Tiêu dùng trong tuần (từ 13-19/6/2022): Hàng hoá, thực phẩm “ăn theo” xăng tăng giá
Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, mít Thái đồng loạt giảm mạnh; trong khi nhiều loại thực phẩm “ăn theo” xăng dầu tăng giá.
Tiêu dùng trong tuần (từ 6-12/6/2022): Rau xanh tiếp tục tăng giá vì nguồn cung khan hiếm
Tiêu dùng trong tuần (từ 30/5-5/6/2022): Giá rau xanh tiếp tục “leo thang”
Tiêu dùng trong tuần (từ 23-29/5/2022): Giá rau xanh tăng gấp 3 lần, trái cây rớt giá thê thảm
Giá vàng, mít Thái đồng loạt giảm mạnh; trong khi nhiều loại thực phẩm “ăn theo” xăng dầu tăng giá. Ảnh minh họa
Giá vàng giảm mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.839 USD/ounce, giảm 17 USD/ounce so với chốt phiên trước.
Tuần qua, thị trường tài chính, trong đó có vàng đã biến động mạnh sau khi Cụ dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng USD lên 0,75%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Ngoài Fed, trong tuần còn có Ngân hàng trung ương Anh và Thụy Sỹ tăng lãi suất cơ bản đồng bảng Anh và France Thụy Sỹ nhằm kiềm chế lạm phát.
Sau khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất đã khiến thị trường chứng khoán và đồng tiền điện tử Bitcoin lao dốc, còn vàng được hưởng lợi tăng giá khi thị trường bất ổn.
Mặc dù vậy, nhưng vàng cũng chỉ có 2 phiên tăng giá liên tiếp ngày 16-17/6. Đêm qua và sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới đã quay đầu giảm mạnh. Kết tuần, giá vàng thế giới giảm 26 USD/ounce so với giá mở cửa tuần và giảm 32 USD/ounce so với giá chốt phiên cuối tuần trước.
Giá vàng giảm mạnh đã được các chuyên gia dự báo trước đó, bởi Fed đưa ra quan điểm “hạ cánh mềm” nền kinh tế. Tức là nền kinh tế có thể tăng trưởng chậm lại, giảm tỷ lệ lạm phát nhưng vẫn giữ vững việc làm cho người lao động. Việc thị trường việc làm Mỹ hiện tại vẫn sôi động tuyển dụng và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm, điều này khẳng định nền kinh tế lớn nhất thế giới khó có thể rơi vào suy thoái.
Bên cạnh đó, ngoài Mỹ thì nền kinh tế Nga đang tìm ra hướng đi mới sau khi chịu hàng loạt lệnh cấm vận của Mỹ và các nước châu Âu. Cụ thể, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg, cho biết: Kim ngạch thương mại Nga-Trung Quốc năm 2022 sẽ đạt mức kỷ lục, khoảng 140 tỷ USD và sẽ còn tăng trong tương lai. Ước 5 tháng năm 2022 kim ngạch thương mại Nga - Trung đã đạt gần 66 tỷ USD.
Như vậy, ngoài nhận định kinh tế Mỹ khó suy thoái thì nền kinh tế của Nga và Trung Quốc vẫn cho thấy những sáng sủa trong hoạt động thương mại. Sau khi nhìn nhận, đánh giá lại thị trường, giới đầu tư đã quay ra chốt lời vàng để tìm cơ hội đầu tư mới.
Trong nước, giá vàng SJC trên thị trường tự do sáng nay tiếp tục tăng so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 67,95 - 68,75 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 67,95 - 68,77 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều tăng 100.000 đồng/lượng chiều mua và đi ngang chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 67,9 - 68,7 triệu đồng/lượng, đi ngang chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý 67,95 - 68,7 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Tuần qua, giá vàng trong nước cơ bản đi theo xu hướng thế giới, trừ phiên cuối tuần. Bước giá điều chỉnh tăng mạnh nhất trong tuần là 300.000 đồng/lượng vàng SJC.
Tuy nhiên, do những phiên đầu tuần, giá vàng SJC đã giảm mạnh do nhà đầu tư lo ngại Ngân hàng Nhà nước siết chặt quản lý kinh doanh vàng miếng SJC. Chốt tuần, giá vàng SJC trên thị trường đã giảm mạnh 500.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji giảm mạnh 500.000 đồng/lượng và tại Phú Quý giảm giảm mạnh 600.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Xăng dầu đồng loạt tăng giá
Ngày 13/6, liên Bộ Công thương - Tài chính phát đi thông báo điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước, thay vào ngày 11/6 trùng vào ngày nghỉ.
Tại kỳ điều hành này, cơ quan điều hành chi quỹ bình ổn với xăng, dầu 100 - 400 đồng/lít, trừ dầu mazut.
Sau khi thực hiện việc chi sử dụng quỹ bình ổn giá, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 giờ chiều nay như sau: Xăng E5 RON 92 tăng 880 đồng/lít; Xăng RON 95 tăng 800 đồng/lít; Dầu diesel tăng 2.630 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 2.490 đồng/lít; Dầu mazut giảm 550 đồng/lít.
