Tiêu dùng trong tuần (từ 30/5-5/6/2022): Giá rau xanh tiếp tục “leo thang”
Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, xăng dầu, rau xanh đồng loạt tăng; trong khi giá gas giảm mạnh 31.000 đồng/bình 12 kg.
Tiêu dùng trong tuần (từ 23-29/5/2022): Giá rau xanh tăng gấp 3 lần, trái cây rớt giá thê thảm
Tiêu dùng trong tuần (từ 9-15/5/2022): Giá thực phẩm, xăng dầu đồng loạt tăng mạnh
Tiêu dùng trong tuần (từ 2-8/5/2022): Giá thực phẩm, xăng dầu đồng loạt tăng
Giá vàng, xăng dầu, rau xanh đồng loạt tăng; trong khi giá gas giảm mạnh. Ảnh minh họa
Giá vàng tăng nhẹ
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.851 USD/ounce, giảm 17 USD/ounce so với chốt phiên trước.
Trong những ngày qua, thị trường dấy lên thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất kể từ tháng 9 tới đây. Tuy nhiên, ngày 2/6 Phó Chủ tịch Lael Brainard cho biết, Fed không có lý do gì để dừng tăng lãi suất vào thời điểm hiện tại, khi mà lạm phát vẫn ở mức rất cao.
Bà Lael Brainard nhấn mạnh, vẫn còn quá sớm để nói rằng lạm phát đã đạt đỉnh. Do đó Fed còn nhiều việc phải làm và làm bằng mọi cách để lạm phát về mức mục tiêu 2%. Do lo ngại Fed còn nâng nhiều lần lãi suất giúp đồng USD mạnh lên, nhà đầu tư đã quay lại bán tháo vàng chỉ sau 1 phiên tăng trước đó.
Tuần qua, giá vàng thế giới chịu áp lực bán là chính, do thị trường chứng khoán tốt trở lại, lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng. Có phiên giá vàng đã giảm về sát ngưỡng 1.830 USD/ounce.
Tuy nhiên, phiên ngày 3/6 đã vọt cao lên đến 1.872 USD/ounce sau thông tin hàng loạt nền kinh tế lớn trên thế giới lạm phát tăng cao. Đến phiên cuối tuần, thông tin của Fed đã giúp cả lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ và đồng USD cùng tăng, đẩy giá vàng lao dốc mạnh.
Cụ thể, chỉ số Dollar-Index đã tăng 0,353%, lên 102.185 điểm vào lúc 8 giờ 35 phút (giờ Hà Nội), còn lợi tức trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 0,49%, lên mức 2,941% cùng thời điểm trên. Tính chung, giá vàng thế giới có tuần biến động mạnh. Kết tuần, vàng thế giới tăng 2 USD/ounce.
Trong nước, giá vàng SJC trên thị trường tự do sáng nay chỉ giảm nhẹ so với chốt phiên trước, mức giảm không tương xứng so với thị trường thế giới. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 68,75 - 69,65 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 68,75 - 69,67 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch mua - bán là 900.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 68,7 - 69,65 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 950.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý 68,8 - 69,6 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Tuần qua, khi giá vàng thế giới lùi sâu, giá vàng SJC đã có lúc giảm về dưới 69 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, mức giảm duy trì không được lâu, chỉ có 2 phiên đầu tuần. Kể từ phiên ngày 1/6 trở lại đây, giá vàng SJC đã đổi chiều tăng nhanh chóng.
Kết tuần, giá vàng SJC tăng 150.000 đồng/lượng trên thị trường tự do so với giá mở cửa tuần. Tại Doji, giá vàng SJC tăng 300.000 đồng/lượng và tại Phú Quý vàng SJC tăng giá 200.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Hà Nội: Giá rau xanh tiếp tục “leo thang”
Sáng 3/6, ghi nhận tại một số chợ dân sinh, truyền thống ở Hà Nội như chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), chợ Ngô Sỹ Liên (quận Đống Đa)… cho thấy giá rau xanh đã tăng gấp đôi so với tuần trước.
Cụ thể, tại chợ Nguyễn Công Trứ, rau ngót từ 6.000 đồng nay lên 12.000 đồng/mớ, rau muống mớ to 15.000 đồng nay lên 30.000 đồng/mớ, bắp cải 10.000 đồng lên 20.000 đồng/kg, bí xanh 10.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg…
Cô Thu Hương, tiểu thương bán rau tại chợ cho biết giá rau liên tục tăng cao từ cuối tuần trước do mưa lớn kéo dài.
