Giá vàng ngày 30/5/2024: SJC giảm mạnh sau công bố quan trọng của Ngân hàng Nhà nước
Giá vàng SJC hôm nay (30/5) quay đầu giảm mạnh ngay sau thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại từ ngày 3/6, để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Trong khi đó, vàng thế giới cũng giảm do sự phục hồi của đồng USD.
Giá vàng ngày 29/5/2024: Trong nước và thế giới cùng tăng mạnh
Giá vàng ngày 28/5/2024: Nhà đầu tư đang đặt cược vào giá vàng sẽ lên trong thời gian tới
Giá vàng ngày 27/5/2024: Dự báo giá vàng trong tuần mới?
Vàng SJC giảm 600.000 đồng/lượng
Sáng ngày 30/5, giá vàng SJC trong nước quay đầu giảm với mức giảm cao nhất là 600.000 đồng. Hiện tại, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 88,3 triệu đồng/lượng mua vào và 90,3 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh giảm 200.000 đồng ở cả 2 chiều.
DOJI tại khu vực Hà Nội đã điều chỉnh giảm giá vàng miếng 100.000 đồng cả giá mua và giá bán xuống lần lượt 88,3 triệu đồng/lượng mua vào và 89,9 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.
Sáng 30/5, vàng trong nước giảm mạnh sau tín hiệu quan trọng của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh minh hoạ
Giá vàng Vietinbank niêm yết ở mức 88,3 triệu đồng/lượng mua vào và 90,3 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 200.000 đồng ở cả 2 chiều. Vàng miếng PNJ đang mua vào mức 88,6 triệu đồng/ lượng và bán ra mức 90,2 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng chiều mua và 100.000 đồng chiều bán so với rạng sáng qua.
Giá mua và giá bán vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đang lần lượt là 88 triệu đồng/lượng và 89,8 triệu đồng/lượng, giảm 450.000 đồng chiều mua và 200.000 đồng chiều bán. Phú Quý SJC đang thu mua vàng miếng với giá 87,7 triệu đồng/lượng và bán ra 89,4 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng chiều mua và 600.000 đồng chiều bán.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng, giá vàng Mi Hồng thời điểm khảo sát niêm yết giá vàng SJC ở mức 88,30– 89,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 88,40 – 90,00 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) từ ngày 3/6 để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Đây là biện pháp thay thế cho phương án tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC như đã diễn ra từ 22/4.
Số lượng vàng trong dự trữ ngoại hối không được NHNN công bố. Tuy nhiên, theo trang CEIC, Việt Nam có vàng dự trữ gần 650 triệu USD vào tính tới tháng 10/2023. Nếu tính mức giá khoảng 1.970 USD/ounce hồi tháng 10/2023, Việt Nam có tổng lượng vàng khoảng 10,3 tấn.
Vàng thế giới bất ngờ giảm mạnh
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5 giờ hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 2.337,45 USD/ounce. Giá vàng hôm nay giảm 23,26 USD/ounce so với giá vàng ngày hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 70,866 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 17,434 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh với vàng giao ngay giảm 24 USD xuống 2.336,9 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.336,9 USD/ounce, giảm 25,5 USD so với rạng sáng qua.
Biểu đồ biến động giá vàng trong 24 giờ qua được cung cấp bởi TradingView
Sự phục hồi của đồng USD, lợi suất trái phiếu tăng cùng bình luận “diều hâu” của quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đè nặng lên tâm lý trên thị trường vàng, trong khi các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo lạm phát quan trọng vào cuối tuần này để có cái nhìn sâu sắc hơn về lộ trình chính sách của Fed.
Đồng USD tăng 0,4% khiến vàng trở nên đắt hơn đối với người mua giữ tiền tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất gần 1 tháng làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ vàng. Trong tuần này, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari đã nhấn mạnh rằng, Ngân hàng Trung ương Mỹ nên chờ đợi những bằng chứng cho thấy lạm phát giảm trước khi cắt giảm lãi suất.
Thông tin được cho là sẽ tác động đến hướng đi của vàng trong ngắn hạn là dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) của Mỹ (thước đo lạm phát ưa thích của Fed) sẽ được công bố vào thứ Sáu. Chuyên gia phân tích thị trường Han Tan của Tập đoàn Exinity nói rằng, nếu PCE tăng cao hơn dự kiến sẽ làm tăng khả năng Fed giữ lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn. Kịch bản này có thể khiến vàng phải kiểm tra lại ngưỡng tâm lý 2.300 USD/ounce.
Mặc dù vàng đang chịu nhiều áp lực bởi kỳ vọng lãi suất, nhưng các chuyên gia phân tích hàng hóa tại UBS cho rằng, đà tăng của kim loại quý này còn lâu mới hết với dự báo giá sẽ tăng lên tới 2.500 USD/ounce vào tháng 9 và đạt 2.600 USD/ounce vào cuối năm nay. Trước đó, ngân hàng của Thụy Sĩ này dự báo các mức 2.400 USD và 2.500 USD/ounce. USB cũng dự báo, giá vàng sẽ tăng lên 2.700 USD/ounce vào tháng 6/2025.
Sáng ngày 30/5, giá vàng trên thế giới quay đầu giảm sau tuyên bố của một quan chức Mỹ. Ảnh minh hoạ
James Hyerczyk nhà phân tích tại FX Empire cho rằng, bất chấp các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông và Ukraine, Hyerczyk nhận thấy vàng đang gặp khó khăn để duy trì trạng thái trú ẩn an toàn. Ông nói: “Những lời lẽ diều hâu từ các quan chức FED đã khiến các nhà giao dịch giảm bớt kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất, ảnh hưởng đến giá vàng. Theo công cụ CME FedWatch, hiện có 46% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, phản ánh triển vọng thận trọng của thị trường.”
Trong điều kiện thị trường hiện tại, Hyerczyk tin rằng vàng có thể sẽ chịu áp lực hơn nữa, đặc biệt nếu dữ liệu lạm phát gây thất vọng. Ông cho rằng “Nếu dữ liệu PCE vào thứ Sáu cao hơn dự kiến, nó có thể củng cố triển vọng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn của Mỹ, có khả năng buộc vàng giao ngay phải kiểm tra lại mức hỗ trợ 2.300 USD”.
“Bên cạnh đó, tâm lý giảm giá được củng cố bởi sự chú trọng của FED vào việc kiểm soát lạm phát, cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới là hạn chế.” Ông nói thêm.
Còn theo các chuyên gia, Trung Quốc có thể tăng cường dự trữ kim loại, cả kim loại cơ bản như đồng và kẽm cùng với các kim loại quý như bạc và vàng, để giảm tác động lâu dài của việc đồng tiền Trung Quốc yếu đi.