Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biễn phức tạp
Trong năm 2022, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng trên toàn quốc trong năm qua đã phát hiện và xử lý gần 140 nghìn trường hợp vi phạm.
Làm rõ việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Sau khởi tố vụ án tại Công ty sữa Hà Lan, Đồng Nai ngừng cung cấp sữa Hà Lan đến người lao động
Cần tăng cường chống hàng giả trên nền tảng số
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 chủ trì Hội nghị.
Ngày 22/2, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của năm 2022 và phương hướng trọng tâm trong năm 2023.
Tại Hội nghị, ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: Tình hình hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã quý hiếm; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp.
Năm 2022, xu hướng mua bán, giao dịch qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội ngày một tăng cao, các đối tượng đã triệt để lợi dụng để kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát, phát hiện của các lực lượng chức năng.
Các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương (đơn vị, địa phương) phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.945 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 17,75% so với cùng kỳ năm 2021); 124.121 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 2,36% so với cùng kỳ năm 2021); 3.692 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 56,51% so với cùng kỳ năm 2021); thu nộp ngân sách nhà nước 12.829 tỷ đồng (giảm 29,92% so với cùng kỳ năm 2021); khởi tố hình sự 642 vụ (giảm 68,96% so với cùng kỳ năm 2021), 720 đối tượng (giảm 73,86% so với cùng kỳ năm 2021).
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nhận định năm 2023, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành như bộ đội biên phòng và hải quan.
Bên cạnh đó, hải quan, thuế sẽ phối hợp chặt chẽ hơn trong chia sẻ dữ liệu. Khi cơ quan hải quan kiểm tra trên hệ thống nhận thấy hàng không có hóa đơn điện tử thì có thể chắc chắn là hàng lậu.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HT
Đại tá Vũ Như Hà - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho rằng, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có thể chủ yếu hoạt động núp bóng pháp nhân đi qua đường chính ngạch với lượng hàng hóa vi phạm sẽ tăng mạnh với nhiều mặt hàng như: Xăng dầu, đường, thuốc lá, ngoại tệ...
Theo Đại tá Vũ Như Hà, các cơ quan chức năng cần đánh giá hoạt động tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, rà soát để kịp thời phát hiện các đối tượng buôn lậu lợi dụng chính sách, từ đó có phương án đấu tranh kịp thời.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), lưu ý việc xây dựng lực lượng tinh nhuệ, chủ động, thống nhất, phản ứng nhanh, liên tục, thông suốt hiệu quả 24/7, hướng tới là lực lượng mang tính phòng ngừa, giám sát vì sự phát triển của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Về chính sách, cần sớm phê duyệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử để có cơ sở xử lý các hành vi mới phát sinh.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc-Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, ghi nhận yêu cầu Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 lắng nghe, tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện vào báo cáo.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh thêm một số giải pháp trọng tâm để triển khai nhiệm vụ này trong năm 2023, cụ thể:
Các đơn vị tăng cường phối hợp, chủ động nắm bắt tình hình, đánh giá đúng thực trạng, nhận diện những vấn đề nổi cộm, phức tạp, phương thức hoạt động, xác định tuyến địa bàn mặt hàng trọng điểm; kịp thời tham mưu đề xuất có phương án phối hợp đánh trúng đối tượng, tụ điểm phức tạp để răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm.
Đẩy mạnh, phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông để phản ánh một cách kịp thời tình hình, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm và biểu hiện trong hoạt động công vụ của lực lượng chức năng. Làm tốt công tác tuyên truyền chính sách pháp luật, vận động nhân dân không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường sự phối hợp cung cấp thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng cấm cho các cơ quan chức năng xử lý. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thay đổi hành vi, thói quen, mang tính chất cảnh báo.
Các lực lượng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm. Nếu xây dựng được hệ thống dữ liệu đầy đủ, liên thông liên ngành thì việc kiểm tra, giám sát, phát hiện hành vi sẽ thuận lợi hơn. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đang xây dựng dữ liệu hóa đơn điện tử, có kế hoạch triển khai có công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) kiểm soát dữ liệu điện tử tăng cường hiệu quả đối soát, kiểm tra…
Đồng thời đề nghị các đơn vị công khai rộng rãi số điện thoại, thư điện tử, đường dây nóng để tiếp cận tin báo, xử lý nghiêm vi phạm; triển khai những nghiệp vụ cơ bản bảo đảm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm.
Văn phòng thường Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trực theo dõi sát tình hình tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo; chủ động kiểm tra chéo thông qua thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất tập trung vào những vụ việc hoặc địa bàn nhạy cảm, có dư luận quan tâm, từ đó nâng cao trách nhiệm triển khai công tác của các ngành, các lực lượng.