Chưa xác định được nguồn cung hơn 2 triệu m3 cát thi công Cao tốc Bắc-Nam
Nếu không xác định sớm nguồn cung ứng vật liệu còn thiếu cho nhà thầu thi công, Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.
Dự án Cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau vẫn đang thiếu khoảng 2,1 triệu m3 cát thi công. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau vẫn đang thiếu khoảng 2,1 triệu m3 cát thi công và Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương nơi có dự án đi qua sớm xác định nguồn cung vật liệu cho nhà thầu đẩy nhanh tiến độ.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí nguồn cung cát đắp được xấp xỉ 17/19 triệu m3 (trong đó đã và đang khai thác 3,63 triệu m3; đang hoàn thiện thủ tục 13 mỏ với trữ lượng 13,27 triệu m3).
Thực tế, đến nay nhà thầu mới khai thác được 0,7 triệu m3 (tỉnh An Giang khoảng 0,2 triệu m3; tỉnh Đồng Tháp 0,5 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long 2.300 m3).
Ngày 17/11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với các địa phương về nguồn cát, các địa phương đã cam kết hoàn thành các thủ tục cấp mỏ trong năm 2023, tuy nhiên, còn khoảng 2,1 triệu m3 cát chưa xác nhận được nguồn cung cấp (tỉnh An Giang 0,44 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long 1,65 triệu m3) và công suất khai thác của các mỏ hiện nay rất thấp, chỉ đạt khoảng 8.000 m3/ngày đối với các mỏ đang khai thác (chưa tính đến công suất của 13 mỏ đang làm thủ tục cấp mới).
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các tỉnh An Giang, Vĩnh Long khẩn trương xác định nguồn cung cấp 2,1 triệu m3 cát cho dự án đoạn Cần Thơ-Cà Mau để các nhà thầu triển khai thủ tục khai thác trong năm 2023; rà soát nâng công suất các mỏ đang khai thác để đáp ứng tiến độ thi công, trường hợp không đủ công suất đề nghị bố trí thêm các mỏ mới.
Với các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, tổng nhu cầu cát cần gần 10 triệu m3. Trong đó, hơn 4,7 triệu m3 được sử dụng từ 79 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng gần 11 triệu triệu m3, tổng công suất khai thác khoảng gần 1,7 triệu m3/năm, cần phải nâng công suất khai thác mới đáp ứng nhu cầu.
Hơn 5 triệu m3 cát còn lại được sử dụng từ 14 mỏ mở mới có tổng trữ lượng khoảng gần 12 triệu m3. Đến nay, các nhà thầu đã khai thác được 8/14 mỏ.
Tổng nhu cầu vật liệu đất khoảng gần 50 triệu m3. Trong đó, 2,7 triệu m3 được sử dụng từ 21 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng hơn 10 triệu m3, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Gần 47 triệu m3 được sử dụng từ 74 mỏ mở mới có tổng trữ lượng hơn 64 triệu m3. Hiện, các nhà thầu đã khai thác được 27/74 mỏ.
Phía Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ ra vướng mắc một số mỏ đất chưa thỏa thuận được với các chủ sở hữu về giá chuyển nhượng, thuê đất, các chủ sở hữu đưa ra giá cao hơn nhiều so với giá nhà nước bồi thường hiện nay (mỏ Hoàng Đàm ở Quảng Bình, mỏ Vĩnh Sơn 5 ở Quảng Trị, mỏ Phú Ân ở Phú Yên, mỏ Mễ Sơn ở Quảng Ngãi....). Một số khu vực nền đào tại Dự án Cao tốc Hoài Nhơn-Quy Nhơn vướng thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng nên không khai thác được đất để điều phối sang đắp, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.
Về tiến độ của Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, sau khi các mỏ vật liệu xây dựng được đưa vào khai thác, các nhà thầu đã tập trung thi công, đến nay sản lượng thi công đạt hơn 14.700 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 15% giá trị hợp đồng.
“Tiến độ thi công chậm hơn so với kế hoạch do vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá.
Tiến độ thi công Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 chậm hơn so với kế hoạch do vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thành báo cáo của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025; sớm tham mưu Chính phủ cho phép các tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) nâng công suất các mỏ cát đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác; hỗ trợ hướng dẫn về trình tự, nguyên tắc đàm phán trong thỏa thuận, bồi thường để khai thác các mỏ vật liệu xây dựng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay công tác chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích tăng thêm và nằm ngoài phạm vi của Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, không làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ để các địa phương công bố giá làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt giá thanh toán cho nhà thầu.
Theo Việt Hùng (Vietnam+)