"Mưa lớn kéo dài khiến các vựa rau ở Hà Nội và các vùng lân cận rơi vào cảnh ngập úng. Ngay cả loại rau chịu được nước như rau muống, rau cần cũng bị dập, thối, nát. Vì vậy lượng rau về chợ ít, kèm cước vận chuyển cao nên giá tăng vù vù," cô Hương nói.
Rau tăng giá cũng kéo theo các loại củ, quả cũng tăng. Tại chợ Ngô Sỹ Liên, mướp tăng từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng/kg, cà chua loại nhỏ từ 10.000 đồng tăng lên 15.000 đồng/kg; khoai tây 20.000 đồng lên 30.000 đồng/kg…; các loại củ, quả khác tăng từ 3.000-10.000 đồng/kg so với tuần trước.
Chị Trinh, một tiểu thương tại chợ cho rằng giá rau có thể tăng cao hơn nếu mưa không giảm. Hiện tại, việc nhập rau của các tiểu thương khá khó khăn vì các chợ đầu mối cũng đang khan hàng.
“Lượng hàng tôi nhập về những ngày gần đây chỉ bằng một nửa so với trước. Một phần vì nguồn cung thiếu, mặt khác vì giá rau tăng cao nên người tiêu dùng cũng khá e dè khi mua...,” chị Trinh chia sẻ.
Giá xăng vượt 31.500 đồng/lít
Tại kỳ điều chỉnh ngày 1/6, liên Bộ Công thương - Tài chính không trích quỹ bình ổn với xăng RON 95 và E5 RON 92, chỉ trích quỹ với các loại dầu 100-300 đồng/lít/kg, đồng thời chi quỹ bình ổn với xăng từ 100-500 đồng/lít tùy loại.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu như sau: Xăng E5 RON 92 tăng 605 đồng; Xăng RON 95 tăng 920 đồng; Dầu diesel tăng 844 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 946 đồng/lít; Dầu mazut tăng 310 đồng/lít.
Theo đó: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 30.235 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 31.578 đồng/lít; Dầu diesel không cao hơn 26.394 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 25.346 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 20.901 đồng/lít.
Như vậy, xăng đã có 5 phiên liên tiếp tăng giá, xô đổ kỷ lục cũ, đưa mặt hàng này leo lên đỉnh mới. Việc giá xăng dầu tăng quá cao, ảnh hưởng đến đời sống người dân, nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi.
Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 1/6, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại giá xăng tăng cao tác động lên lạm phát, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp để bình ổn, hạ thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An, trước diễn biến khó khăn của kinh tế thế giới, sức ép của lạm phát cần có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là xăng dầu.
Đại biểu Quốc hội Siu Hương cũng đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh giá một số mặt hàng có tác động đến sản xuất, kinh doanh.
"Cử tri phản ánh nhiều giá cả sinh hoạt gia tăng liên tục, giá xăng tăng cao. Giá đầu vào sản xuất nông nghiệp cũng tăng cao. Các chỉ số giá tiêu dùng gia tăng ở nhiều lĩnh vực. Do vậy đề nghị Chính phủ có giải pháp điều chỉnh giá các mặt này, ổn định đời sống", đại biểu Hương nhấn mạnh.
Giá gas tháng 6 tiếp tục giảm 31.000 đồng/bình 12 kg
Thông tin từ các doanh nghiệp kinh doanh gas cho biết, từ ngày 1/6, giá gas bán lẻ trong nước sẽ được điều chỉnh giảm phổ biến 31.000 đồng/bình 12 kg.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Thái Bình Dương cho biết từ ngày 1/6, giá gas Vimexco Gas và City Petro giảm 31.000 đồng/bình loại 12 kg và giảm 129.000 đồng/bình loại 50 kg.
Theo đó, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng không vượt quá 476.500 đồng/bình 12 kg và 1.984.500 đồng/bình 50 kg.
Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo từ ngày 1/6 giá bán gas Saigon Petro giảm 31.000 đồng/bình 12 kg. Giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng là 456.000 đồng bình 12 kg.
Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam cũng cho biết từ ngày 1/6 giảm 31.000 đồng/bình 12 kg và 116.250 đồng/bình 45 kg. Theo đó, giá bán lẻ đến người tiêu dùng 457.900 đồng/bình 12 kg và 1.717.125 đồng/45kg.
Theo các đơn vị này, do giá gas thế giới bình quân tháng 6 chốt 750 USD/tấn, giảm 105 USD/tấn so với tháng 5 nên các công ty điều chỉnh mức giảm tương ứng.
Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Thời tiết nóng lên vào mùa hè khiến nhu cầu nhiên liệu, khí đốt nhiều khu vực trên thế giới giảm xuống, giúp giá gas thế giới hạ nhiệt.