TP Hồ Chí Minh: 43 dự án tranh tài vòng bán kết Cuộc thi dự án Khởi nghiệp xanh 2023
Trong hai ngày 17 và 18/10, tại Trường Chính sách công và phát triển nông thôn (số 45 Đinh Tiên Hoàng, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) diễn ra vòng bán kết Cuộc thi dự án khởi nghiệp xanh lần 9 – 2023.
26 đội tranh tài tại bán kết cuộc thi dự án khởi nghiệp Xanh 2023
Hình thành thị trường tín chỉ carbon: Giải bài toán nguồn vốn cho kinh tế xanh ở Việt Nam
Du lịch golf: "Mỏ vàng" khai thác còn khiêm tốn
Đây là vòng bán kết thứ 2 (vòng bán kết lần thứ 1 đã diễn ra tại Bến Tre và tìm ra được 8 dự án lọt vào chung kết). Trong vòng bán kết tại TP Hồ Chí Minh có 43 dự án đến từ 15 tỉnh, thành tham gia thi.
Phần lớn các đơn vị dự thi là những đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Tiểu Thúy
Trong đó, TP Hồ Chí Minh có số dự án thi vòng bán kết nhiều nhất, với 17 dự án; Lâm Đồng 5 dự án; Thừa Thiên Huế 3 dự án; Quảng Nam 3 dự án; TP Đà Nẵng, Gia Lai, Đắk Lắk, Bến Tre mỗi địa phương có 2 dự án; các địa phương còn lại mỗi nơi 1 dự án. Trong đó có quá nửa số dự án thi do các nhóm thực hiện, mỗi cá nhân đều có những thế mạnh riêng, để nâng cao tính khả thi của dự án mình.
Nhiều dự án trong vòng thi bán kết tại TP Hồ Chí Minh sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa của địa phương mình để gia tăng giá trị cho sản phẩm. Cụ thể từ các nông sản như: các loại hoa, măng, hạt macca, mật ong, atiso, nấm, dừa, bưởi non, măng tây, trái nhàu, chanh, rượu cần, lạp xưởng cá, đường tự nhiên, bã cà phê làm phân bón, du lịch sinh thái kết hợp trùn quế, sữa dê… hay một số dự án về sàn giao dịch tín chỉ carbon …
43 dự án khởi nghiệp xanh dự Bán kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đều ứng dụng công nghệ xanh phù hợp với xu hướng thế giới. Ảnh: Tiểu Thúy
Trước đó, từ giữa tháng 5/2023, kể từ khi thông báo đăng ký cho đến cuối tháng 7, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được sự quan tâm đăng ký từ 179 cá nhân và tập thể gửi dự án tham gia, đại diện cho 36 tỉnh, thành. Sau giai đoạn chấm sơ khảo, sàng lọc, ban giám khảo đã chọn ra 108 dự án của 33 tỉnh thành tham dự vào vòng bán kết. Trong đó 51 dự án nhóm (3 người/nhóm), 57 dự án cá nhân. Trong số này, có 41 dự án được tuyển thẳng vào, đây là những dự án đã đạt được những giải thưởng và danh hiệu tại các cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh/thành, quốc gia…
Từ đầu năm, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh & hỗ trợ doanh nghiệp đã tổ chức hơn 10 lớp tập huấn tại các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Nam Định, Nghệ An, Cao Bằng và Ninh Thuận. Những lớp tập huấn này đã tạo điều kiện để các doanh nông trẻ nâng cao thêm kiến thức và hỗ trợ cho các dự án tham gia cuộc thi được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện thành công các dự án. Chương trình đã lan tỏa thông điệp về khởi nghiệp xanh trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch canh nông, đổi mới sáng tạo phát huy tài nguyên bản địa.
Các dự án dự thi từ các tỉnh Tây Nguyên với trang phục đồng bào thu hút nhiều người quan tâm. Ảnh: Tiểu Thúy
Đặc biệt, các dự án tham gia chương trình đều mang yếu tố tác động cộng đồng, vùng dân tộc thiểu số và ứng dụng công nghệ xanh phù hợp với xu hướng thế giới. Nhờ sự kết hợp này, chúng ta đã chứng kiến sự sáng tạo và những giải pháp mới trong việc áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Trong tháng 9, vòng bán kết cuối cùng (thứ 3) sẽ diễn ra ở khu vực miền Bắc, thi tại Hà Nội vào ngày 23 – 24/9 (hội trường khách sạn Kim Liên)
Sau 3 vòng thi bán kết sẽ chọn 30 dự án thi vòng chung kết. Chung kết sẽ thi tại Dinh Thống Nhất TP Hồ Chí Minh dự kiến vào cuối tháng 10/2023.