Chống hàng giả, hàng nhái trên thương mại điện tử: Cần cơ chế, chính sách đồng bộ
Mua sắm trực tuyến đang trở thành xu hướng trong thời đại mới. Tuy nhiên, trước tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các kênh thương mại điện tử, đòi hỏi cơ quan chức năng phải có những cơ chế, chính sách mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tăng cường kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng
Khiếu nại về hàng giả, đổi trả hàng mua qua thương mại điện tử gia tăng
Thương mại điện tử: Động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tự tin vươn ra biển lớn
Xu hướng mua sắm mới
Trong thời đại 4.0 hiện nay, khi internet đã trở nên phổ cập, nhu cầu mua sắm trực tuyến, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 đã trở thành xu hướng mới của nhiều người.
Theo thống kê của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện có hơn 73% dân số Việt Nam sử dụng internet, và trong đó, có tới hơn 78% người dùng tham gia mua sắm trực tuyến. Con số này, đang gia tăng từng ngày, và thương mại điện tử hiển nhiên trở thành xu hướng tất yếu của thời đại.
Các sản thương mại điện tử liên tiếp xuất hiện, với nhiều chính sách mua sắm, ưu đãi có lợi cho người dùng, khiến cho sự cạnh tranh của lĩnh vực này ngày càng gắt gao. Cùng với đó, một vấn đề lớn được đặt ra, đó là tình trạng kinh doanh buôn bán hàng giả, hang nhái, hàng lậu trên các sản thương mại điện tử.
Chỉ riêng năm 2023, lực lượng QLTT cả nước phát hiện, xử lý 676 vụ vi phạm; xử phạt hành chính hơn 10 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh được hoàn toàn bức tranh về hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được chào bán trên các sàn thương mại điện tử. Bởi, nhiều vụ việc bị cơ quan chức năng phát hiện, số lượng hàng hóa bị thu giữ là vô cùng lớn.
Vi phạm hàng giả, hàng nhái trên nền tảng thương mại điện tử ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Ảnh minh hoạ
Có thể kể đến như chiều 25/12/2023, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Cục An ninh mãng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã kiểm tra kho hàng nằm trong Khu đô thị Đô Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà nội.
Tại đây, đoàn đã phát hiện số lượng lớn hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hang gia dụng có xuất xứ trên vỏ hộp là từ Hàn Quốc, Mỹ, Canada…
Được biết, chủ kho hàng là một hotgirl nổi tiếng trong kinh doanh hàng hóa online trên nhiều nền tảng mạng xã hội với tên gọi Mailystyle. Người này thường xuyên tổ chức các phiên livestream bán hàng với hàng trăm ngàn lượt theo dõi cũng như hàng ngàn lượt chốt đơn mua sản phẩm. Tuy nhiên, trong đợt kiểm tra nói trên, phần lớn sản phẩm tại kho hang không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.
Môt trường hợp khác, là ngày 31/1/2024, Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Đức Hòa phối hợp Công an xã Mỹ Hạnh Bắc đã tiến hành kiểm tra kho hàng tại ấp Rừng Sến, xã Mỹ Hạnh Bắc.
Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện trong kho hàng có chứa nhiều hàng hóa mỹ phẩm đựng trong các thùng carton, chủ chủ lô hàng đã không xuất trình được hoá đơn chứng từ có liên quan. Lực lượng công an tiến hành lập biên bản tạm giữ các tang vật vi phạm gần 50 tấn hàng hoá dạng mỹ phẩm, số lượng 1.644.000 đơn vị sản phẩm…
Theo một chuyên gia về thương mại điện tử, hiện nay, hầu hết các nền tảng mạng xã hội đều cho phép người bán hàng livetream để giới thiệu sản phẩm. Ngoài lợi thế về giá, nhiều kênh bán hàng còn được chào bán trực tiếp bởi những người nổi tiếng, KolS, nghệ sĩ … khiến cho người tiêu dùng tin tưởng và sẳn sang bỏ tiền ra mua dù chưa biết chất lượng sản phẩm như thế nào.
Thêm vào đó, việc quản lý lỏng lẻo từ chính đơn vị chủ quản các trang thương mại điện tử, cũng khiến cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn len lỏi và “sống khỏe” trên các gian hàng.
Cần nhiều biện pháp bảo vệ người tiêu dùng
Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, đại diện một doanh nghiệp cho biết, tình trạng hàng giả, hàng nhái đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp. Trong đó, việc buôn bán hàng giả, hàng nhái trên không gian mạng thậm chí còn gây hậu quả nặng nề hơn do rất khó phát hiện, phân biệt và xử lý.
“Với những cơ sở bán hàng giả, hàng nhái theo kênh truyền thống, chúng tôi còn có thể cho quân đi thực tế địa bàn và báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện, chứ trên môi trường mạng thì quả thật là làm không xuể. Chỉ có lâu lâu phát hiện được kênh nào, thì gửi đơn nhờ cơ quan chức năng xử lý ở kênh đó mà thôi. Nhưng dẹp gian hàng này hôm nay, thì ngày mai lại có thêm nhiều gian hàng khác nữa, rất mệt mỏi”, vị này chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, việc bùng nổ của thương mại điện tử đã và đang tạo ra thách thức rất lớn cho cơ quan chức năng. Lý do là bởi các mặt hàng bị làm giả, làm nhái trên các kênh thương mại điện tử rất đa dạng và khó bị phát hiện. Thêm vào đó, người bán thường sử dụng hình ảnh của sản phẩm thật, chính hãng, chỉ đến khi khách hàng đặt mua và nhận hàng thì mới phát hiện ra đây là hàng giả, hàng nhái. Cùng với đó, người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian hoặc có tính ẩn danh cao nên lực lượng chức năng rất khó kiểm tra, xử lý.
Trên thương mại điện tử, cần quản lý thương nhân cung cấp hàng hóa dịch vụ gắn liền với thương nhân tổ chức sàn thương mại điện tử và hệ sinh thái thương mại điện tử. Ảnh minh hoạ
Ông Phan Mạnh Hà - đại diện sàn thương mại điện từ Shopee cho biết, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, thời gian qua, Shopee đã áp dụng chính sách giữ số tiền giao dịch cho đến khi đơn hàng hoàn tất. Số tiền giao dịch sẽ chỉ được thanh toán khi khách hàng hoàn toàn hài lòng với món hàng và không có bất kỳ khiếu nại nào trong thời gian quy định. Ngoài ra, Shopee cũng triển khai cơ chế tố cáo/ báo cáo vi phạm và xử lý tố cáo đối với các gian hàng trên sàn thương mại điện tử của mình.
Còn theo các chuyên gia, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không hiện đại hóa công nghệ chống hàng giả thì rất khó kiểm soát và ngăn chặn các thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kênh phân phối hàng giả. Chính vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp chống giả sẽ giúp thống nhất quy chuẩn quốc gia để cơ quan chức năng đề xuất tiêu chuẩn kỹ thuật chung của các loại tem chống hàng giả, phục vụ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh tránh lãng phí các nguồn lực xã hội trong việc nghiên cứu các giải pháp chống giả riêng của từng đơn vị.
Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 phê duyệt “Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025”.
Mục tiêu của đề án nhằm hướng đến hoàn thiện chính sách, pháp luật về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.
Để thực hiện những mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Đề án; Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông phối hợp với Bộ Công Thương thông tin đầy đủ và chính thống về việc tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo về các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng ở địa phương phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của các bộ, ngành trong công tác đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.
Chính phủ cũng giao Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện các nội dung của Đề án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh, vướng mắc, những vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan, địa phương.