Đáp ứng nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm phía nam
Hiện nay, nguồn cát phục vụ thi công các công trình, dự án giao thông tại nhiều địa phương phía nam đang khan hiếm. Việc tháo gỡ, xử lý vướng mắc, đáp ứng nguồn cung vật liệu là giải pháp quan trọng để các dự án trọng điểm trên địa bàn được triển khai đúng tiến độ.
Khai thác mỏ cát trên sông Hậu (thuộc thị trấn Trà Ôn, huyện Trà ôn, tỉnh Vĩnh Long). |
Theo Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2021-2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ triển khai 16 dự án giao thông trọng điểm, tổng nhu cầu vật liệu đắp nền các dự án khoảng 70 triệu m3, trong đó cát đắp hơn 63 triệu m3, hiện còn thiếu 26 triệu m3 chưa có nguồn.
Triển khai nhiều dự án trọng điểm
Hiện nay, các dự án đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, dự án thành phần 1 và 4 thuộc dự án đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đã cơ bản xác định đủ nguồn. Tuy nhiên, theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, công suất khai thác các mỏ cát tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp rất thấp, không kịp cung ứng so với tiến độ dự án đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau đề ra.
Cụ thể, tổng nhu cầu cát cho dự án này khoảng 18,5 triệu m3, đến nay, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã xác định nguồn cung và xác nhận khối lượng khai thác hơn 15 triệu m3, còn thiếu gần 3 triệu m3 (tỉnh An Giang 1 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long gần 2 triệu m3). Công suất khai thác trung bình hiện đạt khoảng 20.000 m3/ngày.
Trường hợp hoàn thành các thủ tục (khai thác 3 mỏ tại Vĩnh Long, 1 mỏ tại An Giang và nâng công suất 5 mỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp) để đưa tất cả các mỏ vào khai thác trong tháng 5 này thì công suất bình quân đạt 42 nghìn m3/ngày. Các địa phương đã khai thác, đưa về dự án 5,3 triệu m3 (gồm cát thương mại). Để bảo đảm hoàn thành công tác gia tải tuyến chính, đến cuối tháng 8 phải đưa về dự án thêm 9,6 triệu m3 cát.
Tại tỉnh Bến Tre, từ nay đến năm 2025, nhiều dự án trọng điểm sẽ được triển khai, dự báo nhu cầu về vật liệu san lấp tăng cao. Đơn cử, dự án cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư, dự kiến khởi công vào quý II/2024 và sẽ hoàn thành vào quý II/2026.
Theo tính toán, tổng khối lượng vật liệu cát đắp nền phục vụ dự án này cần khoảng 1,68 triệu m3 (bao gồm đắp nền đường, đắp bù lún và đắp gia tải). Bên cạnh đó, dự án cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang và Bến Tre đang thi công cũng thiếu khoảng 300 nghìn m3 cát.
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có mỏ cát Cẩm Sơn (xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam), năm 2020 đã được cấp phép khai thác làm vật liệu san nền. Trữ lượng cấp phép mỏ là 510 nghìn m3, công suất khai thác 180 nghìn m3/năm. Tuy nhiên, đến tháng 6/2022, đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mới chính thức đi vào khai thác, nguyên nhân chậm do người dân khu vực mỏ chưa đồng thuận. Tuy nhiên, theo đánh giá, trữ lượng khai thác thực tế của mỏ cát Cẩm Sơn thấp hơn trữ lượng được cấp phép, chất lượng cát thấp, hàm lượng bùn trong cát tương đối lớn, không đạt chỉ tiêu kỹ thuật phục vụ đắp nền đường.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre cho biết: “Tính đến tháng 12/2023, trữ lượng cát còn lại của mỏ đạt khoảng 449.000 m3, tỉnh Bến Tre không đủ khả năng cung cấp vật liệu cho các công trình trên địa bàn tỉnh. Về chất lượng cát, qua tham khảo kết quả khảo sát của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, chất lượng cát trên lòng sông của tỉnh không đạt theo TCVN 4198: 2014, TCVN 8821: 2011, TCVN 9436:2012 cho thiết kế các công trình cao tốc (cát có nhiều tạp chất), chỉ chủ yếu phục vụ san lấp các công trình dân sinh”.
