Tiếp vụ hàng loạt ngân hàng sai phạm: Ngân hàng Bắc Á cho loạt công ty “họ" TH vay vốn dù chưa đủ điều kiện
Thanh tra Chính phủ phát hiện Ngân hàng Bắc Á (BacABank; mã chứng khoán: BAB) có nhiều vi phạm trong việc thẩm định, phê duyệt cho vay với các doanh nghiệp trong hệ sinh thái “họ TH” thuộc Tập đoàn TH.
Tiếp vụ hàng loạt ngân hàng sai phạm: Chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án vẫn được VietABank cho vay
Kỳ vọng gì khi ngân hàng được nới room tín dụng?
Tiền dư dả, ngân hàng sốt ruột giảm lãi suất, mở rộng cho vay
Kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017, theo đó cũng lộ ra việc BacABank đã có nhiều thiếu sót, sai phạm, như giải ngân vốn cho chủ đầu tư thực hiện dự án khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa đủ điều kiện huy động vốn.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ cho biết, theo báo cáo của BacABank, tại thời điểm 31/12/2017, nợ xấu chiếm tỷ lệ 0.62%, tương ứng 427.7 tỷ đồng, nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu là 2.1%, tương ứng 1,030 tỷ đồng. Đến 30/06/2018, nợ xấu là 452 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 0.68%, nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu là 1.54%, tương ứng 1,034 tỷ đồng.
Kiểm tra hồ sơ cấp tín dụng của 11 khách hàng với tổng dư nợ tại thời điểm 31/8/2018 là 6,626 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ của ngân hàng, trong đó có 01 khách hàng đã bán nợ cho VAMC (Công ty TNHH Hùng Vương Huế), 01 khách hàng được cơ cấu giữ nguyên nợ nhóm 1 (Công ty CP Sông Lam Nghệ An) và 09 khách hàng nợ nhóm 1, kết quả cho thấy:
Nhiều thiếu sót, vi phạm của BacABank vừa được Thanh tra Chính phủ đề cập tại thông báo kết luận về trách nhiệm trong thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu giai đoạn 2013 - 2017
Trong việc thẩm định điều kiện cho vay vốn: Khách hàng chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện về tính khả thi, hiệu quả của dự án khi phê duyệt cho vay; chưa đáp ứng điều kiện “có khả năng tài chính để trả nợ” theo quy định tại Quyết định 1627 và Thông tư 39 của NHNN (Công ty CP Thực phẩm sữa TH, Công ty TNHH XNK công nghệ xanh quốc tế; Công ty CP Sữa TH; Công ty CP Logistic SC; Công ty CP Dược liệu TH; Công ty CP nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quốc tế Công ty TNHH Hùng Vương Huế), trong đó có một số khách hàng âm vốn chủ sở hữu (như: Công ty CP Sữa TH; Công ty CP chuỗi thực phẩm TH âm vốn CSH; Công ty TNHH XNK công nghệ xanh quốc tế âm VCSH;...). Khách hàng thuộc đối tượng hạn chế cho vay theo quy định của BacABank (Công ty TNHH Hùng Vương Huế); xác định thời hạn cho vay, phương thức trả nợ chưa phù hợp với tình hình dự án (Công ty CP Dược liệu TH); cho vay thực hiện dự án theo hình thức cho vay từng lần, khó khăn trong việc theo dõi vốn tự có tham gia dự án (Công ty CP đầu tư phát triển nguyên liệu vùng đông bắc Nghệ An).
Về tài sản bảo đảm, quy định nội bộ của BacAbank chưa quy định biện pháp bảo đảm tiền vay, thẩm định tài sản bảo đảm tiền vay đối với trường hợp cho vay không có tài sản đảm bảo và quy định nội bộ chưa gửi báo cáo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo Thông tư 39 của NHNN. BacABank phê duyệt cho vay không có tài sản bảo đảm (TSBĐ) đối với một số khoản vay trong khi tình hình tài chính của khách hàng khó khăn, kết quả kinh doanh lỗ (Công ty CP chuỗi thực phẩm TH: Công ty TNHH XNK công nghệ xanh quốc tế: Công ty CP Sữa TH; Công ty CP chuỗi cung ứng quốc tế; Công ty CP đầu tư phát triển nguyên liệu vùng đông bắc Nghệ An).
