Vụ chiến thần Hà Linh livestream bán phá giá dầu gội của Dược phẩm Hoa Linh: “Chơi dao có ngày đứt t

(Tieudung.vn) - Ngay sau sự kiện livestream bán hàng "dọn kho" của “chiến thần” Võ Hà Linh, Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh đã phải gửi thư xin lỗi tới các nhà thuốc và nhà phân phối. 

Vụ "chiến thần" Hà Linh livestream bán phá giá dầu gội của Dược phẩm Hoa Linh: “Chơi dao có ngày đứt tay”!

Vụ "chiến thần" Hà Linh livestream bán phá giá dầu gội của Dược phẩm Hoa Linh: “Chơi dao có ngày đứt tay”!
Ngay sau sự kiện livestream bán hàng "dọn kho" của “chiến thần” Võ Hà Linh, Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Linh đã phải gửi thư xin lỗi tới các nhà thuốc và nhà phân phối. 

Tuy nhiên, bất chấp động thái xin lỗi, lượng đánh giá 1 sao cho Dược phẩm Hoa Linh trên Google vẫn đang tiếp tục tăng. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không chuyên nghiệp, việc bán hàng livestream có thể trở thành con dao hai lưỡi giết chết nhà cung cấp.

Vụ "chiến thần" Hà Linh livestream bán phá giá dầu gội của Dược phẩm Hoa Linh: “Chơi dao có ngày đứt tay”!

Dược phẩm Hoa Linh - đơn vị đứng sau sản phẩm dầu gội Nguyên Xuân đồng thời là nhãn hàng hợp tác trực tiếp với "chiến thần" Võ Hà Linh tạo ra hiểu lầm về việc "phá giá" đã có lời xin lỗi chính thức gửi đến: Nhà thuốc, nhà phân phối và khách hàng. 

Xin lỗi vì “thảm hoạ” thuê “chiến thần”

Theo đó, nguyên nhân của sự việc xuất phát từ clip giới thiệu cho phiên livestream 4/4 của Võ Hà Linh. Trong clip này, nữ YouTuber cho biết nhãn hàng Nguyên Xuân (thuộc Dược phẩm Hoa Linh), dầu gội đầu xanh chỉ 18 “cành”, dầu gội đầu nâu chỉ 11 “cành”. Trong khi đó, thực tế giá của sản phẩm này tại các kênh phân phối chính thức của hãng như: Shopee Mall, hiệu thuốc, đại lý bán lẻ... dao động từ 76-102k.

Ngay sau đó, cả Hà Linh và Dược phẩm Hoa Linh đã nhận về làn sóng phản đối từ cư dân mạng, đặc biệt là phía đại lý và nhà thuốc. Bởi lẽ họ bị khách hàng mắng vốn rằng bán giá quá cao. Dù cả 2 bên đã nhanh chóng đưa ra phản hồi rằng không có chuyện 18 “cành” hay 11 “cành” nhưng không thuyết phục được dân tình.

Sự việc căng thẳng đến mức, khi Hà Linh giải thích mức giá trên chỉ áp dụng khi mua combo vẫn không xoa dịu được dư luận. Đã có những nhà thuốc kêu gọi nhau tẩy chay không chỉ nhãn hàng trên, mà còn cả những sản phẩm khác của Dược phẩm Hoa Linh.

Đến ngày 5/4, một ngày sau sự kiện livestream đầy bê bối, Dược phẩm Hoa Linh đã công khai gửi thư xin lỗi các nhà thuốc và nhà phân phối, vì đã khiến người tiếp cận thông tin bị hiểu lầm về giá của sản phẩm, gây ảnh hưởng tới việc kinh doanh.

Cụ thể, trong văn bản, Dược phẩm Hoa Linh và nhãn hàng Nguyên Xuân gửi lời xin lỗi tới các Nhà thuốc và nhà phân phối (khách hàng) về công tác triển khai chương trình livestream bán và giới thiệu sản phẩm vào 21 giờ ngày 04/04/2023 trên Tiktok đã khiến người tiếp cận thông tin bị hiểu lầm về giá của sản phẩm Nguyên Xuân, gây ảnh hưởng tới việc kinh doanh của khách hàng.

