Philippines đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam
Tính chung cả 7 tháng đầu năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 4,08 triệu tấn. Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 48,6% trong tổng lượng.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng mạnh
Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2022 thu về gần 469,26 triệu USD
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2022 cả nước xuất khẩu 582.635 tấn gạo, tương đương 285,28 triệu USD, giá trung bình 489,7 USD/tấn, giảm gần 20% cả về lượng và kim ngạch, nhưng giá tăng nhẹ 0,3% so với tháng 6/2022; so với tháng 7/2021 thì tăng mạnh 30,4% về lượng, tăng 23% kim ngạch nhưng giảm 5,6% về giá.
Trong tháng 7/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines giảm nhẹ 0,4% về lượng và giảm 2,5% kim ngạch so với tháng 6/2022, đạt 354.279 tấn, tương đương 165,81 triệu USD; nhưng tăng mạnh 110% về lượng, tăng 103% kim ngạch so với tháng 7/2021. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 7/2022 giảm mạnh 44,9% về lượng và giảm 41,7% kim ngạch so với tháng 6/2022, đạt 27.617 tấn, tương đương 14,53 triệu USD; so với tháng 7/2021 cũng giảm mạnh 55,5% về lượng, giảm 50,5% kim ngạch.
Tính chung cả 7 tháng đầu năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 4,08 triệu tấn, tương đương hơn 1,99 tỷ USD, tăng 17,3% về khối lượng, tăng 6% về kim ngạch so với 7 tháng đầu năm 2021, giá trung bình đạt 488,9 USD/tấn, giảm 9,6%.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 48,6% trong tổng lượng và chiếm 46,4% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 1,98 triệu tấn, tương đương 924,88 triệu USD, giá trung bình 467,4 USD/tấn, tăng mạnh 56,9% về lượng, tăng 39,8% về kim ngạch nhưng giảm 10,9% về giá so với 7 tháng đầu năm 2021.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 11,4% trong tổng lượng và chiếm 12,2% trong tổng kim ngạch, đạt 466.225 tấn, tương đương 242,74 triệu USD, giá trung bình 520,6 USD/tấn, giảm 28% cả về lượng và kim ngạch; giá giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 396.759 tấn, tương đương 177,7 triệu USD, giá 447,9 USD/tấn, tăng mạnh 51,5% về lượng và tăng 32,8% kim ngạch nhưng giảm 12,4% về giá so với cùng kỳ, chiếm 9,7% trong tổng lượng và chiếm 8,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 2,81 triệu tấn, tương đương 1,35 tỷ USD, tăng 28,3% về lượng, tăng 16,6% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 331.654 tấn, tương đương 163,55 triệu USD, tăng 25,7% về lượng và tăng 12,9% kim ngạch.
Thu hoạch lúa ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TTXVN
Dự báo về thị trường từ nay đến cuối năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, nhu cầu gạo trên thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao. Thậm chí có thể còn tăng do cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn, các loại ngũ cốc, lúa mì đang tăng giá mạnh, tạo điều kiện cho thị trường gạo sôi động.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, một số thị trường như Philippines, Trung Quốc, châu Âu dự kiến sẽ tăng lượng nhập khẩu trong thời gian tới. Dự kiến, trong năm nay Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,3 - 6,5 triệu tấn gạo, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm trước.
Hôm nay (18/8), giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ổn định, trong khi giá gạo giảm nhẹ. Cụ thể, giá lúa Đài thơm 8 5.800 - 6.000 đồng/kg; OM 18 5.800 - 6.000 đồng/kg; Nàng hoa 9 5.600 - 5.800 đồng/kg; IR 504 ở mức 5.300 - 5.450 đồng/kg; OM 5451 ở mức 5.500 - 5.600 đồng/kg; IR 504 khô 6.500 đồng/kg.
Giá lúa nếp tươi An Giang 5.900 - 6.100 đồng/kg, khô 7.500 - 7.600 đồng/kg; còn nếp tươi Long An 6.200 - 6.400 đồng/kg, khô 7.700 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm giảm nhẹ 50 - 150 đồng/kg, còn lần lượt là 8.050 - 8.100 đồng/kg và 8.650 - 8.700 đồng/kg. Giá mặt hàng phụ phẩm cũng điều chỉnh giảm từ 200 - 300 đồng/kg. Hiện giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.400, giảm 200 đồng/kg; cám khô 8.200 - 8.300 đồng/kg, giảm 250 - 300 đồng/kg.
Giá gạo tại các chợ lẻ: Gạo thường 11.500 đồng/kg - 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 - 15.000 đồng/kg; gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài 18.000 - 19.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; gạo Nhật 20.000 đồng/kg; cám 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu cũng duy trì ổn định. Hiện giá gạo 5% tấm ở mức 393 USD/tấn; gạo 25% tấm 378 USD/tấn, gạo 100% tấm 383 USD/tấn.