Tín dụng chính sách, điểm tựa lập nghiệp của thanh niên

(Tieudung.vn) - Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, hàng nghìn thanh niên trên địa bàn Hà Nội có vốn để sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, làm giàu trên chính quê hương, đồng thời tạo việc làm, góp phần làm giảm

Tín dụng chính sách, điểm tựa lập nghiệp của thanh niên

Tín dụng chính sách, điểm tựa lập nghiệp của thanh niên
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, hàng nghìn thanh niên trên địa bàn Hà Nội có vốn để sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, làm giàu trên chính quê hương, đồng thời tạo việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp ở địa phương.

Nuôi chí lớn từ đồng vốn nhỏ

Mỗi năm tỷ lệ thanh niên bước vào tuổi lao động cao nên công tác đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm cho thanh niên luôn được Nhà nước quan tâm, dành nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có chính sách ưu đãi về tín dụng.

khoi-nghiep
Anh Nguyễn Quang Hinh, thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện Mỹ Đức.

Như nhiều thanh niên khác, anh Vũ Văn Đăng (Phùng Xá, Mỹ Đức) chới với trong việc định hướng nghề nghiệp, cũng như tương lai của bản thân, phần vì chưa có nghề, phần vì không có vốn. Anh Đăng , quê hương Phùng Xá có nghề dệt truyền thống, nhưng vì gia đình khó khăn nên việc tự mở cơ sở sản xuất riêng chỉ là ước mơ. Nhưng may mắn, anh được tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách (NHCSXH) huyện Mỹ Đức, anh đã có điều kiện mua máy dệt, mở rộng sản xuất.

“Hiện nay gia đình tôi đang có 4 máy dệt tạo việc làm cho 2 vợ chồng  và thuê thêm 1 lao động địa phương. Thu nhập của 2 vợ chồng sau khi trừ chi phí cũng được trên 20 triệu đồng/tháng, đủ chi phí cho các con ăn học và mua sắm các tiện nghi sinh hoạt cho gia đình. Từ hộ nghèo, giờ gia đình tôi đã lên hộ khá” – anh Đăng bộc bạch.

Cũng may mắn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, anh Nguyễn Quang Hinh, thanh niên làm kinh tế giỏi của huyện Mỹ Đức vui vẻ khoe với chúng tôi cơ ngơi khang trang của gia đình. Theo anh Hinh, trước đây, gia đình anh thuộc hộ khó khăn, được NHCSXH huyện cho vay từ 10 triệu, 20 triệu rồi lên 50 triệu đồng, và hiện giờ anh đang vay 70 triệu đồng. Anh đã đầu tư mua máy, nguyên liệu để dệt khăn mặt, không những thế, anh còn cung cấp sợi, nguyên liệu cho các cơ  sở sản xuất trong vùng.

Hiện cơ sở của anh đã tạo việc làm ổn định cho 3 người trong gia đình và thuê thêm 5 lao động của xã. Nhờ năng động, tháo vát nắm bắt thị hiếu , các sản phẩm gia đình anh Hinh làm ra được tiêu thụ các tỉnh và còn xuất khẩu ra nước ngoài. “Mặc dù số tiền vay không phải là lớn nhưng nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự giúp thanh niên nông thôn chúng tôi phát triển kinh tế, thoát nghèo ngay trên quê hương mình” - anh Hinh cho biết.

Bí Thư Đoàn Thanh niên phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) Ngô Thị Nhàn cho biết, càng ngày càng nhiều thanh niên phát triển kinh tế, làm giàu trên chính quê hương mình nhờ vay vốn NHCSXH. Hiện Đoàn Thanh niên phường đã ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH quận Nam Từ Liêm và đang quản lý 5 tổ Tiết kiệm và vay vốn với hơn 240 người vay, số dư nợ trên 18 tỷ đồng, người vay vay vốn, sử dụng có hiệu quả và trả gốc, lãi rất đúng hạn.

Người vay kinh doanh rất đa dạng, có người đầu tư làm nghề bún truyền thống, có người kinh doanh tạp hóa, quần áo, mĩ phẩm… Nhờ được vay vốn của NHCSXH, nhiều thanh niên đã tự mở cửa hàng kinh doanh, không phải đi làm thuê; không chỉ tạo việc làm cho bản thân và gia đình mà còn thuê thêm lao động trên địa bàn.

Quản lý nâng cao chất lượng nguồn vốn

Theo thống kê của NHCSXH Hà Nội, đến ngày 26/3/2024, Chi nhánh đang có dư nợ đạt gần 14.650 tỷ đồng với 16 chương trình cho vay và gần 267.000 khách hàng vay vốn. Trong đó, số khách hàng trong độ tuổi thanh niên chiếm 10% dư nợ. Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho đào tạo nghề, phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm cho các đối tượng là thanh niên. Các chương trình tín dụng lớn như: chương trình tín dụng hộ nghèo; chương trình tín dụng hộ cận nghèo; chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo; chương trình cho vay giải quyết việc làm; chương trình tín dụng đối với vùng khó khăn; chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Hà Nôi Đặng Đức Hạnh cho biết, đa số khách hàng thanh niên đều có đầu óc kinh doanh, năng động và sử dụng vốn rất hiệu quả, đúng mục đích. Đặc biệt là nguồn vốn chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nhiều thanh niên làm kinh tế giỏi tạo việc làm cho thành viên trong gia đình và thuê thêm lao động trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự là điểm tựa cho thanh niên lập thân, lập nghiệp trong thời đại mới.

Vốn tín dụng chính sách đã giúp tạo việc làm cho nhiều thanh niên, song theo NHCSXH, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của thanh niên và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, hiệu quả thực hiện tín dụng chính sách đối với thanh niên chưa cao, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là, nhiều thanh niên khởi nghiệp chưa qua đào tạo nghề, lập nghiệp tự phát. Đối với doanh nghiệp của thanh niên khởi nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính thấp, không có tài sản thế chấp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp.

Nhằm tiếp tục khẳng định vai trò là điểm tựa cho thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp, thời gian tới, NHCSXH Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi tới các đoàn viên, thanh niên trong thành phố. Đồng thời phối hợp với Thành đoàn, các tổ chức chính trị xã hội tập huấn cho cán bộ Đoàn ở cơ sở, các Tổ tiết kiệm và vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác, giúp thanh niên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để có điều kiện học tập, phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng quê hương.