Dược phẩm Hoa Linh cho biết, thời gian qua, nhãn hàng Nguyên Xuân và các sản phẩm của Dược phẩm Hoa Linh đến được với người là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các nhà thuốc và nhà phân phối. Hoa Linh luôn trân trọng và biết ơn sự hỗ trợ, hợp tác đó đồng thời khẳng định và cam kết rằng các kênh bán hàng truyền thống luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng từ trước đến nay và trong tương lai đối với hoạt động kinh doanh của Công ty.

Khi thực hiện chương trình livestream này, Dược phẩm Hoa Linh có mục đích duy nhất là tiếp cận và tăng nhận diện của về thương hiệu dầu gội Nguyên Xuân và các sản phẩm của Dược phẩm Hoa Linh, từ đó mong muốn mở rộng thêm nhu cầu của thị trưởng trong tương lai. Đây là chương trình bán hàng khuyến dùng của Công ty (bán và tặng để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng), sản phẩm được bán trong livestream là các combo sản phẩm của Hoa Linh với mức giá đặc biệt ưu đãi, mong muốn người tiêu dùng lựa chọn và trải nghiệm dùng thử sản phẩm chính hãng. Số lượng sản phẩm bán trong livestream có hạn và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (khoảng 20 phút). Tuy nhiên, việc triển khai của Công ty chưa chặt chẽ và còn nhiều thiếu sót dẫn đến những thông tin gây ảnh hưởng tới các kênh phân phối truyền thống.

Dược phẩm Hoa Linh nhận trách nhiệm về những thiếu sót này và tiếp thu những ý kiến đóng góp của khách hàng đồng thời rút ra bài học cho chính mình từ sự việc lần này, cam kết sẽ không để xảy ra sự việc tương tự trong tương lai.

Dược phẩm Hoa Linh cũng bày tỏ hy vọng khách hàng thông cảm và tiếp tục đồng hành cùng nhãn hàng Nguyễn Xuân và Dược phẩm Hoa Linh.

Tuy nhiên, “sóng dư luận” không có dấu hiệu ngừng lại, cùng ngày 5/4, Dược phẩm Hoa Linh bất ngờ nhận hàng loạt đánh giá 1 sao trên Google cùng những lời nhận xét mang tính công kích. Nhiều người còn giải thích mình đánh giá 1 sao vì không thích Hà Linh hoặc vì Hà Linh review. Một số đánh giá còn kèm theo những từ ngữ nặng nề và "chối" tai.

Trước đó fanpage Dược phẩm Hoa Linh trên Facebook cũng phải khoá bình luận để ngăn cản những ý kiến trái chiều từ cư dân mạng. Vì cách đối phó này, nhiều người chuyển sang thả “phẫn nộ” trong các bài đăng của Hoa Linh.

Vụ "chiến thần" Hà Linh livestream bán phá giá dầu gội của Dược phẩm Hoa Linh: “Chơi dao có ngày đứt tay”!

Tuyên bố mạnh miệng của Hà Linh về giá sản phẩm khiến các kênh bán hàng truyền thống không khỏi sục sôi

Thiếu chuyên nghiệp là “con dao hai lưỡi”

Không thể phủ nhận, sự kiện livestream bán hàng "dọn kho" của “chiến thần” Võ Hà Linh đã đạt được những con số rất ấn tượng với hơn 300 ngàn người xem cùng lúc; 80.000 lượt xem; 11 triệu tim; 58.000 người mua hàng cùng lúc khiến Tiktok Shop Đông Nam Á sập sàn; doanh thu ước tính của buổi livestream bán hàng là 1,5 triệu USD.

Đó là những con số mà Võ Hà Linh, hay cộng đồng mạng gọi là “Chiến thần review” với 1,7 triệu người theo dõi trên Facebook và 3,3 triệu người theo dõi kèm 68 triệu lượt like trên Tiktok, đã làm được trong buổi livestream bán hàng vào ngày 4/4 vừa qua.

Xu hướng bán hàng livestream (Bán hàng trực tiếp - D2C) đã bắt đầu phát triển lên một nấc thang mới tại Việt Nam, sau vài năm manh nha và được đẩy mạnh trong nửa cuối năm 2022 khi TikTok Shop xuất hiện. Bên cạnh đó có những đơn vị đang sở hữu hàng triệu KOC (Key Opinion Consumer: những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên . Công việc chính của họ là thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và đưa ra những nhận xét, đánh giá.) được dùng để phát triển hình thức bán hàng này.

