Chưa nắm luật, người tiêu dùng khó bảo vệ được quyền lợi của mình
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã thực thi nhiều năm qua, song số vụ việc người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi vẫn gia tăng do chưa nắm rõ luật. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh thông tin Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới người dân, doanh nghiệp.
Làm sao để người tiêu dùng được bồi thường thiệt hại?
Người tiêu dùng cần "dùng" quyền khiếu nại như thế nào?
Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam 2020: "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”
E ngại khiếu nại
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã thực thi 12 năm, song vẫn không ít người tiêu dùng than phiền về tình trạng bị xâm phạm quyền lợi trong mua sắm hàng ngày. Bà Nguyễn Thị Hằng (trú tại số 28 ngõ Hòa Bình 1, phố Minh Khai) phản ánh, mới đây khi mua điện thoại, cửa hàng cam kết cho đổi trả trong vòng 10 ngày nếu sản phẩm có lỗi. Nhưng chưa tới 10 ngày, khi sử dụng bà Hằng phát hiện một vài ký tự trên màn hình bấm không được. Khi đem máy đến cửa hàng kiểm tra thì được nhân viên kỹ thuật xác định lỗi “liệt cảm ứng” và yêu cầu bà phải thanh toán tiền thay màn hình lên đến 1,8 triệu đồng.
Bức xúc, bà Hằng dọa sẽ đem sự việc đi khiếu nại thì cửa hàng xuống nước nhưng cũng bắt đóng thêm 1 triệu đồng. Do cần điện thoại để sử dụng và không có thời gian theo đuổi vụ việc nên bà Hằng đành chấp nhận nhưng vẫn ấm ức do mất tiền oan.
Tương tự, chị Hoàng Minh Thắm ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) chia sẻ, ngày 1/3/2023 vừa qua, chị mua hàng tại một siêu thị trên đường Lê Đức Thọ với tin tưởng là hàng hóa ở đây yên tâm về chất lượng. Thế nhưng khi mua sản phẩm thịt lợn tại siêu thị này, chị đã vô cùng thất vọng vì mua phải sản phẩm thịt lợn quá hạn sử dụng nhưng không được siêu thị đền bù.
Khi được hỏi tại sao không khiếu kiện lên cơ quan chức năng như Cục Cạnh tranh & Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) hoặc Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, đa phần người tiêu dùng có chung ý kiến, ngại gõ cửa cơ quan công quyền bởi thiệt hại không nhiều về tài chính nên chờ đến khi cơ quan chức năng giải quyết xong thì tốn nhiều thời gian, tiền bạc.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, với phần lớn người tiêu dùng, khi gặp phải tình thế mua hàng không đúng như chất lượng công bố, thì thường họ không biết làm gì ngoài việc tỏ thái độ bức xúc. Điều đó càng khiến cho nhà sản xuất, kinh doanh bất chính lợi dụng để trục lợi.
Còn Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung nhận định, đa số người tiêu dùng vẫn chưa ý thức được trách nhiệm tự bảo vệ quyền lợi của mình. Đáng nói, ngay cả khi phát hiện mình bị xâm phạm quyền lợi, người tiêu dùng cũng ngại khiếu kiện, chấp nhận thua thiệt.
“Thống kê của Cục Cạnh tranh & Bảo vệ Người tiêu dùng cho thấy có đến 44% số người từng bị xâm phạm quyền lợi chọn phương án im lặng hoặc bỏ qua vụ việc”- ông Trung nêu ví dụ.
Đẩy mạnh tuyên truyền Luật tới người tiêu dùng
Khi nói về nguyên nhân khiến người tiêu dùng ngại tố cáo hành vi xâm phạm, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng thông tin mặc dù Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời nhiều năm nhưng người Việt Nam ngại khiếu kiện vì chưa nắm rõ luật, chưa hiểu các quyền của mình. Điều này dẫn đến thái độ thờ ơ và không biết cách tự bảo vệ khi cho rằng chi phí khiếu kiện còn nhiều hơn so với số tiền mua sản phẩm, nên hầu hết họ bỏ qua quyền lợi của mình.
Tương tự, Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng) Cao Xuân Quảng cho biết, nhiều người người tiêu dùng khi được hỏi về 8 quyền mà mình được hưởng đều hiểu lơ mơ, thậm chí không biết đến những quyền lợi này. “Thậm chí, có nhiều trường hợp dù quyền lợi bị xâm phạm nhưng lại chưa biết sẽ khiếu nại ở đâu, làm như thế nào để bảo vệ mình. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp”- ông Quảng nhấn mạnh.
Để người tiêu dùng hiểu được quyền của mình, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 300/KH-UBND về triển khai Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2023 trên địa bàn TP Hà Nội. Mục tiêu lớn nhất của kế hoạch là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, thực thi các văn bản pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, định hướng, xác định trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, ý thức chủ động bảo vệ bản thân của người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ. Tăng cường công tác quản lý và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội liên quan trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, “Thông tin minh bạch-Tiêu dùng an toàn”là chủ để của các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà ngành công thương Hà Nội triển khai trong năm 2023. Cụ thể thời gian tới các đơn vị của TP Hà Nội tăng cường công tác quản lý nhà nước về Bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật bảo vệ người tiêu dùng. Đặc biệt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường mạng, hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc về quyền của người tiêu dùng. “Bằng các giải pháp này, Hà Nội mong muốn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển”- bà Lan nêu rõ.