Dòng tiền "khủng" lại chảy vào chứng khoán
Dù thị trường chứng khoán đã điều chỉnh nhẹ do áp lực chốt lời, nhưng tín hiệu vui nhất tại thời điểm này đó chính là dòng tiền của nhà đầu tư đã tích cực trở lại. Gần 19 nghìn tỷ đồng giao dịch "khớp lệnh" trong 1 phiên, cao nhất 3 tháng qua.
Tiền lại bắt đầu đổ vào thị trường chứng khoán
Hoàng Anh Gia Lai bị phạt 3 tỷ đồng vì vi phạm trong giao dịch chứng khoán
Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh Lê Hải Trà bị khai trừ khỏi Đảng
Dòng tiền tăng mạnh
Thị trường chứng khoán có phiên giao dịch giàu cảm xúc khi ''xanh'' từ đầu phiên do tác động đến từ đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài khi áp lực chốt lời ngay lập tức xuất hiện và kéo thị trường giảm điểm.
Dòng tiền chảy mạnh nhất vào cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng
Chốt phiên giao dịch chứng khoán ngày 11/8, VN-Index giảm 4,43 điểm (0,35%) về 1.252,07 điểm, HNX-Index giảm 3,36 điểm (1,11%) xuống 300,18 điểm, UPCoM-Index giảm 0,39 điểm (0,42%) conf 92,72 điểm.
Lực bán dâng cao vào cuối phiên với đà giảm phủ rộng toàn bộ thị trường thay vì tập trung vào một nhóm ngành hay một nhóm cổ phiếu cụ thể.
Ở nhóm vốn hóa lớn, lực cung tăng mạnh mẽ ở các bluechip như NVL, VNM, HPG, VPB và MBB. Theo đó, VN30-Index cũng "quay xe" với mức giảm gần 5 điểm khi đóng cửa.
Diễn biến theo nhóm ngành, cổ phiếu hóa chất gây áp lực giảm điểm lớn nhất lên chỉ số với mức ảnh hưởng gần 1 điểm. Song song đó, dòng thép, bất động sản, sản xuất thực phẩm, xây dựng & vật liệu, chứng khoán,... cùng chuyển biến tiêu cực và trở thành lực cản của chỉ số.
Áp lực điều chỉnh hiện hữu, tuy nhiên một số cổ phiếu vẫn thu hút được sự chú ý của dòng tiền, và kết phiên trong sắc tím trần như TPC, DTA, PDN, MCG, VMD, TTT, KKC, PTD, SVN, SPI, LUT, L43...
Đáng chú ý trong phiên giao dịch này, thanh khoản cao với giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt tới hơn 22,5 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 1 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Chỉ riêng trên sàn HoSE, thanh khoản tăng hơn 4.400 tỷ đồng so với phiên 10/8, lên gần 18.800 tỷ đồng – mức cao nhất kể từ giữa tháng 5 đến nay.
Dòng tiền chảy mạnh nhất vào cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng khi giá trị giao dịch xấp xỉ 5.500 tỷ đồng. Nhóm công nghiệp, nguyên vật liệu và bất động sản xếp sau đó với thanh khoản dao động 2.000 - 3.000 tỷ đồng.
Tính riêng từng cổ phiếu, VND đứng đầu với giá trị khớp lệnh gần 850 tỷ đồng. HPG, SSI, VCI và DIG lần lượt xếp sau khi đạt 520 - 820 tỷ đồng mỗi mã. Điểm chung của những cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất trong phiên hôm nay là đều đóng cửa dưới tham chiếu.
Có thể thấy, đây là tín hiệu vui trong bối cảnh tâm lý bi quan và thận trọng của nhà đầu tư dâng cao khiến dòng tiền giảm sút mạnh (có phiên đạt chưa đến 10.000 tỷ đồng).
Chờ tin để bứt phá
Theo thống kê, VN-Index đã tăng 4 tuần trước và hồi lại hơn 10% nhưng các cổ phiếu có thể hồi 20 - 30%. Do vậy áp lực chốt lời sẽ thường xuyên diễn ra cũng như thị trường có những nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh cả phiên là hoàn toàn bình thường. Điểm cần lưu ý là thanh khoản vẫn giữ ở mức khá tích cực, do vậy dòng tiền sẽ luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Các nhóm cổ phiếu có mức tăng tốt sẽ còn chịu áp lực chốt lời, trong khi các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều trong thời gian vừa qua sẽ có cơ hội để đón dòng tiền chuyển hướng.
Theo nhiều chuyên gia, thời điểm hiện tại cả trong và ngoài nước không có thông tin bất lợi, do vậy thị trường sẽ nhanh chóng quay lại trạng thái cân bằng và hồi phục cùng các thị trường quốc tế.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, thanh khoản gia tăng trong những phiên gần đây cho thấy dấu hiệu hoạt động của các nhà đầu tư đang trở nên tích cực. VN-Index vẫn đang chờ đợi thêm một số thông tin thuận lợi về tăng trưởng tín dụng hoặc Nghị định 153 (trái phiếu doanh nghiệp) để tạo đà bứt phá về vùng 1.280 - 1.300 điểm.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) nhận định, thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh trong phiên giao dịch kế tiếp. VN-Index có thể kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ 1.229 điểm trong những phiên tới. Đồng thời, nếu nhịp điều chỉnh tiếp diễn thì đồ thị giá có thể bước vào giai đoạn tích lũy ngắn hạn và dòng tiền ngắn hạn sẽ suy yếu.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư đang có phần thận trọng với diễn biến hiện tại. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục, và chưa nên mua mới ở vùng giá này để quan sát nhịp điều chỉnh.