Theo đó: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 31.110 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 32.370 đồng/lít; Dầu diesel không cao hơn 29.020 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 27.830 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 20.350 đồng/lít.
Như vậy, đây là đợt tăng thứ 6 liên tiếp và là đợt tăng thứ 12 của mặt hàng này trong nửa đầu năm 2022. Giá xăng liên tục thiết lập mức kỷ lục và đang có mức cao nhất trong lịch sử.
Giá hải sản tăng mạnh
Khu vực buôn bán hải sản tươi sống ở phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) là nơi bày bán phong phú các mặt hàng. Với 4 hộ dân chuyên thu mua hải sản từ các nơi về rồi sau đó phân loại, nuôi nhốt trong bể để phục vụ khách hàng.
Anh Nguyễn Văn Hưng, hộ buôn bán hải sản phường Quỳnh Phương cho biết, thời điểm này, giá các mặt hàng hải sản đều tăng, đặc biệt là cua, ghẹ tăng cao hơn cả mức đỉnh dịp kỳ nghỉ lễ 30/4. Một số loại tăng gấp đôi so với trước. Mỗi ngày, gia đình anh thu mua trên 300 kg hải sản từ các xã ven biển như: ốc mỡ, ngao biển, vẹm, cá mú, cua đá... về phân loại, nuôi nhốt để bán dần cho khách.
Theo anh Hưng, những khó khăn về thời tiết và biến động giá xăng dầu khiến giá nhiều loại hải sản trong nước tăng vượt hàng ngoại nhập như cua, ghẹ. Giá xăng dầu tăng trong thời gian gần đây cũng khiến cho ngư dân ít ra biển đánh bắt hải sản hơn dẫn tới nguồn cung giảm. Đồng thời, hiện đang là mùa nước chảy, việc đánh bắt khó khăn hơn cũng đẩy giá thành một số loại hải sản tăng mạnh, đặc biệt là cua, ghẹ.
Ghi nhận tại điểm bán hải sản lớn nhất thị xã Hoàng Mai, giá cua biển từ mức 350.000 - 400.000 đồng lên 580.000 - 600.000 đồng/kg, tăng khoảng 50 - 65%; Bạch tuộc từ 150.000 - 170.000 đồng lên mức 220.000 - 250.000 đồng/kg, tương ứng mức tăng gần 50%. Các loại hải sản có mức tăng cao nhất là mực sim, từ mức 200.000 - 220.000 đồng/kg tăng lên 400.000 đồng/kg, tương đương với mức tăng 90 - 100%; Ốc hương từ mức 300.000 - 350.000 đồng/kg lên 660.000 - 700.000 đồng/kg; Tôm sú tăng lên 330.000 đồng/kg từ mức giá 180.000 - 200.000 đồng/kg/30 con, tôm sú loại to khoảng 550.000 - 600.000 đồng/kg/15 20 -con,… tương ứng mức tăng từ 100 - 200%.
Khảo sát tại chợ hải sản xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) cũng ghi nhận mức giá tăng cao. Trung bình, cua biển có giá 540.000 - 570.000 đồng/kg; Tôm tít 300.000 - 400.000 đồng/kg tùy loại; Ngao biển 200.000 đồng/kg; ốc mỡ loại 3 giá 200.000 đồng/kg (tăng 50 % giá so với trước đây)...
TP Hồ Chí Minh: Hàng hoá, thực phẩm “ăn theo” xăng tăng giá
Ghi nhận tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây, nhiều mặt hàng như rau củ quả tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Đơn cử như đậu cô-ve có giá từ 27.000 đồng/kg tăng lên 35.000 đồng/kg, đu đủ có giá từ 8.000 đồng/kg tăng lên 14.000 đồng/kg,... Nhiều loại rau củ khác như bắp cải, xà lách cuộn, cà rốt, khoai tây... cũng tăng giá ở mức tương tự.
Chị Thanh Tuyền, một công nhân lao động đang tạm trú ở quận 6, TP Hồ Chí Minh, cho biết, suốt 3 tháng qua, tiền đi chợ cho gia đình 4 người đã phát sinh thêm khoảng 800.000 đồng mỗi tháng do giá cả hàng hóa tăng liên tục.
“Là nội trợ trong gia đình gần chục năm qua, chưa khi nào tôi thấy giá cả tiêu dùng lên cao như vậy. Bình thường, mỗi lần mua dầu ăn, gia vị cho một tháng chỉ mất khoảng 500.000 đồng thì nay lên 600.000 đồng. Đụng cái gì cũng tăng giá, mà thu nhập vẫn giữ nguyên. Giá xăng hiện nay đã hơn 32.000 đồng/lít, tôi chuyển sang đi chợ bằng xe đạp để tiết kiệm”, chị Tuyền bộc bạch.