Sớm có giải pháp bảo đảm nguồn vật liệu
Cũng theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bến Tre, hiện nay tỉnh đang triển khai Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, đưa ra đấu giá 6 khu vực khoáng sản, tổng trữ lượng tiềm năng ước tính đạt gần 15 triệu m3. Nếu triển khai bảo đảm về chất lượng, môi trường, công suất khai thác hằng năm ở từng mỏ, dự kiến khối lượng khai thác 6 khu vực mỏ đạt khoảng 3 triệu m3/năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu vật liệu cho các công trình trên địa bàn tỉnh (căn cứ các dự án, công trình theo nghị quyết của tỉnh, bình quân mỗi năm cần khoảng 10 triệu m3/năm, tuy nhiên, việc triển khai không đạt như dự kiến, nhu cầu thực tế của tỉnh cần khoảng 4-5 triệu m3/năm).
Hiện nay, Bến Tre đang xin ý kiến của người dân khu vực 6 mỏ cát và các đơn vị liên quan như Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cục Hàng hải (Bộ Giao thông vận tải), Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang. Nếu thuận lợi, dự kiến cuối tháng 6 tới, tỉnh sẽ tổ chức phiên đấu giá. Sau khi có đơn vị trúng đấu giá, tỉnh sẽ cấp giấy phép khai thác để có nguồn cát phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn cũng như khu vực lân cận.
Tuy tỉnh đã có kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhưng nếu thuận lợi, đến cuối tháng 6 mới tổ chức phiên đấu giá, sau đó còn hàng loạt thủ tục khác mới đủ điều kiện để khai thác. Vì thế, các nhà thầu thi công vẫn rất e ngại, lo lắng khi triển khai thực hiện dự án, mà vẫn chưa xác định rõ nguồn vật liệu, thời gian nào có vật liệu, trữ lượng và giá thực tế là bao nhiêu,… khi các thủ tục cấp phép liên quan đến nhiều cơ quan, ban, ngành.
Nhiều nhà thầu băn khoăn, nếu xảy ra tình huống không thuận lợi, 6 mỏ cát trong tỉnh dự kiến đấu thầu không đáp ứng đủ điều kiện thì phương án bổ sung nguồn cát là gì? Nếu triển khai dự án trước khi có nguồn cung vật liệu, khởi công xong phải tạm ngừng thi công hoặc thi công cầm chừng, chậm tiến độ thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Cùng với việc khẩn trương thực hiện các trình tự, thủ tục đấu giá, cấp phép khai thác mỏ, các bộ ngành, địa phương liên quan sớm nghiên cứu, có biện pháp xử lý nguồn vật liệu để giải “cơn khát” nhu cầu cấp bách về vật liệu cho các công trình, dự án trọng điểm.
Trước tình trạng nguồn cát đắp khan hiếm, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong tháng 5, sẽ cho khai thác nguồn cát biển phục vụ thi công các công trình giao thông trọng điểm. Bộ đã đề nghị hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh phối hợp các bộ, ngành, chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện thủ tục giao mỏ cát biển cho nhà thầu khai thác làm vật liệu các dự án giao thông. Đến nay, bước đầu đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng có trữ lượng khoảng 680 triệu m3; trong đó, khoảng 145 triệu m3 có thể đạt tiêu chuẩn nguồn vật liệu xây dựng, san lấp các dự án giao thông.
Trong buổi làm việc về giải quyết nguồn vật liệu san lấp các dự án giao thông trọng điểm phía nam tại Vĩnh Long, mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh: Việc bảo đảm vật liệu san lấp là điều kiện quyết định đến tiến độ của các dự án giao thông trọng điểm quốc gia, kết nối liên vùng, đang được triển khai trên cả nước. Các địa phương phải nhận thức rõ trách nhiệm chính trị trong bảo đảm cung cấp cát san lấp cho những tuyến đường huyết mạch trọng điểm, vì sự phát triển của cả vùng.
Theo MINH TRANG/Nhandan.vn