6 tháng đầu năm 2024 nông sản chủ lực ''được mùa, được cả giá''
Trong 6 tháng đầu năm nay nhiều sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp “được cả mùa” và “được cả giá”, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và thu nhập của người sản xuất.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai
Tiêu dùng trong tuần (23/6-30/6/2024): Hành tăm, vải, hoa màu... giá tăng cao
Giá ngoại tệ hôm nay 28/6/2024: USD đảo chiều giảm mạnh
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 duy trì tăng trưởng ổn định, sản lượng lúa và nhiều cây trồng tăng so với cùng kỳ.
Xuất khẩu các ngành nông nghiệp tăng cao, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản đạt 16,64 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.
Khác với tình trạng trước đây thường là “được mùa thì mất giá”, trong 6 tháng đầu năm nay nhiều sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp “được cả mùa” và “được cả giá”, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và thu nhập của người sản xuất.
Về giá bán sản phẩm, tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá bán sản phẩm nông nghiệp bình quân tăng 10,29% so bình quân cùng kỳ, trong đó chỉ số giá sản phẩm cây hàng năm tăng 11,27%; cây lâu năm tăng 22,3%.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Trong đó, sản lượng lúa vụ đông xuân 2024 đạt 20,32 triệu tấn, tăng 132,5 nghìn tấn (tăng 0,7%) so vụ đông xuân năm trước. Giá bán sản phẩm ở mức cao, bình quân 6 tháng đầu năm 2024 giá lúa tăng 20,41% so cùng kỳ.
Giá gạo xuất khẩu bình quân cũng tăng 18,33% so với cùng kỳ năm 2023 (xuất khẩu gạo ước 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4,68 triệu tấn với kim ngạch 2,98 tỷ USD, tăng 10,4% về lượng và tăng 32% về giá trị).
Trong khi đó, sản lượng cây ăn quả 6 tháng đầu năm đạt khá. Cụ thể, sầu riêng đạt 487,7 nghìn tấn, tăng 20,3% so cùng kỳ; ổi đạt 201,4 nghìn tấn, tăng 5,9%; mít 405,8 nghìn tấn, tăng 4,2%; chanh leo 79,4 nghìn tấn, tăng 3,5%; nhãn đạt 199,6 nghìn tấn, tăng 102,9%; cam đạt 519,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; xoài, chuối đều tăng 2,3% so cùng kỳ…
Giá bán hầu hết sản phẩm cây ăn quả tăng, bình quân 6 tháng đầu năm tăng 6,12% so với bình quân cùng kỳ năm trước, trong đó giá cam, quýt, cây có múi tăng 5,03%; giá nhãn, vải chôm chôm tăng 8,98%...
Tổng giá trị xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2024 đạt 3,43 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, riêng cây vải, sản lượng thu hoạch vải 6 tháng đầu năm ước đạt 134,3 nghìn tấn, giảm 17,7%.
Nguyên nhân là do thời điểm cây ra hoa, thời tiết xuất hiện mưa nhiều khiến hoa bị chột. Dù vậy, giá bình quân 6 tháng đầu năm tăng 20,8% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê nhận định: Hiện tượng “được mùa mất giá” không xảy ra trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, bài học về sự phát triển quá nhanh, không theo định hướng và thiếu kiểm soát chất lượng sản phẩm vẫn là những điều cần phải được lưu tâm, đặc biệt tại các vùng trồng không phù hợp như nhiễm mặn, nhiễm phèn hoặc vùng không chủ động được tưới tiêu sẽ gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng sản phẩm.
Để cạnh tranh xuất khẩu bền vững, tránh tình trạng “được mùa mất giá”, Tổng cục Thống kê cho rằng các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải tiếp tục nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời việc phát triển phải bảo đảm theo quy hoạch, định hướng, cập nhật kịp thời những yêu cầu kĩ thuật, cũng như nắm bắt đầy đủ thông tin, nhu cầu thị trường bán sản phẩm.