Bộ Công Thương sẽ quy định ngưỡng EO trong mì ăn liền
Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) vừa tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền sang thị trường các nước châu Âu (EU) nhằm đưa ra các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm mì ăn liền sang EU trong 6 tháng đầu năm và thời gian tới.
Từ việc mì ăn liền bị cảnh báo tại EU: Doanh nghiệp phải giữ uy tín
Cần sớm có quy định ngưỡng giới hạn ethylene oxide
Acecook khẳng định mì Hảo Hảo nội địa không chứa chất Ethylene Oxide
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, từ tháng 2/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa sản phẩm mì ăn liền của Việt Nam vào diện áp dụng quy định Regulation (EU) 2019/1793 để kiểm soát dư lượng Ethylene Oxide (EO).
Trước các vụ việc đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm mì ăn liền. Qua đó, trong 6 tháng cuối năm 2022, EU không phát hiện vụ vi phạm nào của Việt Nam với mì ăn liền và được Tổng vụ An toàn và sức khỏe (SANTE) của Ủy ban Châu Âu ghi nhận trong phiên họp Kỹ thuật tháng 2/2023 vừa qua.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Tính đến tháng 2/2023, Bộ Công Thương đã cấp 3.170 HC (Health certificate-Chứng thư) được cấp vào thị trường EU thông qua 21 cảng, trong đó quốc gia có số lượng HC nhiều nhất là Đức với 1.715 HC.
Bên cạnh việc cấp chứng thư cho các doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền, Bộ Công Thương nhấn mạnh các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã chấp hành rất tốt các quy định về an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu.
Tại cuộc họp, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cũng trao đổi những thông tin quan trọng tại các thi trường này liên quan đến sản phẩm mì ăn liền. Theo đó, phía Thương vụ cho biết Việt Nam đã quản lý tốt xuất khẩu mì ăn liền vào EU 6 tháng cuối năm 2022 nên Ủy ban châu Âu đã đề nghi đưa mì ăn liền từ Phụ lục II - yêu cầu có chứng thư và kiểm soát 20% tại cửa khẩu sang Phụ lục 1- kiểm soát tại cửa khẩu EU với tần suất 20%, không yêu cầu có chứng thư.
Tuy nhiên, phía Thương vụ nhấn mạnh đề xuất này cần được đại diện các nước thành viên thông qua vào cuối tháng 4/2023. Do đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị kiểm nghiệm tiếp tục thực hiện tốt các quy định kiểm nghiệm theo các tiêu chuẩn của EU.
Vụ Khoa học và công nghệ cho biết thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ xây dựng ngưỡng giới hạn cho phép đối với dư lượng chất EO trong mì ăn liền tiêu thụ trong nước và các sản phẩm thực phẩm khác có mối nguy tương tự thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Bộ cũng sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát tại nguồn đối với các loại nông sản, đặc biệt là loại nông sản khô như hành sấy, rau sấy, các loại gia vị... Điều này nhằm kiểm soát sự có mặt của EO trong mì ăn liền cũng như đối với các loại thực phẩm khác có sử dụng các loại nguyên liệu trên.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền, Bộ cũng đề nghị cần nâng cao nhận thức và năng lực trong việc kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào, đặc biệt đối với các loại gia vị, rau củ sấy.
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp xuất khẩu mì ăn liền đã cam kết kiểm soát tốt chuỗi cung ứng, sản xuất đảm bảo không sử dụng EO trong bất kể khâu nào của sản xuất và sản phẩm khi xuất khẩu sang EU.