Vinamilk: Chú trọng chất lượng “Môi trường, Xã hội, Quản trị” để phát triển bền vững
Doanh nghiệp sữa hàng đầu của Việt Nam, Vinamilk, đã và đang cho thấy sự tích cực trong việc thực hành các tiêu chí E-S-G (Môi trường, Xã hội, Quản trị). Không chỉ để vững vàng hơn trong giai đoạn nhiều biến động mà còn hướng đến phát triển bền vững trong dài hạn.
Vinamilk đẩy mạnh hành trình tiếp sức tuyến đầu trong giai đoạn cao điểm chống dịch tại 50 bệnh viện trên cả nước
Vinamilk triển khai chương trình hỗ trợ quà tặng để trợ giá mùa dịch với giá trị gần 170 tỷ đồng
Tăng cường sức đề kháng bằng lợi khuẩn Probiotic
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, xu hướng đầu tư cho nhóm tiêu chí về phát triển bền vững gồm Môi trường – Xã hội – Quản trị Doanh nghiệp (ESG) ngày càng được cơ quan quản lý, các quỹ đầu tư, tổ chức và thị trường quan tâm. Theo Morningstar, năm ngoái các quỹ ESG thu hút dòng tiền kỷ lục, gấp đôi so với một năm trước đó. Tiền ròng từ các nhà đầu tư đổ vào quỹ đầu tư bền vững đạt 51 tỷ USD, tăng lên mức cao kỷ lục năm thứ 5 liên tiếp. Cũng trong năm 2020, tại Mỹ ghi nhận gần 400 quỹ đầu tư ESG, tăng 30%, đồng thời gấp 4 lần trong một thập kỷ.
Tại Việt Nam, việc thực hành ESG tại các công ty cũng đang được chú trọng hơn bao giờ hết. Trong đó, Vinamilk nằm trong số các doanh nghiệp đi đầu và được giới đầu tư đánh giá cao về áp dụng các tiêu chí ESG trong hoạt động kinh doanh. “Vinamilk là một trong những doanh nghiệp niêm yết dẫn đầu bởi vốn hóa và nằm trong top những doanh nghiệp có điểm ESG và hoạt động ESG tốt trong hệ thống đánh giá của chúng tôi. Vinamilk cũng là một hình mẫu phát triển bền vững cho các doanh nghiệp tại Việt Nam”, đại diện Dragon Capital nhận xét.
Trong ngành sữa, Vinamilk được xem là doanh nghiệp nổi bật về định hướng phát triển bền vững (PTBV) ở tầm chiến lược. Thực hành ESG tại doanh nghiệp sữa tỷ đô này như thế nào, đặc biệt trong giai đoạn thách thức như hiện nay.
Kinh tế tuần hoàn và tăng cường năng lượng xanh
Là doanh nghiệp sản xuất và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Vinamilk đã ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ chu trình sản xuất kinh doanh. Kinh tế tuần hoàn và các sáng kiến về PTBV đã giúp doanh nghiệp này giảm thiểu và tái sử dụng đáng kể nguồn tài nguyên đầu vào, phế liệu…
Một điển hình về kinh tế tuần hoàn là hệ thống biogas tại các trang trại bò sữa, giúp biến chất thải thành tài nguyên như phân bón, nước, khí đốt… Đây được coi là “chìa khóa xanh” góp phần giảm thiểu chất thải và khí nhà kính, vận hành các trang trại thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, Vinamilk đang trong quá trình đẩy mạnh sử dụng các nguồn năng lượng xanh như CNG, Biomass, năng lượng mặt trời…
Nông nghiệp hữu cơ đã được Vinamilk tiên phong thực hiện với việc ra mắt Trang trại bò sữa hữu cơ (organic) đầu tiên của Việt Nam từ năm 2016 và liên tục cải tiến hoạt động công nghệ, kỹ thuật, qua đó đem lại hiệu quả trong việc bảo vệ đất, nước và môi trường. Năm 2021, Vinamilk tiếp tục giới thiệu hệ thống trang trại sinh thái Green Farm, thân thiện môi trường với nhiều điểm ưu việt trong chăn nuôi và vận hành.
Đẩy mạnh hoạt động cộng đồng trong đại dịch
Với khía cạnh xã hội, Vinamilk đồng hành cùng cuộc chiến chống dịch của cả nước ngay từ những ngày đầu, chia sẻ những giá trị tài chính và phi tài chính cùng các bên liên quan trong giai đoạn thách thức.
Vinamilk cũng là đơn vị có nhiều chương trình dinh dưỡng cho trẻ em với quy mô lớn, được thực hiện dài hạn như Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam hay chương trình Sữa học đường. Trong bối cảnh dịch bệnh, các hoạt động này không bị gián đoạn mà còn được Vinamilk đẩy mạnh để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em theo cam kết của công ty.
Không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội qua các chương trình CSR, các giá trị bền vững cũng được doanh nghiệp này mang đến cho người lao động và người tiêu dùng thông qua các sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Quản trị tiên tiến, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế
Một nền tảng quản trị tốt có vai trò then chốt trong việc dẫn dắt doanh nghiệp phát triển trong điều kiện bình thường, vượt qua các giai đoạn “nhiễu động” và sẵn sàng đón đầu các thay đổi để hướng đến PTBV.
Tại Vinamilk, nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, khách quan và độc lập trong việc đánh giá các quy trình quản lý quản trị, doanh nghiệp thiết lập mô hình 3 tuyến phòng vệ. Ngoài ra, việc kiểm soát rủi ro luôn được Vinamilk hết sức chú trọng, nhất là với các ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Nhờ giải quyết bài toán quản trị, Vinamilk đảm bảo được sự lưu thông của 150.000 tấn hàng hóa qua chuỗi cung ứng mỗi ngày, vận hành bộ máy khổng lồ gồm gần 40 đơn vị thành viên, trong đó có 13 nhà máy, 13 trang trại với lực lượng gần 10.000 người lao động. Doanh nghiệp cho thấy sự ổn định, vững vàng trước những thách thức kéo dài gần 2 năm qua do đại dịch Covid-19. Năm 2021, Vinamilk đặt mục tiêu tổng doanh thu 62.160 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính quý II mới công bố, vượt “bão Covid-19”, Vinamilk ghi nhận doanh thu cao kỷ lục 15.729 tỷ đồng, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp đã hoàn thành 47% kế hoạch năm.
Với nhiều nỗ lực, năm 2020, Vinamilk là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và duy nhất được vinh danh “Tài sản đầu tư có giá trị của ASEAN”. Năm 2021, Vinamilk vượt “bão Covid-19” thành công, tiến liền 6 bậc trong Top 50 công ty sữa hàng đầu của thế giới, vươn lên vị trí 36 và cũng là đại diện duy nhất của các quốc gia Đông Nam Á.