Ngăn giá té nước theo lương

(Tieudung.vn) - Đã thành vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại nhiều năm nay, cứ hễ tăng lương là giá cả hàng hóa lại tăng mạnh. Điều này khiến niềm vui tăng lương của người công chức, viên chức, người lao động chẳng đư

Ngăn giá "té nước" theo lương

Ngăn giá "té nước" theo lương
Đã thành vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại nhiều năm nay, cứ hễ tăng lương là giá cả hàng hóa lại tăng mạnh. Điều này khiến niềm vui tăng lương của người công chức, viên chức, người lao động chẳng được trọn vẹn.

Vòng luẩn quẩn

Thực hiện cải cách tiền lương, từ ngày 1/7, dự kiến, mức lương của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với hiện nay. Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình tăng hơn 32% (khoảng 7,5 triệu đồng/tháng). 

được tăng lương là niềm vui với bất cứ người lao động nào. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm nay, trước mỗi đợt tăng lương lại có tình trạng hàng hóa “té nước” theo lương, khiến người lao động mừng ít, lo nhiều.

Ngăn giá "té nước" theo lương

Người lựa chọn hàng hóa

“Lúc nghe thông tin sắp thực hiện cải cách tiền lương, tôi rất mừng, vì được cải thiện thu nhập. Nhưng nay lương chưa kịp tăng mà từ cân thịt, con cá, mớ rau… đã rục rịch tăng giá trước, khiến cuộc sống thêm phần khó khăn hơn” – chị Nguyễn Mỹ Linh (Hà Đông) cho biết.

Ngao ngán trước vòng luẩn quẩn tăng lương, tăng giá, chị Nguyễn Thu Hà (viên chức trên địa bàn quận Đống Đa) nói: “Bao nhiêu năm nay, cứ có thông tin lương tăng là giá cả lại tăng theo. Vì vậy, lương tăng không đuổi kịp giá hàng hóa tăng. Tôi kỳ mong muốn các ngành chức năng có các chính sách điều hành, quản lý, kiểm soát bình ổn để giá cả không “a dua” theo lương”.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, công tác quản lý, điều hành giá quý I/2024 tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực do biến động nhanh, phức tạp từ bối cảnh thế giới và khu vực. Xung đột , cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng các rủi ro về năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; giá xăng dầu, các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất biến động khó lường.

Trong nước, giá cả thị trường những tháng đầu năm có xu hướng tăng do nhu cầu tăng thời điểm cận Tết và sau Tết Nguyên đán, tương tự như các năm trước. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, CPI bình quân quý I/2024 tăng 3,77%, lạm phát cơ bản tăng 2,81% nhưng nằm trong giới hạn cho phép song cần tiếp tục theo dõi do giá cả nhiều mặt hàng có xu hướng tăng, gia tăng áp lực lạm phát cũng như công tác quản lý, điều hành giá.

Xử lý nghiêm các vi phạm về giá

Trước áp lực lạm phát gia tăng, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 193/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý I/2024 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024.

Theo đó, để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong quý II và tháng còn lại của năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung theo dõi, bám sát diễn biến tình hình trong và ngoài nước, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước. Từ đó, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống.

Trên cơ sở kịch bản điều hành tổng thể và kịch bản điều hành cụ thể, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, chủ động có biện pháp, giải pháp quản lý phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền, điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường theo kịch bản đề ra.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường; chủ động tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá để kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.