Cảnh báo tình trạng sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả
Hiện nay, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không đạt chuẩn là vấn nạn, mối họa khó lường, có nguy cơ “đầu độc” sức khỏe cộng đồng.
Khách hàng tố Big C Thăng Long dùng hàng hết date làm sản phẩm khuyến mại
Pháp thu hồi một số lô mỳ tôm Hảo Hảo, mỳ Đệ Nhất của Acecook Việt Nam
Cảnh báo nguy cơ “sập bẫy” lừa đảo của sàn môi giới bất động sản
Liên tiếp xuất hiện các sản phẩm giả
Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) liên tiếp thông tin về các sản phẩm được quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm nhận được phản ánh của báo chí và phát hiện trên website: https://caobanlongaltaisibiri.com quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao ban long Sibiri vi phạm quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty CP Sản xuất và Thương mại Altai Sibiri (địa chỉ: Số 43E Giáp Nhất, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Quá trình hậu kiểm, Công ty Altai Sibiri không thừa nhận website nêu trên của mình, và không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao ban long Sibiri trên website nêu trên.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra thu giữ hàng nhập lậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Chiến Công |
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo khẩn tới người dân đối với 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả mạo, dạng viên uống Xuyên tâm liên CV19. Theo phản ánh đến đường dây nóng của Cục An toàn thực phẩm, trên thị trường đang xuất hiện 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên tâm liên CV19 có logo “Toàn lộc” (vỏ hộp màu đỏ), và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên tâm liên CV19 có logo “Nhất lộc” (vỏ hộp màu xanh), đều ghi có công dụng: kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng, cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid-19… Trước thông tin trên, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định, 2 sản phẩm có đặc điểm và công dụng như trên chưa đăng ký bản công bố tại cục. Như vậy, 2 sản phẩm trên là giả mạo.
Những sản phẩm bảo vệ sức khỏe hàng giả từng được Cục An toàn thực phẩm “điểm mặt, chỉ tên”, cảnh báo như sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên Đa Xoan, Dưỡng Sắc Khang giả được rao bán trên thị trường. Cục đã chuyển hồ sơ đến cơ quan công an... Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo để người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm giả, quảng cáo vi phạm.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, hàng hóa giả luôn luôn ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi người tiêu dùng và nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với hàng hóa giả là thuốc, thực phẩm chức năng hay các sản phẩm khác có nguy cơ tác động xấu đến sức khỏe con người thì lai càng nguy hiểm hơn. Chúng ta đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc sản xuất kinh doanh thuốc giả như vụ thuốc chữa ung thư giả làm từ than tre, thuốc Đông y giả hay nhiều trường hợp thực phẩm chức năng giả mạo nhãn mác xuất xứ bị phát hiện và gần đây còn xuất hiện thuốc chữa Covid-19 giả. Các đối tượng sản xuất kinh doanh loại hàng hóa giả này thường thổi phồng công dụng, chất lượng sản phẩm; đồng thời, đánh vào tâm lý đám đông, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều người, hướng đến những người cao tuổi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe hay thậm chí là lợi dụng và lừa gạt cả những người mắc bệnh hiểm nghèo mà sự sống của họ không còn được bao lâu nữa. Những đối tượng này vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe cộng đồng.
Để đấu tranh với vấn nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, trước hết mỗi người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo. Chúng ta không nên tin vào những lời quảng cáo, rao bán các loại thuốc, thực phẩm chức năng không có thương hiệu ở trên mạng. Không nên tin vào quảng cáo về các loại thuốc có công dụng thần kỳ như là có thể chữa khỏi bệnh ung thư. Nếu như có loại thần dược như vậy, chắc chắn đã có nhiều người biết, nhiều người mua đến mức không cần lên mạng quảng cáo. Khi mua hàng cũng nên lựa chọn các sản phẩm quen thuộc với người tiêu dùng, sản phẩm đã tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường về tác dụng và sự an toàn của nó. Để tránh mua phải hàng giả mạo nhãn mác, nguồn gốc, chúng ta cũng nên mua hàng ở các cửa hàng, các hiệu thuốc lớn. Đấu tranh với tình trạng sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả còn cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định pháp luật, chế tài xử lý đã có, công việc lúc này là đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm để bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho người dân.
“Về quy định của pháp luật, người có hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, giá trị hàng giả hay gây hậu quả đến đâu. Cụ thể, người có hành vi sản xuất thuốc giả bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt nặng nhất đối với người phạm tội này là tử hình. Người có hành vi sản xuất buôn bán thực phẩm chức năng giả bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo Điều 193 Bộ luật Hình sự. Hình phạt cao nhất đối với người phạm tội này là phạt tù chung thân” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng thông tin.