Giá nông sản ngày 4/3/2024: Cà phê và hồ tiêu đồng loạt tăng

(Tieudung.vn) - Ghi nhận giá nông sản ngày 4/3, mặt hàng cà phê và hồ tiêu đồng loạt tăng so với hôm qua.

Giá nông sản ngày 4/3/2024: Cà phê và hồ tiêu đồng loạt tăng

Giá nông sản ngày 4/3/2024: Cà phê và hồ tiêu đồng loạt tăng
Ghi nhận giá nông sản ngày 4/3, mặt hàng cà phê và hồ tiêu đồng loạt tăng so với hôm qua.

Giá nông sản ngày 4/3: Cà phê cao nhất đạt 86.000 đồng/kg

Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 85.100 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 85.000 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 85.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 85.700 đồng/kg.

Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 85.700 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 85.600 đồng/kg.

Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 86.000 đồng/kg, 85.900 đồng/kg.

Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 85.700 đồng/kg. 

Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 85.000 - 86.000 đồng/kg.

Trên thế giới, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2024 ở mức 3.143 USD/tấn, giao tháng 7/2024 ở mức 3.057 USD/tấn. Tại sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 ở mức 183,30 cent/lb, giao tháng 7/2024 ở mức 181,40 cent/lb.

Giá nông sản ngày 4/3/2024: Cà phê và hồ tiêu đồng loạt tăng

Ảnh minh họa. Ảnh: Hà Nguyễn

Đánh giá về tình hình cung cầu cà phê trên toàn cầu, giới chuyên gia quốc tế cho rằng, thế giới sẽ không thiếu hay gặp khó khăn đối với nguồn cung Arabica nhưng sẽ có khó khăn với Robusta.

Trong khi đó, Việt Nam là nước sản xuất và cung cấp Robusta số 1 thế giới nhiều năm nay. Cả thế giới quen với việc mua cà phê Robusta của Việt Nam. Các nhà rang xay trên thế giới đã thay đổi công thức rang xay của họ với thành phần lớn là Robusta Việt Nam.

Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, giá Robusta đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm do lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Việt Nam.

Nguồn cung Robusta toàn cầu vẫn còn bị ách tắc và tại thị trường nội địa của nhiều nước sản xuất chính vẫn còn hiện tượng kháng giá. Cùng với đó, việc EU quy định cà phê là mặt hàng phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá, bởi nhiều nước vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục đáp ứng yêu cầu này. Do đó, cà phê Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi về giá.

Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, ngành cà phê thế giới đã qua thời kỳ cà phê giá rẻ. Việc tăng giá như hiện nay là lẽ công bằng và mới có thể giữ người nông dân ở lại với cây cà phê. Ông cho rằng, sau đợt sốt giá này, giá cà phê có thể tăng hoặc giảm nhưng không thể xuống đáy như những năm vừa qua.

Giá nông sản ngày 4/3: Hồ tiêu tăng 500 đồng/kg

Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 95.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay đạt mức 95.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.

Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 95.000 đồng/kg.

Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 93.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay đạt mức 93.000 đồng/kg.

Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 93.000 - 95.500 đồng/kg. 

Từ đầu năm đến nay, giá hạt tiêu luôn đứng ở mức cao. Đặc biệt, kể từ sau Tết Giáp Thìn, giá hạt tiêu liên tục tăng lên. Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), giá tiêu ngày 23/2 tại Chư Sê (Gia Lai) đã lên tới 96.000 đồng/kg. Dù giá tiêu vẫn có lúc tăng lúc giảm, nhưng xu hướng chung trong năm nay là giá sẽ tiếp tục tăng lên và hoàn toàn có thể quay trở lại mốc hơn 100.000 đồng/kg trong thời gian không xa.

Lý giải vể việc giá hạt tiêu tăng cao, nhiều thương nhân ngành hồ tiêu cho rằng, nguyên nhân trước hết thị trường thế giới đang khan hiếm hạt tiêu. Theo của Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC), sản lượng hồ tiêu thế giới năm nay sẽ giảm 1,1%, tương đương với khoảng 6.000 tấn.

Trên thực tế, sản lượng hạt tiêu toàn cầu còn có thể giảm mạnh hơn nữa. Việt Nam, nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới, sẽ giảm đáng kể về sản lượng trong năm nay, với mức giảm 10,5% xuống còn 170 nghìn tấn. Sản lượng hồ tiêu ở Brazil, Indonesia, Ấn Độ cũng được dự báo sẽ giảm do thời tiết bất lợi.

Trong khi đó, nhu cầu mua hạt tiêu của nhiều thị trường gia tăng trong quý 1. Điều này có thể thấy qua xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm. Nếu như trong tháng 1 năm ngoái, gần 13 nghìn tấn hạt tiêu được xuất khẩu ra nước ngoài, giảm tới 20,5% về lượng so với tháng 1/2022, thì trong tháng 1/2024, đã có hơn 17 nghìn tấn được xuất khẩu, tăng 40% so với cùng kỳ.

Nhiều nông dân không vội bán hạt tiêu ra thị trường, cũng đang góp phần tạo sự khan hiếm cũng như giữ cho giá tiêu ở mức cao. Đây là những nông hộ đã trụ được qua đợt thoái trào khá mạnh của cây tiêu mấy năm về trước. Ngoài cây tiêu, những hộ này còn có những nguồn thu khác từ sầu riêng, cà phê … Hạt tiêu lại trữ được lâu, có thể để vài năm mà không vấn đề gì. Do đó, nông dân không việc gì phải bán ra vội vàng khi cho rằng giá có thể còn lên nữa.

Giá tiêu cao ngay từ đầu vụ cũng báo hiệu về triển vọng thị trường trong cả năm nay, bất chấp những thách thức lớn từ xung đột địa chính trị, lạm phát, căng thẳng trên Biển Đỏ … Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), sau Tết Giáp Thìn, thương lái Trung Quốc gia tăng sức mua trên thị trường, nhất là thời điểm quý 2. Bên cạnh đó, đó các thị trường khác cũng sẽ phải mua trở lại mặc dù kinh tế vẫn đang bị khủng hoảng, điều này có thể làm cho lượng hàng tồn tiếp tục giảm.