Trước tình trạng giá thực phẩm ngày càng leo thang, vợ chồng chị Vi Thị Thanh, công nhân Công ty thực phẩm Trung Sơn (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) đã tính đến phương án cắt giảm chi tiêu để cân bằng chi phí sinh hoạt của gia đình, vì lương của hai vợ chồng không tăng.
Chị Thanh cho biết, lương cả 2 vợ chồng bình quân cũng chỉ tầm 15 triệu đồng/tháng. Trong đó, tiền nhà trọ, điện nước khoảng 1,7 triệu đồng, tiền cho hai con ăn học cũng đã ngốn hơn 4 triệu đồng, phần còn lại là tiền ăn uống, sinh hoạt và các khoản chi tiêu phát sinh của hai vợ chồng.
Theo chị Thanh, trước đây, chị chỉ cầm 150.000 đồng đi chợ để mua thức ăn trong 1 ngày cho gia đình 4 người, nay chỉ được phân nửa các thứ thực phẩm cần dùng trong ngày thì đã cạn tiền. "Trước mua chục trứng gà có 28.000 đồng, giờ lên 35.000 đồng; bí xanh 22.000/kg, giờ lên 27.000 đồng/kg. Ngay cả mì gói cũng tăng lên 5.000 đồng/gói", chị Thanh cho hay.
Không chỉ công nhân chật vật trước biến động của giá cả hàng hóa, các tiểu thương kinh doanh cũng đầy lo lắng khi sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu hàng ngày.
Anh Nông Văn Thảo, tiểu thương chợ Bình Thới (quận 11), cho biết, mỗi khi đến mua, khách đều than phiền vì giá tăng cao. "Hàng lấy về giá tăng mình phải tăng theo để tránh bị lỗ. Do sức mua giảm, hiện nay tôi chỉ nhập về cầm chừng đủ bán. Có những mặt hàng giá tăng cao quá, tôi không dám nhập về như trứng gà ta hiện giá lên tới 40.000 - 44.000 đồng/chục”, anh Thảo chia sẻ.
Mít Thái rớt giá thê thảm chỉ còn 2.000 đồng/kg
Ông Hoàng Văn Linh (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết mít chín đầy vườn nhưng thương lái không đến mua nên chỉ hái đem cho người thân, bạn bè.
Trước đó, ông Linh đã phá vườn sầu riêng do bị xâm nhập mặn vào năm 2016 để chuyển sang trồng mít Thái do bán được giá. "Giờ thấy người ta bán sầu riêng với giá 40.000 - 50.000 đồng mà mắc ham", ông Linh nói.
Theo ông Nguyễn Văn Tư (xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy), cách đây 3 năm khoảng 200 gốc mít Thái trồng xen đem lại cho gia đình ông 5 triệu mỗi tuần khi giá mít có thời điểm lên đến 40.000 đồng/kg. "Giờ mít chín rụng đầy vườn không ai thèm nhặt", ông Tư nói.
Tương tự, ông Tài (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang) cho biết người trồng mít đang điêu đứng do giá mít giảm sâu, nhiều người cắt bỏ mít cho cá ăn.
Khi giá mít thấp nhất cũng 8.000 đồng/kg và cao nhất là 30.000 đồng/kg cách nay mấy năm, nông dân An Giang đã ồ ạt trồng mít.
Riêng ông Tài đã trồng trên 1ha mít Thái. Vụ đầu tiên ông bán cho thương lái 15.000 đồng/kg, sau đó liên tục giảm mạnh và nay chỉ còn 2.500 - 3.000 đồng/kg. "Hai năm qua giá mít thấp nhưng chưa bao giờ thấp chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg như hiện nay. Mấy ngày nay, mấy anh em tui lấy mít cho cá ăn tại các ao, hầm. Chắc có lẽ phải chặt bỏ cây mít mà trồng nhãn…", ông Tài nói.
Ông Lê Quốc Điền - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp - cho biết giá mít rớt sâu do phía Trung Quốc chưa cho nhập khẩu, trong khi nhiều nông dân tự phát trồng mít không theo quy hoạch.
"Mấy năm trước, chúng tôi đã cảnh báo tình trạng trồng mít ồ ạt nhưng bà con vẫn tự phát trồng dẫn đến dội chợ. Địa phương đang vận động doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến mít để tiêu thụ, đồng thời khuyến cáo bà con chuyển đổi sang cây trồng khác", ông Điền nói thêm.
Phong trào trồng mít Thái xuất phát từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre nhằm thay thế những cây trồng trước đây bị nhiễm mặn như sầu riêng, chôm chôm, vú sữa… sau đó lan rộng ra các tỉnh thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu như Đồng Tháp, An Giang…
Tỉnh Tiền Giang là một trong số các địa phương có diện tích cây mít dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long với hơn 15.000 ha, cho năng suất 265 tạ/ha, đạt sản lượng khoảng 270.300 tấn/năm. Diện tích trồng mít tập trung nhiều ở huyện Cái Bè, Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy, Tân Phước...