Thực hư thông tin "xả hàng" vé máy bay dịp nghỉ lễ 30/4
Sát dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, thông tin "xả hàng" vé máy bay được các đại lý rao nhiều trên mạng xã hội khiến người tiêu dùng không khỏi bất ngờ, bán tin bán nghi. Vậy đâu là sự thật?
Giá vé máy bay Đà Nẵng đi Phú Quốc dịp lễ giảm mạnh
Cận kề dịp lễ 30/4 - 1/5, giá vé máy bay tăng chóng mặt
Dự kiến tăng trần giá vé máy bay thêm 3,75% từ giữa năm nay
Giá vé máy bay có giảm
Ngày 26/4, theo ghi nhận của PV Báo Kinh tế và Đô thị, trên một số hội nhóm liên quan đến "săn vé máy bay" gần đây xuất hiện bài đăng "xả hàng", cam kết bán vé máy bay với mức giá hấp dẫn chưa từng có. Tuy nhiên, thực tế mức giá đang hạ nhiệt do các hãng đã tăng chuyến bay theo yêu cầu từ phía Cục Hàng không nhưng không “sốc” như nhiều lời quảng cáo.
“Vé dịp lễ 30/4 đã bán sạch từ sớm, thời điểm này làm gì còn mà hạ giá với giảm giá. Thực chất vé giảm trên thị trường hiện nay là vé từ ngày 6/5 đến ngày 9/5 - giai đoạn thấp điểm ngay sau lễ” – chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, một đại lý bán vé máy bay chia sẻ.
Tương tự, chị Hoàng Ngọc Anh, cũng đang là đại lý bán vé máy bay tại TP Hồ Chí Minh cho biết, thực chất giá vé máy bay chỉ giảm mạnh khi khởi hành trước hoặc sau kỳ nghỉ lễ. Còn đúng kỳ nghỉ lễ (trong khoảng từ ngày 29/4-3/5), giá vé máy bay có giảm nếu so với đợt cao điểm từ giữa đến cuối tháng 3 song không đáng kể.
Vé máy bay bất ngờ hạ nhiệt ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4 là hiện tượng bình thường, theo nhu cầu thị trường. Ảnh minh họa
“Để thu hút người xem, nhiều người bất chấp đăng bài khẳng định có vé "giá sốc" dịp lễ, nhưng nếu khách hàng cẩn thận đối chiếu với giá vé trên website, mức chênh lệch giá vé chỉ từ 100.000 – 200.000 đồng chưa tính phí xuất vé” – chị Ngọc Anh nói và dẫn chứng bằng giá vé máy bay chặng Hà Nội - Phú Quốc ngày khởi hành 28/4, chiều về ngày 2/5 có giá thấp nhất cũng rơi vào mức 3,6 - 6,1 triệu đồng.
“Đó giá khởi hành ngày 28/4, chứ nếu khởi hành đúng ngày 30/4 và về ngày 3/5, đại lý cho biết giá sẽ đắt hơn tương đối” - chị Ngọc Anh nói thêm.
Đồng quan điểm, anh Lê Minh Quân (đại lý bán vé may bay ở quận 6, TP Hồ Chí Minh) cũng khẳng định, đại lý chỉ là bên ăn chiết khấu, không thể chịu lỗ mà giảm giá được nhiều. Tình trạng “xả hàng” những ngày vừa qua có thể do một số đại lý cố tình làm quá lên gây chú ý, với mục địch để tăng tương tác.
Theo khảo sát, giá vé máy bay giá thấp hiện chỉ có ở các chiều bay trống, như từ các tỉnh đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh những ngày đầu nghỉ lễ và ngược lại những ngày cuối nghỉ lễ, hoặc những đường bay các hãng tập trung nhiều như Hà Nội - Đà Nẵng – TP Hồ Chí Minh. Thậm chí, so với mức giá giảm sâu tuần trước, giá vé đã có đà tăng trở lạ. Tuy nhiên, nếu so với mức đỉnh điểm cách đây khoảng hơn nửa tháng thì giá vé máy bay vẫn đang rẻ hơn rất nhiều.
