng đến chế biến gỗ bạch đàn, góp phần vào việc tạo ra nguồn thu nhập bền vững và thân thiện với môi trường."
Tổ hợp hoá dầu LSP tại Việt Nam
Kết quả hoạt động chưa qua kiểm toán của SCG trong Quý 2/2023 như sau: Doanh thu Bán hàng của SCG ghi nhận đạt 85,7 nghìn tỷ VND (3,7 tỷ USD), giảm 3% so với quý trước. Doanh thu bán hàng của Ngành Kinh doanh Xi măng - Vật liệu Xây dựng và SCGP giảm. Trong khi đó, SCGC có sự tăng trưởng doanh thu bán hàng so với quý trước do khối lượng hàng bán tăng mạnh. Lợi nhuận sau thuế của SCG đạt 5,6 nghìn tỷ VND (238 triệu USD), giảm 51% so với quý trước, chủ yếu là do số lãi phát sinh từ việc điều chỉnh khoản đầu tư về giá trị hợp lý từ giao dịch sáp nhập SCG Logistics và JWD trong quý trước. Lợi nhuận không bao gồm các khoản phát sinh đạt 3,6 nghìn tỷ VND (154 triệu USD), tăng 14% so với quý trước, chủ yếu nhờ vào thu nhập cổ tức từ lĩnh vực kinh doanh đầu tư (kinh doanh ô tô).