Hàng ngoại giả mạo xuất xứ hàng Việt: Doanh nghiệp thấp thỏm lo vạ lây
Tình trạng hàng ngoại giả mạo xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng Việt, doanh nghiệp đối mặt với nhiều nguy cơ.
Gia tăng giả mạo xuất xứ hàng Việt
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, ngày 27/1/2022, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) đã ban hành văn bản xác định Công ty CP tập đoàn BGI Group có hành vi trốn tránh lệnh chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm tủ gỗ, bàn trang điểm Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, được gia công tại Công ty HOCA Việt Nam để hưởng lợi từ xuất xứ Việt Nam. Thực tế, không chỉ Mỹ phát hiện tình trạng sản phẩm nước ngoài núp bóng hàng Việt để trốn thuế xuất khẩu.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cửa hàng kinh doanh thời trang nhập ngoại giả mạo hàng Việt
Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp mặt hàng xe đạp điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào EC. Đáng chú ý, EC thống kê được lượng xe đạp điện từ Việt Nam xuất sang EU bất ngờ tăng mạnh sau khi xe đạp điện Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá. Điều này dẫn đến nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, khiến sức cạnh tranh hàng Việt tại thị trường nước sở tại giảm đáng kể, đứng trước nguy cơ bị đóng cửa với nhiều thị trường xuất khẩu khác.
Để ngăn chặn nguy cơ lợi dụng xuất xứ hàng hóa từ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế từ nước khác cần siết chặt việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Theo đó, không cấp giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho những dự án sản xuất không đảm bảo thực hiện hơn 2/3 chuỗi quy trình sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, cần siết chặt kiểm tra đối với việc doanh nghiệp tận dụng quy định chuyển đổi mã số HS hàng hóa để xin cấp C/O. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn |
Thực tế, tình trạng hàng ngoại đội lốt hàng Việt còn diễn ra tại thị trường nội địa. Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú phản ánh, hiện trên thị trường nội địa xuất hiện tình trạng nông sản, thủy sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán dưới tên gọi sản phẩm cùng loại của Việt Nam như: Nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cá tầm, cải mầm đá Sapa... Để tăng sức mua, người bán thường trà trộn với nông sản hàng Việt, hoặc dán nhãn mác hàng Việt đánh lừa người tiêu dùng.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng quay lưng với hàng Trung Quốc kém chất lượng, nhiều sản phẩm do Trung Quốc sản xuất đã được doanh nghiệp nhập khẩu “phù phép” mang nhãn mác “Made in Vietnam”, sau đó tuồn sang Việt Nam tiêu thụ. “Vừa qua lực lượng chức năng phát hiện Công ty TNHH MTV Thương mại tổng hợp Bảo Tiến An nhập khẩu từ Trung Quốc 3.300 bộ khóa mang nhãn hiệu Khóa Việt Tiệp, 1.560 van bếp ga đã dán tem kiểm nghiệm của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Minh Việt Nam” - ông Trần Việt Hùng nêu ví dụ.
Cần "hàng rào" pháp lý đủ mạnh
Thông tin về những chiêu trò lách xuất xứ hàng hóa, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nêu rõ, ở chiều nhập khẩu, hiện có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng trong thông quan điện tử để khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ hoặc thuê đối tác nước ngoài sản xuất trên sản phẩm, bao bì ghi sẵn dòng chữ “Made in Việt Nam”, “Xuất xứ Việt Nam”… sau đó nhập khẩu tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu. Ở chiều xuất khẩu, có tình trạng các thương nhân Trung Quốc cấu kết với doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu linh kiện vào Việt Nam lắp ráp, gia công giản đơn sau đó xin giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng kinh doanh sản phẩm ngoại nhập có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng Việt
Nói về những khó khăn trong việc xử lý hành vi giả mạo xuất xứ, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, mặc dù hành vi “giả mạo xuất xứ” được quy định tại Nghị định số 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan với chế tài xử phạt rất nặng, nhưng trong thực tế lại không dễ xử phạt. Nguyên nhân do chưa có quy định cụ thể, thống nhất cách hiểu thế nào là “giả mạo xuất xứ”.
“Nội dung này cần được sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp nhưng cũng giảm thiểu khiếu nại, khiếu kiện kéo dài” - ông Chu Xuân Kiên kiến nghị.
Đồng tình với phản ánh này, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Tiến Lộc nêu rõ, hướng dẫn tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và một số văn bản khác còn có điểm chưa rõ ràng. Cụ thể, quy tắc xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc CTC (chuyển đổi mã số) quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 6, Thông tư 05/2018/TT-BCT của Bộ Công thương còn mâu thuẫn với giải thích thuật ngữ quy định tại khoản 9, Điều 3, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP; Tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP Quy định về tự chứng nhận xuất xứ chỉ đưa ra khái niệm, không có hướng dẫn cụ thể. Do vậy, lực lượng chức năng khó kết luận vi phạm về hành vi tự chứng nhận xuất xứ.
“Bộ Công Thương chưa có hướng dẫn cụ thể về ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu và cách thức kê khai xuất xứ hàng hóa trong điều kiện hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam” - ông Nguyễn Tiến Lộc chia sẻ.
Để từng bước đẩy lùi tình trạng hàng ngoại núp bóng hàng Việt qua đó tạo môi trường lành mạnh cho hàng Việt phát triển, Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu TP Hà Nội Phạm Bá Dục cho rằng, các bộ, ngành chức năng cần hoàn thiện cơ chế phối hợp; Đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thị trường, đặc biệt lưu ý việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa xuất khẩu, tránh tình trạng làm giả xuất xứ Việt Nam. Bên cạnh đó cần "hàng rào" pháp lý đủ mạnh làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực hiện tốt việc kiểm soát thị trường. Về phía các doanh nghiệp, phải có biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm, kênh phân phối.