Bên cạnh đó, TSBĐ chưa đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định (Công ty CP Thu phẩm sữa TH Công ty CP nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quốc tế); TSBĐ là khoản phải thu nhưng tại một số thời điểm dư nợ phải thu thấp hơn dư nợ vay (Công ty CP Thực phẩm sữa TH); TSBĐ là quyền đòi nợ nhưng tình hình tài chính của bên có nghĩa vụ thanh toán khó khăn, kết quả kinh doanh lỗ, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ (Công ty CP chuỗi cung ứng quốc tế: Công ty CP đầu tư phát triển nguyên liệu vùng đông bắc Nghệ An).
Về phân loại nợ, trong quá trình vay vốn có một số kỳ trả nợ, khách hàng chậm trả nợ gốc, lãi theo hợp đồng tín dụng, nhưng ngân hàng không kịp thời chuyển nợ quá hạn theo quy định tại Điều 18, Điều 20 Thông tư số 39 (Công ty CP Thực phẩm sữa TH; Công ty CP chuỗi thực phẩm TH; Công ty CP Sữa TH; Công ty CP chuỗi cung ứng quốc tế; Công ty CP Logistic SC; Công ty CP nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quốc tế). Theo Thông tư 02 của NHNN, các khách hàng chậm trả nợ nêu trên phải chuyển nhóm nợ khi quá hạn. Tuy nhiên, tại thời điểm 31/8/2018 và liên tục các kỳ trả nợ tiếp theo (tháng 9, 10, 11/2018) BacABank báo cáo các khách hàng thực hiện trả nợ gốc, lãi đúng hạn.
Cơ cấu nợ khi khách hàng không có phương án trả nợ mới khả thi, phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định tại Thông tư 09/2014/TT-NHNN (Công ty CP Sông Lam Nghệ An). Tại thời điểm thanh tra (31/8/2018), BacABank phân loại nợ nhóm 1, Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của NHNN thì phải chuyển sang nợ nhóm 3. Sau khi kết thúc thanh tra trực tiếp, BacABank báo cáo đã khắc phục chuyển nhóm nợ đối với Công ty CP Sông Lam Nghệ An sang nợ nhóm 3 từ thời điểm tháng 29/11/2018 và trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu theo quy định (Công văn số 55/2018 BacABank TTKD ngày 7/12/2018)
Trong việc giải ngân, chứng từ sử dụng vốn vay chưa phù hợp (Công ty CP chuỗi thực phẩm TH); giải ngân thanh toán tiền mua hàng nhưng hàng tồn kho không thể hiện trên BCTC (Công ty CP chuỗi cung ứng quốc tế, giải ngân khi dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý theo quy định, chưa được cấp Giấy phép xây dựng (Công ty CP Dược liệu TH).
Theo báo cáo của NHNN, đến thời điểm 10/10/2021 có 05/11 khách hàng đã tất toán; 01 khách hàng bán nợ VAMC (Công ty TNHH Hùng Vương Huế); 04 khách hàng còn dự nợ: Công ty CP Sông Lam Nghệ An, dư nợ: 247 tỷ đồng, nợ nhóm 5; Công ty CP Dược liệu TH, dư nợ: 85 tỷ đồng, nợ nhóm 1; Công ty CP đầu tư phát triển nguyên liệu vùng đông bắc Nghệ An, dư nợ: 217 tỷ đồng, nợ nhóm 1; Công ty CP Thực phẩm sữa TH, dư nợ: 91 tỷ đồng, nợ nhóm 1; Công ty TNHH XNK công nghệ xanh quốc tế, dư nợ: 175 tỷ đồng, nợ nhóm 1.
Ngoài BacABank, qua kiểm tra, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện nhiều ngân hàng cấp tín dụng có những thiếu sót, vi phạm trong việc thẩm định điều kiện vay vốn, giải ngân khi dự án chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý, số liệu báo cáo tài chính sai lệch, không kiểm soát được việc sử dụng vốn thực tế đầu tư vào dự án, dự án chậm triển khai...tiềm ẩn nhiều rủi ro. (còn nữa)