Điều phối vật liệu giữa các dự án Cao tốc Bắc-Nam: Cần có hướng dẫn cụ thể
Tỉnh Phú Yên đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể để có cơ sở thống nhất giải quyết điều phối vật liệu khai thác phục vụ thi công Cao tốc Bắc-Nam.
(Nguồn: TTXVN) |
Tỉnh Phú Yên đang triển khai thi công hai dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam và nhiều dự án có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. Việc cùng lúc thực hiện nhiều công trình xây dựng dẫn đến thừa, thiếu cục bộ nguồn vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất, đá).
Trong khi đó, do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng, chính quyền địa phương và các chủ đầu tư không thể thực hiện việc điều phối nguồn vật liệu từ dự án này sang dự án khác để đẩy nhanh tiến độ và tiết giảm chi phí.
Tại công trường thi công gói thầu 13XL dự án thành phần cao tốc Quy Nhơn-Chí Thạnh, các đơn vị thi công phải sử dụng phương tiện cơ giới để vận chuyển hàng trăm m3 đất dôi dư từ việc đào nền đường đổ vào các bãi thải.
Ước tính quá trình thi công dự án sẽ dôi dư gần 4 triệu m3 đất và phải sử dụng tới 19 bãi thải để đổ đất và các loại vật liệu dôi dư. Việc đất dôi dư nhưng không có bãi thải để đổ gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của dự án.
Ông Phạm Văn Việt, Chỉ Huy trưởng gói thầu 13XL dự án thành phần Quy Nhơn-Chí Thạnh, chia sẻ không có đất đắp nền, chậm tiến độ đã đành nhưng dự án lại chậm do dư đất, bãi thải hết chỗ tập kết đất. Đơn vị thi công rất mong, có sự điều phối nguồn vật liệu dôi dư này để sử dụng cho các dự án khác. Như vậy, chủ đầu tư sẽ tiết kiệm được chi phí, quỹ đất để làm bãi thải.
Nếu như dự án thành phần Quy Nhơn-Chí Thạnh đang dôi dư vật liệu, dự án thành phần Chí Thạnh-Vân Phong lại thiếu. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 7 cho biết, nhu cầu cát của dự án rất lớn (khoảng 1,73 triệu m3), riêng cát sử dụng cho hạng mục xử lý đất yếu mỗi ngày cần khoảng 20.000m3.
Để đáp ứng tiến độ của dự án, đồng thời có cơ sở rút ngắn thời gian thi công (khoảng 6 tháng), chủ đầu tư kiến nghị kéo dài thời gian khai thác, vận chuyển vật liệu vào ban đêm.
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Yên cho thấy sau khi điều phối, tận dụng vật liệu từ hạng mục đào, khối lượng đắp cho từng dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam, tổng nhu cầu vật liệu hiện nay khoảng 5,5 triệu m3 đất; 2,34 triệu m3 cát và 2,47 triệu m3 đá.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, việc sử dụng khoáng sản dôi dư từ dự án cao tốc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hai văn bản hướng dẫn tuy nhiên quan điểm còn khác nhau.
Bộ có ý kiến “có thể được xem xét áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 2, Điều 64, Luật Khoáng sản” nhưng không khẳng định cơ sở pháp lý. Vậy nên, các cơ quan chuyên môn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên (Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải) cho rằng việc sử dụng khối lượng đất dôi dư từ công tác đào nền đường của dự án thành phần này để cung cấp cho dự án thành phần khác chưa có căn cứ thực hiện và hướng dẫn cụ thể.
Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh nhận thấy việc sử dụng đất dôi dư từ công tác đào nền đường của Dự án xây dựng công trình đường bộ Cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 sẽ không làm tăng tổng mức đầu tư của Dự án; góp phần tiết kiệm nguồn vốn ngân sách, giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án thành phần.
Để có cơ sở thống nhất giải quyết việc điều phối vật liệu khai thác, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể, nhất là việc khẳng định cơ sở pháp lý.
Theo Xuân Triệu (TTXVN/Vietnam+)