Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh
Trong tháng 6/2022 Việt Nam xuất khẩu 726.308 tấn gạo, tương đương 354,42 triệu USD, giá trung bình 488 USD/tấn, tăng mạnh 66,6% về lượng và tăng 46,8% kim ngạch so với tháng 6/2021.
Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2022 thu về gần 469,26 triệu USD
Xuất khẩu gạo tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị
Thị trường ngày mùng 3 Tết: Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2022 cả nước đã xuất khẩu 726.308 tấn gạo, tương đương 354,42 triệu USD, giá trung bình 488 USD/tấn, tăng 2,2% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 5/2022; so với tháng 6/2021 thì tăng mạnh 66,6% về lượng, tăng 46,8% kim ngạch.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu trên 3,49 triệu tấn gạo, tương đương gần 1,71 tỉ USD, tăng 15,4% về khối lượng và tăng 3,6 % về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả này Việt Nam đang tạm thời vượt lên trên Thái Lan trong cuộc đua đến vị trí xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới sau Ấn Độ.
Bởi theo số liệu của Cơ quan Hải quan Thái Lan, tính đến hết tháng 5 xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 2,7 triệu tấn gạo, tăng 48,3% so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn khoảng 100.000 tấn so với Việt Nam trong cùng thời điểm.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Ảnh: VTV.vn
Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện đang tương đối thuận lợi nhờ được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng cao tại các thị trường truyền thống và mở rộng tiêu thụ ở các thị trường cao cấp.
Theo đó, Philippines tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm nay với hơn 1,6 triệu tấn, tăng 48,6% so với cùng kỳ và chiếm 47% tổng khối lượng gạo xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này dự báo nhập khẩu gạo của Philippines năm nay có thể tăng gần 5% so với năm ngoái lên mức kỷ lục 3,1 triệu tấn. USDA điều chỉnh tăng dự báo đối với nhập khẩu gạo của Philippines do nhận thấy lượng nhập khẩu hàng tháng lớn từ Việt Nam, nhà cung cấp lương thực hàng đầu của nước này.
Trong khi đó, dữ liệu mới nhất từ Cục Công nghiệp Thực vật Philippines (BPI) cho thấy nhập khẩu gạo của Philippines trong 6 tháng đầu năm đã tăng 30% (433.000 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 1,9 triệu tấn, do nhu cầu về nguồn cung có giá rẻ hơn.
Tờ Businessmirror trích dẫn các nguồn tin trong ngành gạo Philippines cho biết chi phí nhập khẩu từ nước ngoài vẫn rẻ hơn so với sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp nhập khẩu gạo có lợi hơn.
Cũng theo dữ liệu của BPI thì Việt Nam vẫn là nhà cung cấp gạo hàng đầu của Philippines trong 6 tháng đầu năm nay, chiếm hơn 80% thị phần với 1,5 triệu tấn.
Kể từ khi bắt đầu thực hiện luật tự do hóa thương mại gạo (RTL) hay Đạo luật Cộng hòa 11203 vào đầu năm 2019, nhập khẩu gạo hàng năm của Philippines đạt trên 2 triệu tấn, đưa nước này trở thành nhầ nhập khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.
Bên cạnh Philippines, các nước Đông Nam Á khác như Malaysia và Indonesia cũng đang tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam, trong khi nhu cầu từ khu vực châu Phi vẫn đang khá tốt. Đà tăng này đã bù đắp phần nào sự sụt giảm trong xuất khẩu gạo sang Trung Quốc.
Mặt khác, nhu cầu đối với gạo thơm tương đối cao và điều này thuận lợi cho chiến lược chuyển đổi xuất khẩu sang gạo chất lượng cao của Việt Nam đến các thị trường như Nhật Bản, EU, Canada và Mỹ.
Những năm gần đây, Việt Nam đã phát triển các giống lúa Đài Thơm 8, Jasmine và ST21, ST24, đặc biệt là giống gạo ST 25 đã giành giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019. Điều này giúp cho Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường khác nhau và hướng đến các thị trường cao cấp hơn.
Vừa qua, tại hội thảo với chủ đề “Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam”, ông Phạm Quang Diệu - Chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo, Công ty Agromonitor, nhận định trong 5-7 năm qua, xuất khẩu gạo Việt Nam có tiến triển lớn.
“Các thương nhân quốc tế công nhận sức cạnh tranh của gạo Việt Nam tốt hơn. Phân khúc gạo trung bình khá Việt Nam được khẳng định. Thương nhân Thái đang lo ngại sức cạnh tranh của gạo Việt Nam và Thái Lan có thể để mất thị phần”, ông Diệu cho biết.
Thực tế trong những năm gần đây, ngành gạo Thái Lan đã mất dần thị phần trên thị trường quốc tế vào tay các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ hay Việt Nam. Nguyên nhân là bởi sản lượng thấp do hạn hán và mất mùa và các loại gạo không phản ứng kịp với biến động giá của thị trường.
Năm 2020, Thái Lan đã tụt xuống vị trí thứ 3 về xuất khẩu gạo toàn cầu với 5,7 triệu tấn so với 6,2 triệu tấn của Việt Nam. Sang đến năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam giữ nguyên trong khi Thái Lan trở lại vị trí thứ 2 với 6,3 triệu tấn.
Năm 2022, ngành gạo Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 6,4 triệu tấn trong khi Thái Lan đặt mục tiêu 7-8 triệu tấn. Tuy nhiên, với cục diện thị trường như hiện nay không dễ để Thái Lan có thể bứt lên trên Việt Nam trong cuộc đua xuất khẩu gạo.
Đối với thị trường trong nước, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ngày 22/7 đi ngang, trong khi giá gạo giảm nhẹ.
Cụ thể, tại An Giang, lúa tươi OM 5451 đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 5.800 - 5.900 đồng/kg; lúa OM 18 có giá 6.000 - 6.150 đồng/kg; Lúa tươi Đài thơm 8 ở mức 5.900 - 6.100 đồng/kg; lúa Nàng hoa 9 ở mức 6.100 - 6.200 đồng/kg; IR 504 5.500 - 5.700 đồng/kg; lúa IR 504 khô 6.500 đồng/kg.
Với mặt hàng lúa nếp, nếp An Giang tươi 5.900 - 6.100 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.100 - 6.300 đồng/kg; nếp An Giang khô 7.500 - 7.600 đồng/kg; nếp Long An khô 7.700 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, hiện giá gạo NL IR 504 ở mức 8.200 - 8.300 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg; gạo thành phẩm 8.600 - 8.700 đồng/kg, giảm 100 - 150 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 giảm 50 đồng/kg xuống còn 8.300 - 8.350 đồng/kg; cám khô giảm 100 đồng/kg xuống mức 8.600 - 8.700 đồng/kg.
Theo một số thương lái tại khu vực An Giang, Đồng Tháp… những ngày qua thời tiết mưa kéo dài ở nhiều nơi khiến chất lượng lúa Hè thu giảm liên tục, trong khi diện tích lúa chín ngày càng mở rộng hơn tại các địa bàn đồng bằng sông Cửu Long. Giá lúa có xu hướng sụt tiếp. Nhiều khu vực, nông dân chào bán không ai mua, phải tự thu hoạch chờ thương lái mua lại.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg - 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 - 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 - 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 - 8.000 đồng/kg.