Là một hiện tượng, nên những con số nêu trên cũng dễ hiểu, song nếu nhìn từ nhiều góc độ, buổi bán hàng của Hà Linh là chưa chuyên nghiệp. Trên thực tế nó đã tạo ra khủng hoảng lớn cho Dược phẩm Hoa Linh, thậm chí có thể giết chết luôn mặt hàng dầu gội của công ty.

Có thể thấy, ban đầu mức giá bán đã không được nhà cung cấp và người bán làm rõ, điều này đã khiến cho các nhà phân phối hay đại lý đang bán cùng sản phẩm này “chết đứng”, khi họ đang bán với mức giá cao 70 - 80.000 đồng ở trên, thì giờ nhà cung cấp kết hợp với KOC bán với giá thấp hơn 4-5 lần. Chính vì thế, nhiều nhà phân phối và hệ thống đại lý bán hàng đã quyết định tẩy chay mặt hàng này và đưa ra khỏi hệ thống, khiến Hoa Linh trở nên điêu đứng và phải đưa ra lời xin lỗi công khai, song có vẻ như mọi việc đã quá muộn.

Có thể khẳng định, tính chuyên nghiệp trong bán hàng D2C cần phải được thực hiện ngay từ lúc ban đầu, KOC và nhà cung cấp cần làm rõ về loại hàng và mức giá bán ngay từ đầu để không xảy ra sự cố đáng tiếc như trên. Tiếp theo đó, thuế cũng là một vấn đề mà các nền tảng, nhà cung cấp và KOC cần chú ý, bởi nó cần phải được đóng đầy đủ khi thực hiện hình thức bán hàng này.

Hiện không chỉ dừng lại ở từ phía các nhà thuốc, hàng nghìn thậm chí hàng triệu phản hồi tiêu cực từ người tiêu dùng xuất hiện tràn lan trên mạng . Họ không chỉ bình luận, suy luận về vụ việc mà còn đưa ra cả những đánh giá không tốt về sản phẩm trên, điều mà có thể trước đây dù họ không hài lòng cũng không mất công đưa lên mạng xã hội như vậy.

Đánh giá một cách công tâm, thì cảm nhận chung của dư luận là tiêu cực đối với cả Hà Linh và Dược phẩm Hoa Linh.

Cần thẳng thắng nhìn nhận rằng, nếu tôn trọng đối tác và người tiêu dùng thì dù là chương trình bán hàng khuyến khích khách dùng thử và bán theo combo thế nào đi nữa, cách truyền đạt thông tin có phần "giật tít câu view" của Hà Linh đã găm vào đầu người tiêu dùng cái giá 11.000 đồng và 18.000 đồng cho nhãn hàng dầu gội, tức là một cái giá rất rẻ của sản phẩm bình dân, trong khi nhãn hàng này thực tế không định vị và bán với giá như thế.

Sự không đồng bộ, nhất quán về định vị này cho thấy đơn vị này đã chưa thực sự chặt chẽ và cẩn trọng trong quản trị thương hiệu của mình.

Chưa kể, việc phản ứng giữa 2 phe sinh ra việc cả nước biết đến sự kiện này, báo chí vào cuộc. Điều này cũng có nghĩa công ty dược đạt được mục tiêu, làm cho thương hiệu, sản phẩm của mình nổi tiếng. Đấy chính là 1 chiêu làm scandal.

Tuy nhiên, chiêu này có và tác hại. Đối với thương hiệu lớn, ngành hàng như dược, việc này giết chết uy tín của mình đối với nhà phân phối và các khách hàng cũ. Họ chấp nhận phá hủy mối quan hệ, niềm tin, của các nhà phân phối vào nhãn hàng, phá hủy niềm tin của khách hàng cũ vào nhãn hàng, họ chấp nhận điều này để thu hút khách hàng mới.

Còn nếu muốn giữ tập khách hàng cũ mà làm cách này thì đấy là cách làm kém về mặt marketing, thương hiệu.