Vẫn thường trực nỗi lo thịt ngoại
Việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi (chính ngạch, nhập lậu) không được kiểm soát chặt chẽ là một trong những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi lép vế, doanh nghiệp trong nước canh cánh nỗi lo. Do đó, Nhà nước cần sớm xây dựng hàng rào kỹ thuật để hạn chế tình trạng này.
Thức ăn thừa bảo quản trong tủ lạnh được bao lâu?
5 dấu hiệu nhận biết miếng thịt lợn nhiễm độc
Cách phân biệt thịt trâu và thịt bò chính xác nhất
Nỗi lo dịch bệnh và thua trên sân nhà
Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi là 3,53 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ có 515.000 USD. Trong đó, đối với thịt và các sản phẩm từ thịt, cả nước nhập khẩu 717.000 tấn từ 57 thị trường, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng, giảm 3,9% về trị giá so với năm 2022.
Chỉ tính riêng tháng 1/2024, cả nước đã nhập khẩu gần hơn 62.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 127,52 triệu USD, tăng 76,2% về lượng và tăng 72% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, trên đây là con số nhập khẩu chính ngạch, còn khối lượng rất lớn vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu tiểu ngạch, nhập lậu.
Còn theo thống kê của thanh tra ngành nông nghiệp, lực lượng chức năng đã bắt 131 vụ, thu giữ khoảng 160.000 con gia súc, gia cầm nhập lậu. Tuy nhiên, số lượng thịt nhập lậu trong thực tế có thể lên tới hàng triệu con gia cầm, quả trứng lậu, chưa kể lượng trâu, bò, lợn sống nhập lậu về Việt Nam.
Bày tỏ sự lo ngại, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam Lê Văn Thông chia sẻ: việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi đang là vấn đề hệ trọng, gây ra rất nhiều rủi ro, hệ lụy. Đơn cử như nguy cơ gây lan truyền dịch bệnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm và viêm da nổi cục trên trâu bò. Không những thế, điều này còn gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Nhận định về thực trạng này, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương phân tích, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu chính ngạch hiện nay phần lớn là sản phẩm mà ở các nước họ ít dùng làm thực phẩm như: đầu, cổ cánh, tim cật, lòng mề, gà đẻ và bò sữa thải loại... Chưa kể đó còn là các loại thực phẩm đã gần hết hạn sử dụng nên có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/2 giá trong nước cùng loại khi nhập về.
Bên cạnh đó, việc nhập khẩu ồ ạt còn gây rủi ro lớn về chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, nhất là ở khu vực bếp ăn tập thể cho học sinh, công nhân... đang là đối tượng sử dụng phần lớn các loại thực phẩm đông lạnh nhập khẩu này. Đặc biệt, việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi làm mất cơ hội và động lực đầu tư của doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước và về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia.
Siết chặt quy định nhập khẩu
Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây, các hội, hiệp hội trong ngành chăn nuôi (Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam và Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam) cho rằng, so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng.
Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt trứng gia cầm, Việt Nam phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi trong nước đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.
Từ thực tế trên, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách và thời gian để người chăn nuôi cũng như doanh nghiệp trong nước có thể thích nghi được. Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các Bộ NN&PTNT, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Công an, Quốc phòng tăng cường biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi.
Đối với nhập khẩu chính ngạch, cần khẩn trương xây dựng các hàng rào kỹ thuật và các chính sách thương mại để hạn chế thấp nhất việc nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm chăn nuôi; trong đó có vấn đề tăng cường các biện pháp kiểm dịch, kiểm tra chất lượng và hạn chế thấp nhất số lượng các cửa khẩu được phép nhập khẩu vật nuôi sống vào Việt Nam. Đây là kinh nghiệm đã được nhiều nước áp dụng, điển hình là Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... và rất hiệu quả.
Đối với nhập khẩu tiểu ngạch, cấm tất cả mọi hình thức nhập khẩu và sử dụng các loại vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu theo hình thức này, vì sản phẩm chăn nuôi trong nước đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa. Mặt khác, Việt Nam có đường biên giới dài, các nước xung quanh chưa phải là những nước có công tác thú y, kiểm soát tốt dịch bệnh.
Bên cạnh việc rà soát lại các quy định của ngành để siết chặt việc nhập khẩu thịt, Bộ NN&PTNT sớm có kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ để có chính sách đặc thù để tự vệ, giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Chẳng hạn như nhập khẩu bò sống, không nên để cho tất cả các cửa khẩu đều nhập khẩu về được mà chỉ cho phép nhập khẩu vào 3 cửa khẩu được chỉ định để kiểm soát. Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương |