Chứng khoán 13/3: Dòng tiền lan tỏa, hàng loạt cổ phiếu lập đỉnh mới
Dòng tiền trên thị trường hôm nay tìm đến đều khắp các nhóm ngành trong sự hưng phấn. VN-index chính thức chinh phục thành công mốc 1.270.
Những trợ lực quan trọng để thị trường chứng khoán bứt tốc năm 2024
Chứng khoán 5/3: Cổ phiếu bán lẻ thăng hoa, MSN thành đầu tàu kéo chỉ số
Khởi tố 22 người trong vụ án Trịnh Văn Quyết lừa đảo và thao túng chứng khoán
Dòng tiền lan tỏa
Phiên hôm nay 13/3, dòng tiền lan tỏa các ngành, tác động tích cực lên chỉ số. Trong đó, nhóm chứng khoán, ngân hàng đóng góp tích cực nhất cho VN Index khi tăng .
VCB là mã cổ phiếu đóng góp điểm số nhiều nhất cho chỉ số với 2,1 điểm tăng. Tiếp đến là các mã FPT, HPG, MBB, VPB, VIC, DGC, MSN, CTG, ACB, BID, TCB, GVR, MWG. Nhóm cổ phiếu trên đóng góp gần 15 điểm tăng cho chỉ số. Ở chiều ngược lại, VJC, SBT và TCD là những mã có tác động tiêu cực nhất khi lấy đi gần 0,1 điểm của chỉ số. Kết phiên, VN Index tăng vọt 25,5 điểm (tương đương 2%) lên 1.270,5 điểm. Đây là phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay.
Toàn thị trường có 590 mã tăng, 159 mã giảm
Ngành chứng khoán là ngành có sự phục hồi mạnh nhất khi tăng 4,77%, với 4 sắc tím tại VIX, VDS, ORS và VCI. Không chỉ khởi sắc về giá, nhóm công ty chứng khoán còn dẫn đầu về thanh khoản khi 3 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE đều là nhóm này. Trong đó, VIX là mã có thanh khoản tốt nhất với 37,29 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần (20.100 đồng). Tiếp đến là SSI với 35,79 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,55% lên 37.950 đồng; VND khớp 35,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,2% lên 23.550 đồng. Ngoài ra, VCI khớp 13,48 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 51.600 đồng và còn dư mua giá trần gần 0,8 triệu đơn vị; ORS khớp 11,55 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần (17.900 đồng) hơn 112.000 đơn vị.
Ở nhóm công nghệ thông tin, nhóm này cũng phục hồi mạnh mẽ khi tăng 4,18% với 3 mã tăng trần, 12 mã tăng và chỉ có 2 mã giảm. FPT hôm nay tăng một mạch 4,56% lên 117.000 đồng/cp, tương đương 5.100 đồng/cp.
Nhóm ngân hàng hôm nay xanh mướt, tăng mạnh nhất là VIB tăng 3,52% lên 22.050 đồng, tiếp đến là ACB tăng 3,36% lên 27.650 đồng, MBB tăng 3,25% lên 23.850 đồng; có 8 mã tăng trên dưới 2%, còn anh cả VCB cũng tăng 1,69% lên 96.000 đồng. Về thanh khoản, STB là mã có lượng khớp lớn nhất 16,47 triệu đơn vị, đóng cửa tăng gần 2% lên 30.850 đồng. Tiếp sau là 3 mã EIB, MBB và SHB với tổng khớp trên dưới 15 triệu đơn vị.
Nhóm bất động sản, xây dựng cũng thăng hoa khi có 2 mã cổ phiếu tăng trần là CTD và VRC lên lần lượt 75.700 đồng và 12.000 đồng. Trong khi đó, NVL đóng cửa tăng 2,48% lên 16.550 đồng. DIG khớp 14,82 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,47% lên 27.000 đồng.
Thanh khoản phiên hôm nay đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng. Hút dòng tiền mạnh nhất là SSI (1.334 tỷ đồng). Tiếp sau là HPG (897 tỷ đồng), VND (808 tỷ đồng), VIX (729 tỷ đồng), VCI (677 tỷ đồng).
Khối ngoại hôm nay tiếp tục bán ròng 460 tỷ đồng, nhiều nhất là VNM (-242 tỷ đồng), VHM (-121 tỷ đồng), GEX (-51 tỷ đồng), VND (-49 tỷ đồng), VCB (-43 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, MWG được khối ngoại mua ròng 68 tỷ đồng, DCM 41 tỷ đồng và HPG, DPM đều hơn 31 tỷ đồng.
Hàng loạt cổ phiếu lập đỉnh mới
Trong nhịp hưng phấn kéo dài suốt 4 tháng của dòng tiền (VN-Index tăng hơn 240 điểm từ đầu tháng 11/2023), hàng chục cổ phiếu đã lần lượt thiết lập các mức đỉnh lịch sử như ACB, HDB, MBB, VCB, LPB, BID), chứng khoán (BSI, CTS...), nhóm sản xuất (BMP, DRC...). Đặc biệt, cả 4 cổ phiếu họ FPT (FPT, FRT, FTS, FOX) trở thành trường hợp hiếm hoi cùng nhau thiết lập các mức cao kỷ lục. Trong số này, FPT tiếp tục thị uy sức mạnh khi tăng thêm 20,8% chỉ tính từ đầu tháng 2 tới nay.
Nếu tính từ thời điểm thị trường tạo đáy 874 điểm hồi giữa tháng 11/2022, cổ phiếu FPT thậm chí tăng tới 120% - mức tăng rất mạnh đối với một cổ phiếu VN30 trong cùng thời điểm.
Riêng trong phiên hôm nay, FPT đã tăng một mạch 4,56% lên 117.000 đồng/cp, tương đương 5.100 đồng/cp. Với mức tăng này, tỷ phú Trương Gia Bình, người đang sở hữu hơn 77 triệu cổ phiếu FPT, đã bỏ túi gần 400 tỷ đồng trong phiên.
Năm 2023, doanh thu Tập đoàn FPT đạt 52.618 tỷ đồng - tăng 19,6% so với năm 2022. Đây cũng là năm thứ 5 liên tiếp FPT ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với năm trước đó, vượt kỷ lục cũ lập được năm 2017.