Đơn cử, chặng TP Hồ Chí Minh - Hà Nội tuần trước có giá vé rẻ nhất là 2,1 triệu đồng của Vietjet nhưng đến nay chỉ có mức giá rẻ nhất là 2,6 triệu đồng. Các chuyến bay của Vietnam Airlines và Bamboo có giá 3,1-4 triệu đồng.
Các chặng bay đến Phú Quốc tăng nhẹ so với tuần trước, hiện ở mức 2,1-2,5 triệu đồng chặng TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc và 2,6-2,9 triệu đồng chặng Hà Nội - Phú Quốc ở tất cả hãng. Tuy vậy, mức giá này đã giảm khoảng 40% so với cách đây một tháng.
Mức giá các chặng bay đến Đà Nẵng từ TP Hồ Chí Minh và Hà Nội bất ngờ về mức như ngày thường, từ 2,3 đến hơn 3 triệu đồng ở tất cả các hãng.
Không có tình trạng găm giá
Giải thích về xu hướng giảm giá đang diễn ra trên thị trường, các hãng bay lý giải là do cung - cầu thị trường nên giá vé máy bay có xu hướng giảm ngay sát dịp nghỉ lễ 30-4, chứ không có găm giá.
"Các hãng đều khát dòng tiền, có khách mua là bán ngay chứ không có chuyện găm hàng chờ giá cao. Có chuyến bay là mở bán liền, show giá ra hết. Không mở bán đối thủ sẽ lấy hết khách, dại gì mà găm hàng" - đại diện một hãng bay nói.
Liên quan đến vụ vệc, đa số các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nhận định, đây là hiện tượng cung - cầu trong ngành hàng không. Vì mỗi hãng có quy định riêng về tỉ lệ mua "vé seri" ở từng chặng bay trong nước và quốc tế. Có hãng yêu cầu đại lý hoặc công ty du lịch đặt cọc 30%, 50% hoặc tỉ lệ ghế trên chuyến bay. Và tất nhiên, số tiền này lên đến hàng tỉ hoặc vài chục tỷ đồng. Khi ôm vé seri, đại lý hoặc công ty du lịch sẽ bán dần. Chẳng hạn đại lý ôm vé từ tháng 2 để phục vụ cho mùa cao điểm 30/4, nếu giá tăng, khách mua nhiều sẽ lãi lớn. Nếu bán không hết sẽ mất tiền. Do đó, khi đến sát ngày hết hạn, sức mua yếu khiến họ đồng loạt xả hàng, giá vé hạ nhiệt.
"Tất nhiên, đại lý chỉ là phần nhỏ trong nguyên nhân giá vé giảm. Các hãng bay hiện nay tăng chuyến bay. Khi các chuyến bay trước đã bán hết vé, mở thêm chuyến bay mới thì vẫn nguyên tắc giá thấp bán trước, giá cao bán sau. Đây không phải là giảm giá mà mức giá mới của những chuyến bay tăng cường" - Giám đốc một công ty du lịch lớn ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ.
Đồng tình với góc nhìn này, đại diện một doanh nghiệp lữ hành tại TP Hồ Chí Minh cho biết, các công ty lữ hành đều đã bán hết chương trình du lịch nghỉ lễ từ cả tháng trước, muộn nhất đầu tháng 4 đã phải chốt. Hiện tại, các doanh nghiệp đã chuyển sang bán chương trình du lịch hè.
Trước đó, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cũng xác nhận, để đáp ứng nhu cầu đi lại những ngày cao điểm nghỉ lễ, Cục đã có văn bản yêu cầu các hãng tăng chuyến bay.
Cụ thể, từ thời điểm 26/4 đến hết ngày 4/5, tại sân bay Tân Sơn Nhất đến các điểm du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, các hãng đã tăng 30 chuyến/ngày. Tại sân bay Nội Bài đến các điểm du lịch như Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quy Nhơn, Nha Trang các hãng cũng tăng hơn 30 chuyến/ngày. Riêng sân bay Nội Bài do còn nhiều slot trống nên có thể yêu cầu các hãng tiếp tục tăng chuyến khai thác nếu nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.
“Theo nguyên tắc và quy luật cung cầu, khi lượng cầu cao hơn cung thì giá vé cao, khi lượng cung cao hơn cầu thì giá vé giảm. Cục chỉ đạo các hãng bay tăng chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân chứ không can thiệp vào giá vé của các hãng bay” - ông Thắng phân tích.