Thái Lan bất ngờ trở thành thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn thứ hai của Việt Nam
Thái Lan, nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới (năm 2023 xuất khẩu đến 7 tỉ USD), bất ngờ trở thành nhà nhập khẩu sầu riêng lớn thứ 2 của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024.
Giải pháp phòng trị bệnh nứt thân xì mủ trên cây sầu riêng
Điểm tên những loại trái cây mùa hè dễ bị ngâm hóa chất nhất
Phân bón Phú Mỹ: Bí quyết cho cây dưa và sầu riêng ở miền Trung – Tây Nguyên những mùa bội thu
Theo thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt hơn 800 triệu USD, chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu sầu riêng hàng đầu của Việt Nam.
Đáng chú ý, Thái Lan trở thành nước nhập khẩu loại quả này lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Đây là thông tin gây bất ngờ cho nhiều người.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Theo thống kê của hải quan, trong 4 tháng đầu năm, Thái Lan chi tới 22,5 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao hơn rất nhiều so với thị trường đứng thứ 3 là Hồng Kông chỉ có 3,6 triệu USD và tăng nhẹ 0,5%. Trong năm 2023, Hồng Kông là thị trường nhập khẩu đứng thứ 2 với kim ngạch 20 triệu USD và thứ 3 là Đài Loan với 16 triệu USD.
Giải thích về thực trạng này, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, lý do Thái Lan tăng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam là vì thời điểm đó họ chưa vào vụ mùa thu hoạch. Trong khi, du khách Trung Quốc đến Thái Lan rất nhiều, nên họ phải nhập hàng về để phục vụ mục đích du lịch nội địa.
Chưa kể, năm nay, dù vào thời điểm thu hoạch nhưng hạn hán kéo dài đã khiến sản lượng sầu riêng của nước này giảm sút đáng kể về sản lượng và chất lượng.
“Có thể việc nhập khẩu sầu riêng của chúng ta là để bù đắp nguồn cung bị thiếu hụt. Dù không có thông tin chính xác nhưng theo cá nhân tôi họ nhập khẩu để phục vụ cho các hoạt động chế biến, du lịch trong nước cũng như xuất khẩu sang nước thứ ba, mà đích đến có lẽ vẫn là Trung Quốc.
Bởi lẽ một nước đứng đầu về sầu riêng, dù mất mùa nhưng sản lượng vẫn cao hơn Việt Nam, và không thể thiếu tới mức phải nhập khẩu chỉ để phục vụ nội địa. Do đó mục đích xuất khẩu cho thị trường thứ 3 có khả năng rất lớn"- Chủ tịch Vinafruit bình luận.
Hiện nay Thái Lan nhập khẩu cả sầu riêng tươi lẫn sầu riêng đông lạnh của Việt Nam. Trong đó sầu riêng đông lạnh là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất qua Thái Lan.
“Giá sầu riêng đông lạnh của chúng ta đang rất cạnh tranh nên thu hút được Thái Lan khi nhập khẩu. Hiện tại, Thái Lan và Trung Quốc đã có nghị định thư về sầu riêng đông lạnh nên xuất khẩu sầu riêng đông lạnh rất dễ dàng. Điều này cũng bổ sung thêm cho suy đoán việc Thái Lan nhập sầu đông lạnh Việt Nam để xuất sang nước thứ ba là có khả năng cao, ông Bình thông tin thêm.
Nếu như trong thời gian tới, sầu riêng đông lạnh được chính thức xuất khẩu vào Trung Quốc, chắc chắn cơ hội cho sầu riêng Việt sẽ càng rộng mở”- ông Bình nói thêm.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, địa phương có diện tích lớn thứ 2 cả nước chia sẻ, trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức, chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học cần liên kết trong tổng thể không gian phát triển ngành hàng.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Do đó, các địa phương phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững; trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ. Việc tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
"Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin. Còn nếu liên kết từ khâu tiêu thụ thì lại rơi vào mối quan hệ thuận mua vừa bán. Ngành hàng sầu riêng cũng không ngoại lệ, các doanh nghiệp cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia; bán một trái sầu riêng ra nước ngoài còn mang cả hình ảnh quốc gia. Vì vậy, cần chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.
Hiện nay, các quốc gia càng ngày càng siết chặt việc truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm… đối với các sản phẩm nông nghiệp nói chung, ngành hàng sầu riêng nói riêng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn ngày càng có sự liên kết chặt giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, các hiệp hội, vựa thu mua, nhà vườn để phát triển bền vững ngành sầu riêng của Việt Nam, ông Lê Minh Hoan cho biết thêm.